Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:12 (GMT +7)
Cuộc đua Thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024: Những người truyền cảm hứng trong Cuộc đua Clipper Race
Thứ 6, 01/03/2024 | 13:14:53 [GMT +7] A A
Clipper Race mùa giải 2023-2024 có sự góp mặt của hơn 400 thủy thủ. Họ là các nhà khoa học, doanh nhân, nhà đầu tư, bác sỹ, nhà báo, người nổi tiếng trên mạng xã hội… Để có mặt ở cuộc đua thuyền buồm lớn nhất, khắc nghiệt nhất thế giới, nhiều người trong số họ đã mất nhiều năm theo đuổi và hiện thực hóa giấc mơ này. Những câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng không nhỏ đến hàng trăm triệu người trên thế giới về những nỗ lực không ngừng để chiến thắng bản thân và vượt qua những thử thách khi lênh đênh trên mênh mông đại dương.
Ông David Hartshorn (58 tuổi, nước Anh), Thuyền trưởng Đội đua Bekezla: “Trở thành thuyền trưởng Cuộc đua Clipper là niềm tự hào lớn của cuộc đời tôi”
Tôi đến từ xứ Wales và đã phục vụ trong lực lượng cảnh sát gần 30 năm. Năm 1984 tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là cảnh sát của hạt Gwent và sau đó trở thành Giám đốc của Sở Cảnh sát London. Trong sự nghiệp của mình, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được chỉ huy lực lượng cảnh sát để đảm bảo an ninh cho rất nhiều sự kiện lớn của nước Anh, như: Đám cưới Hoàng gia năm 2011 của Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge; Thế vận hội Olympic; Paralympic Luân Đôn 2012. Đặc biệt, đã tham gia chỉ huy xử lý cuộc bạo loạn ở vùng ngoại ô Tottenham vào tháng 8/2011.
Với tình yêu dành cho đại dương và thuyền buồm, năm 2015, khi nghỉ hưu tôi đã bắt đầu đăng ký tham gia làm huấn luyện viên tự do môn đua thuyền buồm. Chỉ một năm sau đó, tôi chính thức trở thành thành viên trong cuộc đua thuyền buồm vượt Thái Bình Dương đầy thử thách. Mặc dù có nhiều thành tựu trong sự nghiệp, nhưng việc trở thành thủy thủ của Cuộc đua Clipper là niềm tự hào và cũng là mục tiêu lớn trong cuộc đời tôi. Đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ cảm xúc tuyệt vời và vui sướng khi được cầm trên tay thư mời của Ban Tổ chức Cuộc đua Clipper Race mùa giải 2017-2018. Đặc biệt, trong 4 lần tham gia cuộc đua, tôi được tin tưởng và giao trọng trách đảm nhận vị trí thuyền trưởng chèo lái cả đội vượt đại dương.
Mỗi cuộc đua là một cảm xúc đặc biệt và mang lại những trải nhiệm khó quên. Bạn sẽ phải tập quen và sinh hoạt trong một không gian vô cùng hạn hẹp; khu vực rộng nhất của thuyền chỉ khoảng 4m2; bạn cũng sẽ không được ngủ quá 4 tiếng/lần; không có internet để kết nối với người thân và nếu gửi email bằng vệ tinh thì họ sẽ tính tiền cho từng ký tự; bạn cũng phải ăn những món ăn không hợp miệng vì trong đoàn phần lớn là những người không giỏi nấu ăn. Tuy nhiên, những điều này vẫn không đáng sợ bằng việc bạn phải đối mặt với những cơn giận dữ đột ngột đến từ "mẹ thiên nhiên", những con sóng cao đến chục mét và những cơn gió mạnh xé toang các cánh buồm. Hay có những ngày dài đi qua vùng nóng, không có lấy một cơn gió và mặc dù rất mệt mỏi nhưng chúng tôi đã phải thay phiên nhau căng buồm để canh gió, rồi phải duy trì tinh thần cho cả đội để đảm bảo giữ khoảng cách giữa các đội đua… Tôi đã từng bị gãy ngón tay trong lúc sửa cánh buồm ở mùa giải trước, đối mặt với 2 cuộc phẫu thuật để xử lý vết thương và tạm thời chia tay cuộc đua.
