Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:09 (GMT +7)
Những "chiến sĩ" thông tin trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Thứ 3, 15/06/2021 | 09:48:09 [GMT +7] A A
Không kể thiên tai, bão lũ hay dịch bệnh, với lòng yêu nghề và nhiệt huyết, những nhà báo “chiến sĩ” trên mặt trận thông tin đã vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy bám trụ ở các điểm nóng. Và trong những ngày cả hệ thống chính trị, toàn dân căng mình phòng, chống dịch Covid-19, những người làm báo ở Quảng Ninh đã có mặt trên tuyến đầu bám sát diễn biến dịch bệnh và các hoạt động liên quan để kịp thời chuyển tải thông tin nhanh chóng, chân thực và chính xác nhất tới mọi người dân.
Các nhà báo không muốn nói nhiều về mình, nhưng trải nghiệm trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 sẽ là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của họ.
Dấn thân vào “tâm dịch”
Báo chí Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng bắt đầu “nóng” với dịch Covid-19 từ những ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Khi có một vài ca mắc Covid-19 ở Việt Nam, rồi đến những ca mắc bệnh đầu tiên tại Quảng Ninh. Đó là thời điểm bắt đầu một chiến dịch thông tin rất dài mà khi đó ít ai tưởng tượng mức độ tàn phá của đại dịch Covid-19.
Và cũng ở thời điểm đó, mọi thông tin về dịch Covid-19 còn rất ít và chưa thể xác định đó là dịch bệnh gì, tác hại ra sao, nên mọi người dân đều vô cùng lo lắng. Nhưng để có được những hình ảnh, bản tin, bài báo nóng hổi thông tin, các phóng viên phải “trực chiến" từng phút giây, không ngại xông pha vào những điểm nóng nhất, phải tiếp xúc, phỏng vấn những người đi từ vùng dịch trở về, người nghi ngờ và mắc Covid-19... Qua đó kịp thời chuyển tải thông tin nhanh chóng, chân thực và chính xác nhất, góp phần đẩy lùi nạn tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19 lan truyền trên các mạng xã hội.
Phóng viên Hữu Việt, Phòng Chuyên đề, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, được phân công trực tiếp phản ánh tình hình dịch bệnh ở những địa phương Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, là điểm nóng về dịch Covid-19 ở thời điểm đó. Anh luôn sẵn sàng tác nghiệp để phản ánh những tin bài, hình ảnh về công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở hay khu cách ly tập trung người trở về từ vùng có dịch, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19...
Đầu năm 2020, từ Vũ Hán, dịch bệnh nhanh chóng lan ra tất cả các địa phương của Trung Quốc, trong đó có Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây giáp ranh với Quảng Ninh. Số ca lây nhiễm, tử vong do Covid-19 tăng lên từng ngày, từng giờ. Với vị trí là cửa ngõ giao thương với đất nước trên 1,4 tỷ dân và là tâm dịch của cả thế giới, Quảng Ninh phải đối mặt với những thách thức cực kỳ lớn trong công tác phòng chống Covid-19, trở thành tiền đồn chống dịch của cả nước. Ngay lập tức, Quảng Ninh đã thực hiện các giải pháp phòng chống dịch ở khu vực biên giới, chính thức bước vào giai đoạn đầu của cuộc chiến ở mức cao nhất, quyết liệt nhất.
Phóng viên Hữu Việt cho biết: “Trong quá trình tác nghiệp tại cơ sở, tôi thấy các lực lượng như y tế, quân đội, công an... không chỉ có “tinh thần thép” mà còn sẵn sàng đánh đổi sự an toàn, thậm chí cả sinh mệnh để ngăn đại dịch xâm nhập vào địa bàn hoặc hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Bởi vậy, trước đại cuộc đó, những người làm nghề như chúng tôi không có lý do gì để đứng ngoài cuộc”.
Cũng vì công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà 2 cái Tết liền anh không thể về quê đoàn tụ cùng gia đình. Còn dịp này, anh cũng không thể về quê Bắc Ninh để thắp hương cho bố đẻ vào ngày giỗ, vì ở đó cũng đang là “tâm dịch”.
