Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:31 (GMT +7)
Những “chiến binh” bơm moong
Chủ nhật, 16/07/2023 | 10:59:00 [GMT +7] A A
Ai bảo làm than lộ thiên là cứ gạt ra mà múc than đi bán thì hãy xuống đáy moong âm 300m mà xem thợ mỏ gian nan thế nào để lấy hòn than rồi mang lên còn gian khổ hơn nữa. Nắng mỏ đã khổ, mưa mỏ chẳng những gian khổ mà thợ mỏ còn đối diện với sự hy sinh. Nhọc nhằn gian nan nhưng kiên cường người thợ mỏ bơm nước dưới đáy moong sâu được ví như những chiến binh anh dũng.
Là đơn vị sản xuất đa ngành, đa nghề, Phân xưởng Cơ Điện có 160 cán bộ, công nhân hiện đang đảm nhận các lĩnh vực công việc trọng yếu như: Bơm thoát nước đáy mỏ phục vụ lấy than; sửa chữa, bảo dưỡng, tiểu tu máy khoan, xúc điện, ô tô; hệ thống sàng tuyển, khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất v.v… Anh Đào Văn Đoàn, Quản đốc Phân xưởng, chia sẻ: Địa bàn làm việc của đơn vị trải rộng toàn bộ khai trường Cọc Sáu, tập trung nơi sâu nhất mỏ là đáy moong, khu sản xuất chính của Công ty.
Bơm thoát nước đáy mỏ là quy trình bắt buộc và sống còn đối với khai thác than ở Cọc Sáu. Phân xưởng Cơ Điện có đội quân chủ lực làm công việc thoát nước moong ở nơi sâu nhất mỏ, nên được anh em trong Công ty gọi thân mật là tên gọi “Đội chiến binh bơm moong”. Thực tế, công việc bơm nước moong rất gian nan, vất vả và vô số công đoạn, mảng, miếng. Do điều kiện công việc, thợ bơm nước moong làm thông ca, thêm giờ thường xuyên như cơm bữa. Anh Đoàn bảo với tôi rằng, anh em thợ ở đây tận tụy vô cùng. Có người vừa về đến nhà, cởi được chiếc áo ra, chưa kịp tắm rửa, thấy trên mỏ có việc gấp lại phóng lên ngay. Họ làm vì cái tâm với công việc chứ chưa kịp nghĩ đến tiền thừa giờ thế nào, chế độ đãi ngộ ra sao.
Thử thách lớn nhất là địa hình, thời tiết với thợ bơm nước moong. Nhưng họ chỉ duy nhất một bảo bối đó là ý chí và sự bền bỉ. Thế nên, nơi đáy mỏ mùa đông rét buốt mùa hè nắng cháy da vẫn xuất hiện những bóng hồng. Anh Đoàn bảo rằng, chị em ở đây cũng chẳng kém gì đàn ông đâu. Họ cũng mang vác cũng kéo dây cũng làm nhiều việc mà đàn ông vẫn làm. Thậm chí, nếu mà nói về sự bền bỉ thì có khi anh em còn thua chị em nữa cơ đấy.
Không giải phóng được nước moong thì tất yếu sẽ không lấy được than. Dù vô vàn khó khăn nhưng Cọc Sáu nhiều năm qua luôn hoàn thành kế hoạch sản lượng than khai thác, đạt doanh thu và ổn định tiền lương cho người lao động. Trong kết quả chung cuộc đó, có đóng góp bền bỉ của Đội "chiến binh" bơm moong. Dù không lộ diện ồn ào nhưng họ luôn được khâm phục bởi trách nhiệm và ý chí quả cảm trên mặt trận sản xuất than.
Trong câu chuyện của anh Đoàn kể cho chúng tôi nghe có rất nhiều tình huống tôi thấy sợ hãi. Có những trận mưa lũ bất chợt. Nước đổ xuống như thác. Anh Đoàn phấp phỏng đứng ở khai trường nhìn màn mưa trắng xóa. Khi mưa ngớt thấy các chị vận hành bơm ở đáy moong bình thản bước về phía mình, anh Đoàn rưng rưng nước mắt. Với ai đó có thể mưa mỏ là nỗi khiếp sợ, nhưng với các anh chị làm việc ở đáy moong nó hết sức bình thường. Anh bảo kỹ năng sinh tồn rồi nên các anh chị ấy cũng quen.
