Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:29 (GMT +7)
“Những con thuyền nan ngày càng dần vắng bóng...”
Chủ nhật, 08/10/2023 | 15:56:34 [GMT +7] A A
Hơn 60 năm gắn bó với nghề đan thuyền nan truyền thống của làng Hưng Học, phường Nam Hoà, thị xã Quảng Yên, ông Nguyễn Văn Giót được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú với những cống hiến và tâm huyết gìn giữ, trao truyền nghề truyền thống. Chứng kiến những thời điểm phát triển nhất của nghề và nay lại ngậm ngùi nhìn nghề đan thuyền nan dần mai một, nghệ nhân tâm huyết với nghề như ông Giót mang nặng những tâm tư.
Để hiểu thêm chuyện làm nghề, tìm hiểu câu chuyện đang diễn ra với nghề đan thuyền nan truyền thống ở Hưng Học, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Giót. - Là một nghệ nhân của làng nghề, nắm trong lòng bàn tay kỹ thuật và các công đoạn làm thuyền nan, ông có thể chia sẻ khái quát về cách làm một chiếc thuyền nan được không ạ? + Đầu tiên để làm được một chiếc thuyền nan, ta phải chọn nguyên liệu. Ta chọn tre chụt hoặc tre khổng. Chúng tôi phải chọn những cây tre già. Đặc biệt làm nan công chạy dọc thuyền phải chọn cây tre già, tre thẳng. Nan ngang thì không cần tre thẳng vì khi đan vào thuyền có lóng thì queo nó cũng ép thành thẳng hết. |
Sau khi đã chọn đủ tre để làm một cái thuyền hoặc nhiều cái thuyền, người ta sẽ tiến hành chẻ nan. Ví dụ như ta đan thuyền dài 5m thì chặt nan công dài bằng 5m. Đan thuyền chở thì ta đan hai dài - một rộng. Đan xong, ta cạp tre. Mỗi thuyền cần 2 tre cạp: Một cây bên trong, một cây bên ngoài. Với những cây tre cạp xong, đầu đuôi của nó ta lại vót những cây dượp.
Sau khi cạp xong thì ta cho phân hôi vào xát, rồi mang ra bãi phơi nắng. Phơi khô làn ngoài, làn trong rồi mang ra sơn. Sơn lớp nhựa áo bên ngoài. Lần một xong rồi phơi, khi nào được nắng thì tiến hành sơn bên trong. Sơn trong, sơn ngoài, bao bọc kín hết nhựa rồi để cho nó thật kỹ. Nếu như làn ngoài đã ngấm đen vào thì khi sơn làn trong. Sơn xong, hai lớp sơn sẽ bắt vào nhau.
Để hoàn thành một chiếc thuyền nan, từ khi chọn nguyên liệu đến khi vào thang, thường là mất khoảng 5 công lao động của người thợ.
- Nghề làm thuyền nan truyền thống tại thị xã Quảng Yên có từ bao giờ và vào thời gian nào nghề phát triển rực rỡ nhất thưa ông?
+ Nghề làm thuyền nan đã có từ thời ông cha chúng tôi. Cụ thể năm bao nhiêu thì tôi không biết. Chỉ biết rằng khi tôi lên 7, lên 8 thì quê hương chúng tôi đã có nghề này rồi. Và nay khi tôi đã 77 tuổi thì nghề vẫn còn được duy trì. Trong trí nhớ của tôi, đời ông nội tôi đã làm thuyền nan, tiếp tục đến những năm về sau đến bố mẹ rồi anh em chúng tôi. Tất cả anh em trong gia đình tôi ai cũng biết làm thuyền.
Những năm tháng làng nghề đan thuyền nan phát triển nhất là giai đoạn những năm 1971, 1972 kéo dài đến năm 2000. Thời đó, cứ đi qua làng Hưng Học là râm ran chỗ này có tiếng gõ vào thang thuyền, chỗ kia có tiếng đập nan, chẻ nan, cạp thuyền... Một làng quê tuy rất nghèo nhưng những năm tháng ấy từ đầu làng đến cuối làng, khoảng độ năm, sáu chục hộ gia đình làm thuyền. Nhà nào cũng một sân đầy thuyền, thuyền úp từ đầu làng đến cuối làng. Tất cả các cỡ từ to đến nhỏ, không thiếu!
