Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:30 (GMT +7)
Những cô giáo "mãi không được lên lớp"
Thứ 6, 31/05/2024 | 09:52:00 [GMT +7] A A
Ở TP Uông Bí có những cô giáo gần như cả đời công tác chỉ chuyên dạy lớp 1. Các cô thường hay nói đùa rằng "mình là người mãi không được lên lớp". Dạy lớp 1 có những đặc thù riêng, yêu cầu giáo viên có kỹ năng sư phạm cao và hơn hết là sự tận tuỵ, trách nhiệm, tình yêu thương rộng lớn. Mỗi cô giáo dạy lớp 1 đều phải nỗ lực rất nhiều, bù lại các cô được ngành Giáo dục, được lãnh đạo các nhà trường tin tưởng, hơn hết là được học sinh và phụ huynh học sinh quý mến, tin yêu.
23 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hà (Trường Tiểu học Yên Thanh) đều dạy lớp 1. Ở lứa tuổi chuyển tiếp giai đoạn từ mầm non lên tiểu học, học sinh của cô từ chỗ quen chơi, quen ăn, chuyển sang đi vào khuôn khổ học hành, chuyện rèn luyện nền nếp của trẻ gặp không ít khó khăn. Cách làm của cô Hà là nêu cao sự nghiêm túc trong giảng dạy, sự nghiêm khắc trong chỉ bảo, nhưng lồng vào đó là sự dịu dàng, tận tuỵ, sự nhẫn nại và chịu đựng, sự thấu hiểu con trẻ đến mức ngạc nhiên. Cô giáo Hà cho biết: "Trước mỗi lứa học sinh, việc tìm hiểu thông tin trẻ từ phụ huynh học sinh, từ trường mẫu giáo của trẻ là rất cần thiết. Quá trình dạy và học, tôi để tâm quan sát, nắm bắt tâm lý, tính cách học sinh, từ đây cho tôi hướng tiếp cận học sinh tự nhiên nhất, là nền tảng để dạy bảo, uốn nắn học sinh của mình".
Với cô giáo Lài Thị Lan, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Thượng Yên Công), việc dạy học sinh lớp 1 như cái duyên. Cô là người dân tộc Tày, quê ở huyện Bình Liêu, xuống Thượng Yên Công dạy học. Cái chung của 2 khu vực này là tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, đời sống kinh tế khó khăn, việc quan tâm học tập của con em còn nhiều hạn chế. Đồng cảm với người dân và học sinh, cô giáo Lan luôn coi học sinh như con, cháu của mình. Hơn 20 năm công tác, cô là tấm gương tận tụy, không quản ngày giờ, đường sá xa xôi, cô chờ phụ huynh đến đón con dù rất muộn, sẵn sàng đến thôn, bản xa để thăm gia đình học sinh, bàn công tác phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường để dạy bảo trẻ. Học sinh coi cô vừa là cô giáo vừa là mẹ hiền.
Tiếp bước các lứa giáo viên đàn chị dạy học sinh lớp 1, cô giáo trẻ Vũ Thị Việt Trinh (Trường Tiểu học Lê Lợi) có cách tiếp cận học sinh tương đối mới mẻ. Cô giáo Trinh ưu tiên sự phát triển tự nhiên của học sinh, cố gắng tạo môi trường thuận lợi để học sinh từng bước chuyển đổi tâm lý, kỹ năng, ý thức trong học tập, vui chơi. Cô cho biết: "Mình xác định vai trò ban đầu của mình là người đồng hành, là bạn của trẻ, sau rồi mới là người dạy bảo, hướng dẫn, là cô giáo. Muốn vậy bản thân phải cập nhật cho mình những kỹ năng cần thiết, trong đó ứng dụng các thiết bị thông minh của nhà trường vào bài học là một giải pháp...". Hiện các giờ giảng của cô giáo Trinh rất sống động, hiện đại, nhiều màu sắc, khiến cho học sinh dễ hiểu, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, hình thành kỹ năng thảo luận và học nhóm.
Giáo dục tiểu học Uông Bí còn rất nhiều giáo viên lớp 1 tiêu biểu. Các cô được trân quý bởi sự đóng góp, hy sinh của mình. Những nỗ lực của các cô góp phần tạo nên thành công chung của giáo dục Uông Bí.
Việt Hoa
- TP Uông Bí: Gần 500 triệu đồng ủng hộ trẻ em từ các tập thể, cá nhân hảo tâm
- Hội LHTN TP Uông Bí: Tổ chức thành công Đại hội điểm, nhiệm kỳ 2024-2029
- TP Uông Bí: Lan toả các mô hình thi đua "Dân vận khéo"
- Điểm sáng Ban CHQS TP Uông Bí
- Hành trình trở thành công dân toàn cầu của học sinh Trường Tiểu học và THCS Quốc tế Stephen Hawking (TP Uông Bí)
- Uông Bí: Khai thác du lịch văn hoá bản địa
- TP Uông Bí: Hội nghị cán bộ chủ chốt về công tác cán bộ
- Giao các ngành nghiên cứu, trình phê duyệt giá đất đối với Dự án Công viên nghĩa trang Thiên Phúc Vĩnh Hằng tại TP Uông Bí
- Đoàn chuyên gia y tế của Cộng hòa Pháp khám, chữa bệnh cho 113 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí
- TP Uông Bí: Lễ trao tặng huy hiệu Đảng đợt 19/5/2024
Liên kết website
Ý kiến ()