Từ khi dịch xuất hiện đến nay phóng viên Nguyễn Trang, Phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, theo dõi chuyên mục sức khỏe trên kênh truyền hình đều có mặt ở những điểm nóng xuất hiện dịch Covid-19. Thời điểm đầu, sau mỗi lần tác nghiệp, chị cũng như các đồng nghiệp đều nặng trĩu tâm trạng lo âu, lúc nào cũng canh cánh câu tự hỏi, không biết mình làm như thế đã đảm bảo chưa, liệu vài hôm nữa sức khỏe của mình, của đồng nghiệp mình, rồi cả cơ quan, gia đình nữa sẽ có ảnh hưởng gì không? “Khi tác nghiệp đón tàu khách du lịch đến Quảng Ninh đầu năm 2020, sau đó 13 ngày, tàu này phát hiện có ca mắc Covid-19. Lúc đó, tôi và các đồng nghiệp vô cùng lo lắng bởi mọi thông tin về Covid-19 đều rất mơ hồ. Được các chuyên gia y tế của tỉnh tư vấn, rồi tự theo dõi sức khỏe và sau đó nhẹ nhõm thở phào mình không mắc bệnh”, phóng viên Nguyễn Trang nhớ lại.
Nguy cơ lây nhiễm bệnh là có, và thực tế đã có một nhà báo nữ ở Hà Nội mắc Covid-19, nhưng "máu" nghề nghiệp các nhà báo đều sẵn sàng dấn thân vào các điểm nóng dịch bệnh, kịp thời thông tin khuyến cáo của ngành Y tế, chỉ đạo của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh để mọi người dân có biện pháp phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Phóng viên Nguyễn Trang cho biết thêm, ngoài các cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo bệnh viện, điều tôi phải làm mỗi sáng thức dậy là cập nhật tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị; kết nối chuyên gia chia sẻ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sao cho hiệu quả; câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế; cập nhật các con số về ca mắc mới... Bên cạnh đó, nhiều cuộc tác nghiệp vô cùng đặc biệt, khi phóng viên chúng tôi phải đứng từ xa hàng mét để phỏng vấn. Nhiều nhân vật, chúng tôi chỉ có thể tiếp cận thông tin thông qua những cuộc điện thoại vào lúc nửa đêm, khi họ tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để chia sẻ về công việc. Nhiều bản tin trên truyền hình, các khách mời đã xuất hiện một cách khác biệt bằng cách trả lời qua video call hoặc họ tự quay clip trả lời gửi về.
Quay phim Lý Cường, Phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, đã không quản nguy hiểm, khó khăn ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, từ việc phong tỏa bệnh viện, phong tỏa khu phố đến phun khử khuẩn, xét nghiệm cộng đồng, truy vết nguồn lây... Đối với anh cũng như đồng nghiệp của mình, thì mỗi đợt dịch là những ngày không nghỉ để mạch thông tin được liên tục và nhanh chóng.
Anh Lý Cường cho biết: Đã có kinh nghiệm từ đợt chống dịch trước nên những đợt dịch sau tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn khi tác nghiệp. Nhất là tác nghiệp tại khu vực có nguy cơ cao, tôi và đồng nghiệp đều cẩn thận mặc đồ bảo hộ y tế, đeo găng tay, sát khuẩn toàn thân... Các quy trình đó có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Trong cuộc chiến với Covid-19 ở Quảng Ninh, hàng trăm bản tin, phóng sự được các phóng viên thực hiện. Sự yêu nghề, dấn thân, những người làm báo đã vượt qua vất vả, khó khăn để có được những thông tin tốt nhất, những hình ảnh chân thật nhất.
Để dòng tin luôn chảy mãi...
Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã dành thời lượng lớn để thông tin về dịch bệnh này. Nhất là trong những đợt dịch Covid-19 bùng phát, lượng thông tin về phòng, chống dịch chiếm từ 40-50% thời lượng các bản tin Thời sự trên sóng phát thanh, truyền hình; 20-30% diện tích trên báo in Quảng Ninh và 30-40% số lượng tin, bài trên báo Quảng Ninh điện tử. Nội dung thông tin, tuyên truyền đồng bộ, nhất quán những chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh về phòng, chống dịch Covid-19; sự chủ động, quyết liệt của tỉnh, các ngành, địa phương theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, góp phần quan trọng định hướng dư luận xã hội, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Cùng với Trung tâm Truyền thông tỉnh, 25 cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để thông tin về diễn biến ca bệnh, thông tin truy vết, khoanh vùng và các biện pháp cụ thể trong từng thời điểm để chống dịch của các ngành, địa phương trong tỉnh.