Kết thúc mỗi mùa giải, ở mỗi chặng đua, có thể chưa giành được ví trí xuất sắc nhất nhưng dù thế nào thì với chúng tôi hoàn thành cuộc đua là chiến thắng chính bản thân mình. Cũng chính từ ý nghĩa lớn lao mà Cuộc đua Clipper Race mang lại, tôi đã thành lập và lãnh đạo một dự án dành cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ các quận nội thành Luân Đôn để họ có cơ hội trải nghiệm chèo thuyền. Khi được chứng kiến sự trưởng thành, phát triển trong các kỹ năng chèo thuyền, tinh thần đồng đội và sự tự tin cá nhân ở những người trẻ tuổi là điều vô cùng tuyệt vời với tôi. Dự án này cũng là cách để tôi thể hiện tình yêu của mình với thuyền buồm nhiều hơn chỉ đơn giản là một người dạo chơi trên các con sóng.
Tiến sĩ Dianne McGrath, (54 tuổi, Úc), Đội đua PSP Logistics: “Tôi thích được thử thách và thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân mình”
Tôi đang giảng dạy tại Đại học Rmit, chuyên ngành thiết kế hệ thống môi trường bền vững của Úc và còn là thành viên của Hiệp hội Chuyên gia về phát triển bền vững Quốc tế. Tôi cũng là người sáng lập ra tổ chức có tên Watch My Waste. Hiện tổ chức này đang hợp tác với Chính phủ Úc và các doanh nghiệp về giảm thiểu rác thải thực phẩm. Nhờ những đóng góp trong lĩnh vực môi trường, ngành công nghiệp sạch nên tôi đã được nhiều trường nổi tiếng trên thế giới mời đi giảng dạy. Những kiến thức, nghiên cứu khoa học trong suốt 30 năm cùng những kinh nghiệm, niềm đam mê phiêu lưu khám phá đã mang lại cho tôi một nền tảng tuyệt vời khi tham gia Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024.
Thông thường với phụ nữ, mọi người chỉ đăng ký 1-2 chặng trong cuộc đua Clipper Race, nhưng để thử thách chính bản thân, khát vọng phiêu lưu đã dẫn dắt tôi tham gia đủ 8 chặng đua trong gần 12 tháng vòng quanh thế giới, trên chiếc thuyền buồm dài 21m cùng 23 thủy thủ. Đây là lần đầu tiên tôi được khám phá đại dương và vượt qua những thử thách lớn chưa từng gặp, đó là những cơn say sóng mệt lả người ở chặng đua đầu tiên, là những đêm thức trắng nhưng vẫn phải giữ tinh thần luôn tỉnh táo, hay khi đối mặt với cái nóng cực độ cũng như thời tiết giá lạnh và hạn chế mọi thứ với thế giới bên ngoài.
Cùng với việc tìm mọi cách để vượt qua thử thách, trong hành trình đua thuyền buồm vòng quanh thế giới tôi đã tận dụng mọi cơ hội để truyền tải và lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, chống lại rác thải thực phẩm và nhựa đại dương. Tham gia cuộc đua thuyền buồm Clipper Race đã đưa tôi đến với những vùng đất mới, những khám phá ấn tượng. Chính vì vậy, khi đến với Việt Nam, tôi đã đăng ký tham gia toàn bộ các hoạt động trải nghiệm khám phá văn hóa, con người, ẩm thực của thành phố biển Hạ Long, nhất là hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long – Di sản, kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Tôi thực sự ấn tượng với Hạ Long, địa chất, địa mạo và thiên nhiên của Vịnh Hạ Long. Môi trường ở đây rất tuyệt! các bạn đã có rất nhiều hoạt động trong bảo vệ môi trường. Từ trước đến nay, tôi chưa có nhiều cơ hội tiếp cận và nghiên cứu về môi trường của các vùng di sản. Vịnh Hạ Long đã tạo cho tôi nhiều hứng thú và chắc chắn, sau khi kết thúc hành trình đua, quay lại Úc, tôi sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ hơn về các Di sản cũng như vấn đề bảo vệ môi trường di sản ở Úc.
