Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:21 (GMT +7)
Những chiếc "Huy hiệu Bác Hồ"
Thứ 2, 18/05/2020 | 14:08:57 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng những tấm gương người tốt, việc tốt. Người cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, cuối năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để Người tặng thưởng Huy hiệu mang tên “Huy hiệu Bác Hồ” cho những gương làm việc tốt. Trong số hàng nghìn người được Bác tặng thưởng huy hiệu, có rất nhiều người sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh.
“Thưởng 1 huy hiệu”
Bác Hồ cho rằng: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy. Còn những việc nhỏ, bình thường, nhưng ích nước, lợi dân thì hay bị xem thường”. Vì vậy, mỗi khi đọc báo hay nghe đài, thấy có gương người tốt việc tốt, Bác thường đánh dấu lại, yêu cầu xác minh và thưởng huy hiệu cho những gương người tốt đó.
Nhân dân tỉnh Hải Ninh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, ngày 18 và 19/2/1960. Ảnh tư liệu |
Theo các tài liệu tổng kết phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, từ năm 1959 đến 1969 đã có khoảng 5.000 người tốt, việc tốt được Bác tặng thưởng huy hiệu mang tên Người, gồm đủ các thành phần nam - phụ - lão - ấu, trong mọi lĩnh vực hoạt động cách mạng: Sản xuất, chiến đấu, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, trên khắp mọi miền đất nước. Đối với mỗi người dân Việt Nam, được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu là niềm vinh dự đặc biệt lớn lao, tác động rất tích cực, mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, khích lệ họ tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực làm việc, thi đua hành động cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong không gian trưng bày "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh" tại Bảo tàng tỉnh hiện trưng bày nhiều bài báo về gương người tốt, việc tốt, được sưu tầm và cắt ra từ các báo: Vùng mỏ, Quảng Ninh, Nhân dân, Thiếu niên tiền phong… Đó là những gương người tốt, việc tốt thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau: Học tập, lao động, tiết kiệm, sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, dũng cảm, thật thà… Điều đặc biệt, những bài báo ấy đều có bút tích của Bác Hồ.
Trên báo Vùng mỏ ngày 5/5/1962 có bài báo “Ngày công cao nhất” nói về cô Bách, 17 tuổi ở Hợp tác xã Phong Cốc luôn đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp. Bác Hồ đọc và ghi dưới bài báo: Cô Bách 17 tuổi đã rất cô gắng trong lao động sản xuất, và “thưởng 1 huy hiệu”.
Cũng báo Vùng mỏ ngày 28/5/1963 có bài viết “Những cháu ngoan của Bác Hồ”, nói về em Nguyễn Văn Mai, học sinh lớp 4, cứu em bé 6 tuổi khỏi đuối nước; em Nguyễn Thị Mão, học sinh lớp 2, nhà nghèo nhưng nhặt được của rơi, trả người đánh mất. Cả hai em đều học ở Trường phổ thông cấp I xã Tràng An, Đông Triều (Hồng Quảng). Bác Hồ đọc và gạch chân bằng bút đỏ vào tên các em, hành động đẹp của các em và ghi thêm “Thưởng 2 huy hiệu”.
Báo Thiếu niên Tiền phong số thứ sáu ngày 4/9/1964 đăng bài “Một thiếu niên của Đất Mỏ anh hùng”, nói về hành động dũng cảm của em Ngô Quốc Chung ở Hòn Gai trong trận 5/8/1964, giữa lúc máy bay Mỹ lao vào đánh phá Hòn Gai, Chung đã không quản nguy hiểm chạy sang Nhà trẻ số 10, cạnh bến cảng Xí nghiệp bến Hòn Gai, cùng các cô giáo đưa các em nhỏ xuống hầm trú ẩn. Bác Hồ đọc bài báo và khoanh tròn bằng mực đỏ vào chữ “Chung”, đồng thời viết lên góc báo mấy chữ “Thưởng 1 huy hiệu”...
Bài báo “Hai kỷ lục mới của dũng sĩ chống Mỹ Đào Đình Lâm (mỏ Hà Lầm)” trên báo Quảng Ninh ngày 12/11/1966, Bác Hồ đọc kỹ và khoanh tròn bằng bút đỏ cái tên “Đào Đình Lâm”, “từ 0 mét 70 lên 1 mét 80 một ca”, “dẫn đầu mỏ Hà Lầm”, “dùng sức người thay sức máy”… Dưới bài báo, Bác ghi “Tặng 1 huy hiệu”.