- Vậy đến bây giờ, ông có biết là còn bao nhiêu hộ gắn bó với nghề đan thuyền nan này?
+ Bây giờ nói ra chỉ còn 5 hộ duy trì nghề và sự duy trì cũng chỉ là lác đác. Lâu lâu mới làm một cái, hai cái. Chứ không thường xuyên như ngày xưa.
- Tại sao ngày càng ít hộ làm thuyền nan vậy thưa ông?
+ Ngày xưa cái thuyền nan chỉ dùng để bơi chải ở trong đồng, phục vụ cho nông nghiệp. Sau này thuyền nan phục vụ cho sông nước có thể đi lưới, đi chài ở khu vực ven sông. Những năm trước đây, tôm cá nhiều, cứ ra ngoài bờ đê, thả treo lưới là tôm, cá đầy. Bây giờ vì nhiều lý do, tôm cá ít đi; những đầm áng ven bờ mình không được phép đánh bắt nữa.
Vươn khơi xa thì con thuyền nan bé không vươn được, làm trong tùng vụng thì cơ quan chức năng cấm. Cho nên những con thuyền nan dần dà ngày càng vắng bóng đi.
Thêm nữa, trước đây đi sông, đi nước chỉ cần dùng chiếc thuyền nan nhưng bây giờ lại có thuyền nhựa composite. Trước đây, 100% người dân dùng thuyền nan thì bây giờ chỉ còn 30% đến 40%. Bởi vì làm ra không có người mua, người sản xuất thuyền nan cũng dần vắng bóng. Mấy tháng mới bán được một cái thuyền. Vậy thì lấy gì mà chi tiêu.
Như gia đình tôi cả năm mới bán được hai, ba chiếc thuyền. Bây giờ chỉ dựa vào nghề là không đủ ăn, vẫn phải tìm nghề khác để làm, tìm cách khác để kiếm sống.
- Trước thực trạng này, ông có lo lắng về nguy cơ thất truyền của nghề hay không?
+ Có đấy! Cái suy nghĩ đấy là mình phải lo xa. Ông cha tôi đã có năm đời làm rồi, đến nay đã bước sang đời thứ sáu mà đến bây giờ nghề lại phôi pha như thế này. Cho nên tôi cố đào tạo hướng dẫn cho anh em, con cháu, giữ lấy cái nghề, gọi là biết cái nghề. Nếu như một vài năm, mình không làm nữa lại có vị khách ở đâu đến, người ta chỉ yêu cầu mua cái thuyền nan này, thuyền khác người ta không mua thì mình lại phải đi tìm tre, tìm pheo về đan cho khách.
- Hơn 60 năm gắn bó với nghề, chứng kiến nghề đan thuyền nan lúc thịnh, lúc suy, ông có suy nghĩ gì?
+ Kể từ khi lên 7, lên 8 bắt đầu học làm thuyền rồi đến khi đi bộ đội, đóng quân ngoài đảo vẫn thường giúp bà con đan thuyền, cạp thuyền, sửa thuyền. Về quê tôi cũng mưu sinh bằng nghề đan thuyền nan. Đến nay, tôi đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề ông cha để lại. Tôi đã tự tay truyền nghề cho con, cho cháu, cho những người trong làng. Ai muốn học nghề tôi đều sẵn lòng truyền, chỉ mong sao cái nghề của ông cha không bị mai một và mong sao nghề sẽ giúp được nhiều người làm ăn kinh tế.
Tôi chỉ muốn làm sao đời con, đời cháu giữ lấy cái nghề nghiệp mà ông cha, nghề truyền thống của cả làng Hưng Học này. Năm, bảy chục năm nữa khi thế hệ sau các cháu, các chắt có hỏi “Tại sao các cụ nhà mình đi cái thuyền nan be bé mà cũng qua được sông?” rồi thì “Ai là người đan ra chiếc thuyền nan ấy?” thì lúc đó vẫn có người trả lời được câu hỏi của các cháu, các chắt và vẫn có người để kể cho con cháu biết về những năm tháng kinh tế khó khăn, các cụ, các ông đã có một nghề kiếm kế sinh nhai như vậy ở vùng đồng chua nước mặn này.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Đào Linh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()