Đặc biệt, Cuộc đua này đã giúp tôi rèn luyện bản thân về tinh thần, thể lực và ý chí. Hiện tôi đã chính thức vượt qua 200.000 người đăng ký để trở thành 100 người sẽ được lên khám phá Sao Hỏa trong những năm tới, một dự án mới của Nasa (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ). Tôi đã 54 tuổi nhưng tôi tin rằng mình sẽ còn nhiều hành trình mới cần tiếp tục chinh phục.
Ella Hebron, 19 tuổi, thuyền phó Đội Washington DC: “Chỉ cần bạn có quyết tâm đủ lớn thì mọi ước mơ đều thành hiện thực”
Năm 14 tuổi, lần đầu tiên tôi biết đến Cuộc đua Clipper khi đang tìm kiếm trên Google về việc làm thế nào để trở thành một tay đua trên đại dương. Và từ đó trở đi, việc thi đấu trong sự kiện này đã trở thành trọng tâm trong sự nghiệp chèo thuyền của tôi. Không chỉ đặt mục tiêu tham gia mà tôi còn muốn mình trở thành người trẻ nhất bước chân vào cuộc đua.
Để từng bước chạm tới ước mơ này, tôi đã khởi nghiệp với tư cách là một huấn luyện viên thuyền buồm loại nhỏ (dành cho một người) và huấn luyện viên đua xe. Sau đó tự mình thi đấu trong đội Thuyền buồm Thanh niên Anh. Tuy nhiên, Cuộc đua Clipper Race là cuộc đua khắc nghiệt trên thế giới, vì vậy để nâng cao kinh nghiệm của mình, tôi đã tiếp tục tham gia, hoàn thành chương trình đào tạo với một công ty đua thuyền mạo hiểm. Trong các năm 2020-2022, tôi đã thành công vượt biển Đại Tây Dương và Vịnh Biscay (một vịnh chạy dọc bờ biển phía Tây của Pháp dọc xuống phía nam tới biên giới Tây Ban Nha).
Những kết quả xuất sắc sau khóa đào tạo và chinh phục hơn 10.000 hải lý đã giúp tôi trở thành cố vấn của tổ chức Magenta, một tổ chức tạo cơ hội và khả năng tiếp cận bình đẳng cho phụ nữ toàn cầu trong môn đua thuyền, dưới sự hướng dẫn của các cựu thuyền trưởng nổi tiếng Clipper Race. Tôi cũng là giáo viên giảng dạy của Hiệp hội du thuyền Hoàng gia Anh.
Thế nhưng, có kinh nghiệm, có niềm đam mê thôi chưa đủ, nếu muốn có mặt trong cuộc đua Clipper Race bạn cần phải có đóng một khoản phí rất lớn để tham gia. Vì không có đủ tiền, tôi đã tận dụng truyền thông trên mạng xã hội và các mối quan hệ cá nhân để thu hút nhà tài trợ đến với mình. Rất may mắn là trước khi cuộc đua dừng đăng ký, tôi đã nhận được sự tài trợ của 3 tổ chức và điều tuyệt vời nhất là gì bạn biết không? Tôi được Ban Tổ chức lựa chọn là thuyền phó của đội Washington DC. Sau khi kết thúc cuộc đua, đây chắc chắn sẽ là một bước tiến lớn để tôi có thể từng bước trở thành nữ thuyền trưởng của Clipper Race trong tương lai. Trong thời khắc công bố kết quả, tim tôi đập mạnh và mọi thứ trở nên rất siêu thực. Vậy là tôi đã thực sự chạm tới ước mơ của mình khi gần bước sang tuổi 19. Bạn thấy đấy, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn.
Tham gia cuộc đua, tôi có nhiệm vụ hợp tác chặt chẽ với thuyền trưởng, sử dụng kinh nghiệm đua thuyền của mình hỗ trợ đội đua hoàn thành mục tiêu đã đặt ra và giúp tạo ra một đội đua có năng lực, an toàn, cạnh tranh. Sau mỗi chặng đua, khi đối mặt với bất cứ một khó khăn, thử thách mới tôi đều chia sẻ khoảnh khắc mình và đội đua đã tìm cách để vượt qua nó trên các nền tảng xã hội. Tất cả chỉ với mong muốn rằng, những cố gắng từng ngày của mình sẽ giúp các bạn trẻ, nhất là phụ nữ trên toàn cầu có thêm động lực và cơ hội tiến về phía trước.
Hoàng Nga - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()