Các cổ trấn ở Trung Quốc có nơi thu phí vào cửa, có nơi thu phí theo điểm tham quan. Số tiền thu được dùng để bảo tồn, trùng tu các công trình trong trấn. Khách có thể mua vé trên các ứng dụng dịch vụ du lịch, đại lý, website. Nếu đi tour, tiền vé được tính vào giá tour.
Phượng Hoàng cổ trấn, tỉnh Hồ Nam
Đây là một thị trấn nhỏ nằm ở huyện Phượng Hoàng, bên dòng Đà giang phía tây tỉnh Hồ Nam. Diện tích nơi này khoảng 10 km2. Cổ trấn đã tồn tại hơn 1.300 năm.
Giá vé vào khu phố cổ được chia thành nhiều gói khác nhau. Gói 248 tệ (gần 850.000 đồng) gồm 11 điểm tham quan hàng đầu (9 điểm bên trong trấn và 2 điểm bên ngoài). Gói thứ hai giá 138 tệ (470.000 đồng) chỉ khám phá các điểm bên trong phố cổ. Hiệu lực vé trong 48 giờ. Ảnh: Phương Anh
Phương tiện đi lại tại tỉnh Hồ Nam không thuận tiện do địa hình đồi núi. Cách nhanh và an toàn nhất là đi xe buýt đưa đón từ Trương Gia Giới đến Phượng Hoàng với 3 chuyến mỗi ngày. Giá vé 61 tệ (200.000 đồng). Ảnh là toàn cảnh cổ trấn về đêm. Ảnh: Phương Anh
Tây Đường thủy trấn, Chiết Giang
Cách Thượng Hải khoảng 80 km là thủy trấn Tây Đường, tỉnh Chiết Giang, có 9 con sông chảy qua. Các bờ sông nối với nhau bởi hơn 100 cây cầu. Trấn có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (từ năm 770 đến 221 TCN). Những cây cầu, tòa nhà cổ kính phản chiếu trên nước vào bình minh và hoàng hôn, thuyền đánh cá với ánh đèn lấp lánh buổi tối khiến Tây Đường được ví "đẹp như tranh" hay "chốn bồng lai tiên cảnh". Ảnh: Trips to Shanghai
Giá vé để tham quan 11 danh lam thắng cảnh với người lớn là 95 tệ (320.000 đồng) và với trẻ em từ 1,2 m đến 1,5 m là 50 tệ (170.000 đồng). Trẻ dưới 1,2 m miễn phí. Vé tham quan sau 17h là 50 tệ (chỉ bán từ tháng 4 đến 10 hàng năm).
Một số điểm đến nổi tiếng: các tòa nhà được xây từ thời Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1911). Du khách có thể đến bằng xe buýt từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang với thời gian di chuyển 2-2,5 tiếng. Khoảng 80 phút có một chuyến. Ảnh: Ruta Patagonia
Thành cổ Lệ Giang, Vân Nam
Đô thị cổ Lệ Giang có lịch sử hơn 800 năm, được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên. Trước cửa các ngôi nhà đều trồng dương liễu, có suối chảy qua. Trung tâm là phố Bốn Phương, nổi tiếng về hệ thống đường thủy và cầu cống, nên còn được gọi là "Venice của Phương Đông".
Du khách không mất tiền mua vé vào thành cổ, nhưng được khuyến khích trả 80 tệ (hơn 270.000 đồng) phí bảo trì. Khách có thể bắt taxi từ sân bay hoặc xe buýt số 13 từ quảng trường nhà ga đến thành cổ. Ảnh: Trần Trung Hiếu
Lệ Giang có 354 chiếc cầu (trung bình 1 km2 có 93 cầu) bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành. Những cây cầu được nhắc đến nhiều: Đại Thạch, Nam Môn, Mã Yên, Nhân Thọ, được xây vào đời Minh và Thanh.
Thời gian đẹp nhất để ghé thăm nơi nay là mùa thu, sau đó là hè. Tháng 12/1997, Lệ Giang được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Ảnh: Trần Trung Hiếu
Làng cổ Hoành Thôn, An Huy
Làng cổ Hoành Thôn nằm dưới chân núi Hoàng Sơn, tỉnh An Huy. Nhiều ngôi nhà xây từ thời Minh, Thanh ở đây được đánh giá "bảo vệ tốt nhất Trung Quốc", theo Sohu. Phần lớn diện tích ngôi làng được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào 2000.
Một trong những trải nghiệm được gợi ý là: ghé thăm các khoảng sân cổ được xây từ thời xưa, đi bộ ngắm vùng nông thông của Trung Quốc, mua quà lưu niệm thủ công cùng các sản phẩm đồng quê.
Thời gian đẹp nhất để ghé thăm là tháng 3-4 ngắm biển hoa nở rộ khắp nơi và tháng 11 ngắm lá vàng. Giá vé vào cửa là 104 tệ (355.000 đồng), thời gian mở cửa từ 7h30 đến 17h30.
Du khách có thể bắt xe buýt giá 13 tệ (45.000 đồng) từ trạm Tunxi, trung tâm thành phố Hoàng Sơn đến huyện Yi (90 phút) rồi bắt tiếp xe buýt đến Hoành thôn. Xe buýt cứ 15 phút lại có một chuyến, thời gian di chuyển 20 phút. Ảnh: Herum kommer/Locations cout
Châu Trang cổ trấn, Giang Tô
Cách Thượng Hải khoảng một tiếng lái xe, thuộc tỉnh Giang Tô, Châu Trang nằm trong danh sách 10 thị trấn đẹp nhất thế giới theo đánh giá từ CNN. Điểm đặc trưng của nơi đây là 14 cây cầu đá cổ, xây dựng từ các triều đại Nguyên, Minh, Thanh.
Du khách có thể ngồi thuyền dọc theo những con kênh, ngắm nhìn đèn lồng đỏ trên mái hiên tuyết phủ trắng xóa vào mùa đông. Thưởng thức chân giò hầm và rượu gạo địa phương để làm ấm cơ thể cũng là trải nghiệm nên thử. Ảnh: Sohu
Giá vé vào thị trấn và 15 điểm tham quan ban ngày là 100 tệ (340.000 đồng). Nếu mua vé sau 16h, giá là 80 tệ (gần 275.000 đồng), chỉ tham quan hai điểm. Trẻ em dưới 1,4 m miễn phí. Tháng đẹp nhất để ghé thăm là 4-5 và 9-10.
Châu Trang không có sân bay, nhưng khách có thể bay đến Hồng Kiều Thượng Hải hoặc Phố Đông Thượng Hải, Tiêu Sơn Hàng Châu sau đó bắt xe khách. Từ Hàng Châu, du khách có thể bắt tàu đến ga Gia Hưng, rồi đi xe khách đến Chu Trang. Có nhiều tuyến buýt từ Thượng Hải. Ảnh: Wall here
Ý kiến ()