Tất cả 4 làn sóng dịch Covid-19 diễn ra, phóng viên Bùi Tiến Cường, Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực Đông Bắc, đều có mặt ở những điểm nóng dịch bệnh tại Quảng Ninh. Làn sóng Covid-19 đầu tiên ở TP Móng Cái, anh cùng đồng nghiệp đã có 2 tuần liên tục tác nghiệp, ăn ngủ tại đây để kịp thời đưa những chỉ đạo của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch; ghi nhận sự dũng cảm, đức hy sinh của lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch.
“Hơn 10 năm công tác, đã đi nhiều nơi, tham gia nhiều sự kiện và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với nghề nhưng tôi không thể nào quên cảm xúc bồi hồi, hạnh phúc khi đón 30 người Việt Nam từ Vũ Hán trở về tại Sân bay quốc tế Vân Đồn. Trước đó 1 ngày, tôi đã có mặt ở Sân bay để phản ánh công tác chuẩn bị của các ngành liên quan. 4h30 ngày 10/2/2020, vừa mặc xong quần áo phòng hộ, mọi người òa lên - hạ cánh rồi... Cửa mở và đoàn người bước xuống, có em bé được mẹ bế ngủ say, người thì nước mắt vòng quanh, có người nhảy chân sáo... Sau đó, tất cả 30 người từ Vũ Hán về đã lên xe ra khỏi sân bay để đến cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ngoài trời dù mưa rét, nhưng trong tâm ai cũng thấy ấm áp tình người Việt Nam”, phóng viên Bùi Tiến Cường chia sẻ. Những khoảnh khắc đầy xúc động đó đã được nhà báo Bùi Tiến Cường phản ánh đến thính giả cả nước.
Trên thực tế, các cơ quan báo chí tại Quảng Ninh đều tập trung tuyên truyền rất tốt các hoạt động phòng, chống dịch để người dân tiếp cận được thông tin hướng dẫn của ngành Y tế và các chỉ đạo của các cấp, ngành, các địa phương. Các phóng viên luôn phải dấn thân vào những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm để kịp thời thông tin về dịch bệnh. Cũng chính vì đặc thù công việc di chuyển nhiều, thời gian cấp bách nên các phóng viên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao. Mặc dù các phóng viên đã được trang bị đồ phòng hộ. Tuy nhiên, đối với đại dịch, môi trường tác nghiệp có những rủi ro đặc biệt và bất thường, cho nên phóng viên cần có sự hỗ trợ để không bị lây nhiễm.
Trước thực tế đó, là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí đã được ưu tiên và tiêm miễn phí vắc xin Covid-19. Trong đó, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có gần 100 cán bộ, phóng viên, biên tập viên được tiêm vắc xin Covid-19. Cùng với đó, nhiều lượt phóng viên tham gia các hoạt động, sự kiện cộng đồng cũng đều được xét nghiệm Covid-19. Trong đợt diễn ra bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp vừa qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho tất cả phóng viên tác nghiệp đưa tin dịp này.
Việc các phóng viên, biên tập viên có mặt trực tiếp tại hiện trường có giá trị rất lớn, làm tăng độ tin cậy, hấp dẫn cho tin tức. Khi độc giả, khán, thính giả có niềm tin vững chắc vào báo chí chính thống thì những thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh sẽ không thể lan truyền. “Tìm hiểu thông tin qua báo chí, bản thân tôi và gia đình cũng có thêm những kiến thức để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh; đồng thời nắm được các chỉ đạo của tỉnh để thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly phòng, chống dịch. Và qua báo chí, chúng tôi cũng thấy được hình ảnh, thông tin về các lực lượng y tế, công an, bộ đội... đã không quản ngày đêm, xa gia đình nhiều tháng, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe cho nhân dân”, anh Bùi Quốc Huy, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, nói.
Nguyễn Hoa
- Tiêm vaccine COVID-19 phải sốt, đau người mới sinh kháng thể: Chuyên gia nói gì?
- Phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19
- Lào lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại
- Trao tặng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19
- Quỹ vaccine phòng COVID-19: Khi người dân đồng lòng cùng Chính phủ
Liên kết website
Ý kiến ()