Anh Đoàn bảo tôi rằng, các chị ấy biết cách tiên liệu nước sẽ dâng đến mức nào mà dựng chòi lên trên mức đó. Trường hợp lũ về bất khả kháng không kịp phòng bị thì các chị ấy có thể nhảy lên thùng xe tải lên phao. Những ngày ở đáy mỏ đã dạy cho họ những bài học xương máu để sinh tồn. Anh có biểu dương họ thì họ cũng lại tếu táo cười đùa lại anh rằng họ chỉ giỏi bơm moong thôi, anh mới có tài trị thủy. Thấy tôi băn khoăn chưa hiểu, anh Đoàn ôn tồn giải thích vợ anh tên là Thủy đấy mà.
Cô Thủy vợ anh cũng là đồng nghiệp cần gì anh phải... trị (thuỷ). Ở trên phân xưởng này anh cũng chẳng cần trị ai cả bởi mọi người đều tự giác làm việc. Mọi người đều coi nhau như anh em một nhà đỡ đần nhau gánh vác thay nhau, nhường nhịn lẫn nhau. Trên cả tình đồng nghiệp là tình cảm đại gia đình. Đó chính là bí quyết để mọi người gắn bó với công việc, với phân xưởng khi mà công việc thì quá gian khổ, thu nhập lại chưa cao. Trong khi đó, ngoài xã hội có những lời mời gọi, những vị trí việc làm, những mức lương hấp dẫn hơn rất nhiều.
Anh Đoàn bảo tôi rằng, chính cái môi trường gia đình ấy đã tạo ra sự đồng thanh và đồng tâm. Đồng tâm thì nhiều người nói rồi còn đồng thanh thì ít được đề cập. Đó là cùng một tiếng nói chung, tiếng nói của sự đam mê công việc, của ý chí và nghị lực vượt khó. Đồng thanh hiểu đơn giản nhất theo nghĩa đen của nó là những âm thanh chung hòa quyện vào nhau khi hát quốc ca mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần, là tiếng hô zô zô khi liên hoan mừng công. Hay trong công việc đồng thanh để làm việc nhịp nhàng. Có nhiều việc phải đồng thanh và đồng tâm mới thành công được. Mấy ông quay búa không hô nên bắt nhịp thì mỗi ông quay một kiểu hỏng hết việc, hay kéo máy, kéo dây dưới lòng moong mà không hô theo nhịp để cùng kéo thì công việc không trôi. Nghề mỏ không thể có chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" được. "Kỷ luật và đồng tâm", đồng thanh rồi đồng tâm thì tất cả cùng thắng. Những điều giản dị ấy người thợ dưới đáy moong ai cũng hiểu, cũng cảm nhận được chỉ có điều họ không diễn đạt bằng lời. Lại càng khó để họ diễn đạt bằng lời kiểu văn hoa, bay bổng.
Ngoài các lĩnh vực trên, Phân xưởng Cơ Điện còn rất uy tín trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ. Khi mưa lũ đến đều biến thành những đặc công nước sẵn sàng dấn thân nơi hiểm nguy 24/24h, để thực hiện sứ mệnh “cứu” người cứu máy.
Anh Đào Văn Đoàn xúc động nhớ về trận mưa lụt lịch sử diễn ra tại Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc vào năm 2015. Lần đó, sau khi khắc phục xong ở Cọc Sáu anh và đồng đội lại tiếp tục chi viện cho Mông Dương.
Là mỏ than lộ thiên lâu đời và quy mô, Cọc Sáu có những thiết bị khai thác cực lớn, tiêu biểu như dòng máy khoan và xúc điện. Để làm chủ, bắt bệnh và sửa chữa cho các thiết bị khổng lồ này, thợ kỹ thuật buộc phải thông thuộc cấu tạo, tính năng, nguyên lý làm việc cả đời cũ lẫn đời mới. Qua hàng thập kỷ, hiệu quả, năng suất bền bỉ của những cỗ máy khoan và xúc điện khổng lồ ở Cọc Sáu đã khẳng định thành công nhiều bộ phận liên quan, trong đó không thể thiếu tay nghề thợ kỹ thuật Phân xưởng Cơ Điện, những con người mà ngày ngày mặt mũi, áo quần luôn lấm lem vì bụi bặm, dầu mỡ, không ít lần dùng bữa ăn ca vội vàng dưới gầm máy, nhưng đã tạo dựng và tiếp tục phát huy thương hiệu “Đâu cần Cơ Điện có – Đâu khó có Cơ Điện”.