Những bài báo viết về gương người tốt, việc tốt ở Quảng Ninh được Bác Hồ đọc và thưởng huy hiệu. |
Còn rất nhiều bài báo nêu gương người tốt, việc tốt ở Quảng Ninh được Bác Hồ đọc và để lại bút tích, các ký hiệu riêng bằng chữ Việt hoặc chữ Hán bằng bút bi màu đỏ, bút máy mực xanh đen và bút chì xanh đỏ. Có những trang báo, Người đọc và gạch dưới tên nhân vật, những thành tích cụ thể mà người tốt đó đã làm, địa chỉ, tuổi, những con số hay điểm đặc biệt trong bài báo. … Điều này chứng tỏ Bác rất quan tâm đến các gương người tốt, việc tốt và đọc rất kỹ nội dung bài báo. Bên cạnh để lại bút tích, Bác còn ghi “Thưởng 1 huy hiệu” hoặc “Tặng 1 huy hiệu”.
Biểu dương kịp thời những tấm gương tiêu biểu
Những bài báo về gương người tốt, việc tốt được Bác thưởng huy hiệu hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh được đăng tải chủ yếu ở báo Vùng mỏ và Quảng Ninh. Lần tìm những bài báo, hỏi chuyện các hướng dẫn viên ở Bảo tàng, chúng tôi không có nhiều thông tin về các tấm gương người tốt, việc tốt, ngoại trừ nội dung được phản ánh trong tờ báo.
Những bài báo viết cách đây đã 50-60 năm, chắc hẳn nhiều người tốt đã qua đời; có người không tìm được địa chỉ, không biết hiện ở đâu. Chúng tôi đã liên lạc về phường Phong Cốc (TX Quảng Yên) và Trường Tiểu học Tràng An (TX Đông Triều) nhưng cũng không nhận được câu trả lời nào về “cô Bách” xưa hay “em Nguyễn Văn Mai”, “em Nguyễn Thị Mão”. Nhân vật Ngô Quốc Chung trong bài báo “Một thiếu niên của Đất Mỏ anh hùng” khi ấy là thiếu nhi, đến nay cũng ngoài 70 tuổi, sống ở TP Cẩm Phả. Khi chúng tôi liên hệ thì được biết, ông đã qua đời năm 2019…
Những tấm gương người tốt, việc tốt không còn, không tìm được, vậy tác giả của những bài báo này thì sao?
Từ ngày 1/1/1964 trở về trước, Quảng Ninh có 2 đơn vị hành chính là khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Mỗi nơi đều có tờ báo riêng. Khu Hồng Quảng có báo Vùng mỏ; tỉnh Hải Ninh có tờ Tin Hải Ninh. Ngày 30/10/1963, Quốc hội có nghị quyết hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh có nghị quyết đổi tên tờ báo Vùng mỏ - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tỉnh Quảng Ninh, thành Quảng Ninh - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Ngày 2/1/1964, báo Quảng Ninh ra số đầu tiên.
Lớp thế hệ nhà báo báo Vùng mỏ, tin Hải Ninh và sau là báo Quảng Ninh từ khoảng năm 1959-1969 đến nay người còn, người mất. Có nhà báo tuổi đã cao, sức khỏe yếu, không còn nhớ được không khí tác nghiệp của 50-60 năm về trước. Rất may mắn, chúng tôi đã tìm được nhà báo Văn Chư, phóng viên báo Vùng mỏ giai đoạn từ năm 1958-1963, đồng thời là cộng tác viên của báo Quảng Ninh, Lao động, Quân đội nhân dân… thời điểm trước năm 1970. Ông chính là tác giả bài báo “Hai kỷ lục mới của dũng sĩ chống Mỹ Đào Đình Lâm (mỏ Hà Lầm)” trên báo Quảng Ninh ngày 12/11/1966.
