Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:27 (GMT +7)
Những con đường đi tới tương lai
Thứ 3, 31/10/2023 | 08:49:05 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hôm nay hiện hữu những công trình giao thông động lực; mang những ước mơ, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh với sức sống, khí thế, tầm vóc mới. Những công trình, dự án giao thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đang được gấp rút triển khai được ví như "những con đường đi tới tương lai".
Đột phá vượt trội tạo thành công
Câu chuyện về phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh chắc chẳng còn xa lạ đối với những người làm giao thông và nhiều người trong cả nước. Kinh nghiệm, bài học và kết quả về phát triển hạ tầng giao thông ở tỉnh đã từng được Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá có nhiều đột phá, bài bản và trí tuệ, phù hợp với bối cảnh, thực tế đất nước trong giai đoạn đổi mới và phát triển.
Sau hơn 35 năm đổi mới, "bức tranh" hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã thay đổi hoàn toàn. Hiện tỉnh có 5 phương thức vận tải đang khai thác là đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không; là địa phương có hạ tầng giao thông đa dạng và đồng bộ nhất cả nước với tổng số hơn 6.399km đường bộ, 64km đường sắt cấp quốc gia, 6 khu vực hàng hải, 37 tuyến luồng đường thủy nội địa với chiều dài 838km và cảng hàng không quy mô cấp 4E.
Để có đường hạ tầng này, với quan điểm “3 không” (không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm), Quảng Ninh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt”… để tìm cách gỡ bỏ. Đặc biệt, trong phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, là động lực “đi trước, mở đường”, bởi đường đi đến đâu thì người dân, địa phương nơi đó phát triển đến đấy, “có đại lộ là có đại phú”… Do vậy, tỉnh đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
Chỉ trong khoảng 4 năm, tỉnh liên tiếp khánh thành 3 tuyến cao tốc quan trọng (Hạ Long - Hải Phòng kết nối vào tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn kết nối vào cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái kết nối vào cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc)); khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… các công trình hạ tầng giao thông động lực này đã góp phần tháo "cởi hoàn toàn tấm áo chật" cho sự lớn mạnh của một vùng động lực đang bị tắc nghẽn, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Ngược dòng thời gian, nhìn lại thành quả đáng tự hào của Quảng Ninh trong phát triển hạ tầng giao thông, không chỉ sở hữu những công trình giao thông đẳng cấp, lần đầu có ở Việt Nam mà các công trình đã sớm phát huy hiệu quả đầu tư, là cầu nối, động lực để liên kết vùng miền, kết nối đến hầu khắp các trung tâm kinh tế, du lịch, khu công nghiệp và đô thị của tỉnh trong tổng thể liên thông, đồng bộ, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển tạo điều kiện để thu hút đầu tư về tỉnh.
Giao thông phát triển đã và đang tạo thuận lợi cho thông thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp tạo thành tích giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); giữ vị trí thứ nhất Chỉ số PCI 6 năm liên tiếp (2017-2022); là địa phương duy nhất trong cả nước 2 năm (2020, 2022) dẫn đầu cả nước đồng thời 4 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Bây giờ, để đi từ Hà Nội về Quảng Ninh bằng ô tô chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, thời gian rút ngắn, đường đi thuận tiện đến mức khiến rất nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng nếu như 5 năm rồi chưa trở lại Quảng Ninh. Tuyến đường cao tốc dọc tỉnh của Quảng Ninh nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không chỉ liên thông hoàn toàn giữa 3 địa bàn trọng điểm kinh tế khu vực phía Bắc mà còn là những công trình biểu trưng khẳng định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Thực tế cho thấy, việc phát triển cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cơ sở hạ tầng nói chung, hệ thống giao thông, điện nói riêng có phát triển thì đời sống nhân dân sẽ tự được nâng lên. Quảng Ninh thực hiện phát triển các dự án hệ thống giao thông đã chứng minh các dự án đó thực sự của lòng dân, nhân dân đã hưởng ứng, vào cuộc, được nhân dân ủng hộ để dự án triển khai thuận lợi và cũng chính Nhân dân được thụ hưởng.
Lợi ích lan tỏa liên vùng
Trong bối cảnh khu vực và liên vùng đang phát triển hạ tầng giao thông mạnh mẽ, bằng sự chủ động, tự lực, tự cường từ một tỉnh được ví như “ốc đảo”, độc đạo kết nối duy nhất bằng tuyến QL18, sau chưa đầy 2 nhiệm kỳ, Quảng Ninh đã vươn lên là tỉnh dẫn đầu về đa dạng hóa, đa phương thức, đồng bộ và toàn diện nhất về hạ tầng giao thông, trung tâm kết nối liên vùng và quốc tế.
Điều ấn tượng, các công trình của Quảng Ninh chủ yếu dựa vào nguồn lực ngoài ngân sách, thể hiện rõ hiệu quả trong cách thức, biện pháp huy động nguồn lực giữa bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Khu vực tư nhân tạo ra một mô hình cấu trúc dịch vụ công với một hệ thống phân cấp hiệu quả hơn. Trong đó, điểm nhấn phải kể đến là các dự án hạ tầng giao thông được triển khai thực hiện theo hình thức PPP, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, trục cao tốc dọc tỉnh, đường dẫn cầu Bắc Luân II, cầu phao tạm trên sông Ka Long… với tổng số vốn trên 43.000 tỷ đồng. Đây đều là các dự án giao thông huyết mạch, hiện đại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong rút ngắn thời gian và khoảng cách về thời gian, không gian phát triển, khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực, như: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái…
Các công trình là cơ sở để kích thích và thu hút các dự án đầu tư đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy tiềm năng khai thác cảng biển và cảng hàng không, giúp tỉnh Quảng Ninh giảm được áp lực chi cho đầu tư các dự án công trình lớn và có điều kiện dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và là nguồn lực dành cho đảm bảo an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn của cộng đồng và của người dân.
Đối với vai trò liên vùng, các từ các công trình của Quảng Ninh lợi ích chia sẻ cùng kết nối đã được lan tỏa, tạo ra sự tương hỗ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác hiệu quả lợi thế từng địa phương để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, dàn trải và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương liền kề và trong khu vực. Quảng Ninh đã gần hơn với tỉnh để phát triển các ngành công nghiệp và trở thành vùng hậu cần logistics bền vững cho công nghiệp cảng biển Hải Phòng vốn đang rất chật hẹp, tạo ra sự lưu thông thuận lợi, hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh định hình tương lai sẽ kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cùng các tuyến quốc lộ, các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia và quốc tế đã được xác định tại quy hoạch cấp quốc gia. Như vậy, Quảng Ninh sẽ sớm hình thành các trung tâm logistics liên vùng, kết nối hoạt động vận tải hàng hoá trong nước và quốc tế; hình thành tuyến hành lang liên kết quan trọng nhất của tỉnh theo hướng Đông Tây… trở thành trung tâm kết nối trọng điểm liên vùng, cửa ngõ kết nối Việt Nam, ASIAN với thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc.
Hạ tầng giao thông Quảng Ninh sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Có thể khẳng định, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng khung chiến lược đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()