Có được thành công trên nhờ sự chỉ đạo thông suốt của chi bộ đến từng đảng viên. Chi bộ Phân xưởng Cơ Điện hiện có 47 đảng viên, chiếm 29,4% tổng số cán bộ, công nhân của đơn vị. Với vai trò chỉ đạo, điều hành phân xưởng thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng bộ và lãnh đạo Công ty giao phó trong điều kiện muôn vàn khó khăn, chi bộ đã quyết tâm tìm phương án dẫn dắt Phân xưởng Cơ Điện vượt qua mọi cam go thử thách, nhiều năm liền hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ban chi uỷ Chi bộ Phân xưởng Cơ Điện có 5 đồng chí, dù mỗi người một phong cách nhưng đều giống nhau ở chỗ thực sự coi trọng áp dụng những quan điểm chỉ đạo từ Đảng, tư tưởng của Bác trong dẫn dắt, điều hành mọi hoạt động của đơn vị.
Từ năm 2017- 2022, Chi bộ Phân xưởng Cơ Điện liên tục được Đảng bộ Công ty đánh giá "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"; đơn vị Lao động xuất sắc 2017-2022 và nhiều bằng khen, giấy khen chuyên đề thi đua khác của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Đảng bộ Than Quảng Ninh, Tỉnh ủy Quảng Ninh. Còn các tổ đội trong phân xưởng thì bằng khen, giấy khen nhiều vô kể.
Trên bức tường căn phòng làm việc chung của Phân xưởng tôi quan sát dường như không còn đủ chỗ để treo các giấy khen, bằng khen nữa. Trong 5 năm qua, đã có 8 cán bộ công nhân được công nhận Chiến sỹ thi đua Tập đoàn TKV và 72 cán bộ, công nhân được công nhận Chiến sỹ thi đua cấp Công ty. Những phần thưởng quý giá trên, là động lực để chi bộ luôn vững tay chèo lái “con thuyền” Phân xưởng Cơ Điện tiếp tục hành trình vượt mọi khó khăn, sóng gió tiến về phía trước.
Trở lại câu chuyện đơn vị như một gia đình, anh Đoàn bảo tôi rằng, ở đây có những sợi dây cố kết họ lại, ngoài công việc và tâm huyết ra thì họ còn liên đới họ hàng anh em gia đình nữa. Anh Đoàn kể, phân xưởng có đợt tuyển được vài chục người toàn là con em trong ngành, bố mẹ từng làm mỏ, từng là đồng nghiệp của anh. Người nọ xem người kia như là cha chú anh em ruột thịt. Có thể khi mới vào nghề, họ còn đôi chút e ngại nhưng đã vào công việc, vào môi trường này rồi thì ai cũng say mê tận tụy. Họ làm việc không chỉ để nuôi sống bản thân, lo cho gia đình, mà còn làm việc vì niềm tự hào rằng cha mẹ họ đã từng ở đây, từng đổ mồ hôi xuống moong sâu Cọc Sáu. Những người như thế khó lòng mà dụ dỗ được họ bỏ việc. Câu chuyện con ông cháu cha ở đâu bất cập thì không biết chứ ở đáy mỏ Cọc Sáu này nó lại đang phát huy hiệu quả tích cực.
Phạm Học- Nguyễn Yên (CTV)
- Quá trình hình thành đội ngũ công nhân mỏ Quảng Ninh
- Ấm lòng công nhân mỏ
- Văn hóa công nhân mỏ - Nền tảng xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh
- Tổng kết trại sáng tác văn học công nhân mỏ
- Tọa đàm văn học công nhân mỏ
- Văn hóa công nhân mỏ - Đặc trưng của văn hóa Quảng Ninh
- Phát huy bản sắc văn hóa công nhân mỏ trong thời kỳ mới
- Thanh Việt - Nữ công nhân mỏ đi ra thế giới bằng giọng ca vàng
Liên kết website
Ý kiến ()