Ông Văn Chư đọc cuốn Kỷ yếu 50 năm Báo Quảng Ninh và kể về những nhà báo làm việc ở báo Vùng mỏ, Quảng Ninh trước kia. |
Ông Văn Chư sinh năm 1942, hiện sống ở phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, là hội viên Hội VHNT tỉnh. Ông làm báo Vùng mỏ cùng thời với nhà báo Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trần Mạnh Trử, Nguyễn Công Vượng, Lê Hồng Phước, Nguyễn Ngọc Chánh… Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, ông cùng các phóng viên báo Vùng mỏ, báo Quảng Ninh đã có những ngày tháng xung kích, vượt qua mưa bom bão đạn đến những hợp tác xã, công trường, ngư trường… để phản ánh không khí thi đua lao động, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi; biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt; điều tra, phản ánh những con số thiếu trung thực, những vấn đề nóng bỏng…
Trong các tác phẩm của ông có đến 7 bài báo về các tập thể, cá nhân được Bác Hồ đọc và thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Lục trong hồi ức, nhà báo Văn Chư kể ra một số tập thể, cá nhân, như: Nhà ăn Than Trụ, mỏ Đèo Nai; Tổ máy ngoài kíp I Nguyễn Thị Lựng, Tuyển than Cửa Ông; công nhân Lê Văn Hiển ở mỏ Cửa Ông giữa đêm bão táp đi chữa điện cho mỏ; công trường Long Châu Hà vừa sản xuất vừa chăn nuôi cải thiện đời sống công nhân; công nhân Nguyễn Văn Vỡi, mỏ Mạo Khê có sáng kiến tăng năng suất, sản lượng than; kỷ lục của công nhân Đào Đình Lâm, mỏ Hà Lầm…
“Những năm ấy, địa bàn Quảng Ninh rộng lớn, đường sá, phương tiện giao thông hết sức khó khăn, chủ yếu là đi xe đạp cọc cạch, nhưng chúng tôi vẫn liên tục đi cơ sở lấy tin, viết bài. Khó khăn, chiến tranh và giặc Mỹ leo thang bắn phá càng thôi thúc, tạo sức mạnh cho các chuyến đi của phóng viên và trên báo Vùng mỏ, Quảng Ninh đã có nhiều tin, bài đặc sắc, đặc biệt là chuyên mục Người tốt, việc tốt. Chúng tôi đã bám sát vùng trọng điểm đầy bom đạn, đến tận cơ sở viết về các điển hình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi. Những bài báo mang hơi thở cuộc sống ấy đến tay Bác Hồ, được Bác đọc và “bút phê” khen thưởng là niềm tự hào không chỉ của những tập thể, cá nhân trong bài báo, mà còn là niềm hạnh phúc của những tác giả như chúng tôi” - ông Văn Chư chia sẻ.
Chính sự quan tâm đặc biệt của Bác đến những bài báo đã tiếp thêm động lực to lớn để lớp lớp phóng viên, nhân viên Báo Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn, gắn mình với những thực tiễn phong phú, sôi động của tỉnh. Điển hình như nhà báo Công Vượng ghi lại phút giây lịch sử qua bức ảnh “Ê-vơ-rét - Tên giặc lái Mỹ đầu tiên bị quân dân Quảng Ninh bắt sống ngày 5/8/1964”; là nhà báo Đỗ Kha không ngại xông pha trận mạc, sẵn sàng lên đường ra biên giới chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; là nhà báo Như Mai luôn “căm giận những con số không trung thực”…
Lan tỏa tinh thần “xây dựng cuộc sống mới, con người mới”
Bác Hồ từng dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Thực hiện lời dạy của Người, riêng ở báo Quảng Ninh - ấn phẩm của Trung tâm Truyền thông tỉnh, chuyên mục “Người tốt, việc tốt” luôn được duy trì với nhiều bài viết chân thực, sinh động về những tấm gương điển hình ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, thành phần dân tộc.
Một góc không gian trưng bày "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh" tại Bảo tàng Quảng Ninh. |
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), báo Quảng Ninh mở chuyên mục Học và làm theo Bác; đăng tải trên 3.000 tin, bài về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ năm 2016 đến nay, trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh có hàng trăm bài viết kịp thời phản ảnh các hoạt động ở cơ sở, gương “người tốt, việc tốt”, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác.
Các tập thể, cá nhân điển hình “người tốt, việc tốt”, những tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác, những câu chuyện cảm động về tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người, về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… đã lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển. Chuyện về những chiếc Huy hiệu Bác Hồ mang lại bài học vô giá về việc động viên và khích lệ mỗi công dân hãy phát huy năng lực của mình để có nhiều cống hiến có ích cho xã hội.
Hoàng Quý
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()