Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:22 (GMT +7)
Nhịp cầu nối những bờ vui...
Thứ 2, 02/05/2022 | 07:42:43 [GMT +7] A A
Những cây cầu vững chắc, bề thế với tính thẩm mỹ cao được đầu tư và đưa vào sử dụng thời gian qua đã góp phần quan trọng tạo liên kết các vùng, miền, giúp thay đổi diện mạo các vùng quê, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển KT-XH của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Tiếp nối những niềm vui
Ngày đầu tiên của năm 2022, người dân Quảng Ninh vô cùng phấn khởi, náo nức trước sự kiện khánh thành 2 công trình giao thông mới của tỉnh là đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và cầu Tình Yêu, cùng với đó là việc thông xe kỹ thuật cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Những công trình khẳng định ý chí, quyết tâm đổi mới tư duy, sự sáng tạo của tỉnh trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kỳ vọng tiếp tục khơi thông cho sự phát triển và lan toả niềm tin năm mới nhiều may mắn trước những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trong đó, cầu Tình Yêu - cây cầu nối đôi bờ Cửa Lục tiếp tục là động lực để TP Hạ Long mở rộng dư địa phát triển trong một không gian mới.
Cùng với cầu Tình Yêu, cầu Cửa Lục 3 bắc qua sông Trới cũng đang được khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022. Cây cầu hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ bổ sung hạng mục để vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm kết nối mới của TP Hạ Long, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội, thu hút và phát huy mọi nguồn lực, tạo đột phá phát triển của địa phương. Ông Lê Mạnh Hiền (người dân Quảng Ninh trở về sau nhiều năm công tác tại nước ngoài) phấn khởi, cho biết: Nhìn quê hương đổi mới tôi vô cùng tự hào và xúc động. Giao thông của tỉnh ngày càng hoàn thiện, thông suốt đã giúp kết nối thuận tiện giữa các địa phương. Chắc chắn đây sẽ là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá, vươn lên nhanh chóng, sánh vai với các địa phương phát triển.
Để từng bước tháo gỡ “nút thắt” về giao thông trong phát triển KT-XH, nhiều công trình giao thông trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng. Năm 2021, cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy, nối 2 địa phương TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) và TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) hoàn thành. Đón nhận sự kiện này, người dân Quảng Ninh và các địa phương lân cận vô cùng phấn khởi, bởi đã mở ra cơ hội, triển vọng mới để phát triển.
Cầu Triều không chỉ nối với tỉnh lộ 389 của Hải Dương, mà tương lai sẽ kết nối đồng bộ cùng tuyến đường ven sông nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng qua TP Uông Bí, TX Quảng Yên, hình thành hệ thống giao thông huyết mạch, thông suốt, tạo sự phát triển bền vững cho TX Đông Triều nói riêng, khu vực phía Tây của Quảng Ninh nói chung... Chị Nguyễn Lê Minh (quê ở TX Đông Triều, hiện sinh sống tại TP Hải Dương) cho biết: Trước đây từ Đông Triều sang Hải Dương phải đi đò, đi phà, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mất thời gian, khiến đi lại khó khăn. Từ khi cầu Triều hoàn thành, việc đi lại giữa các địa phương rất thuận tiện; hàng hoá cũng thông thương hiệu quả nên người dân ai cũng phấn khởi...
Động lực phát triển các vùng miền
Ngày nay, khi đến các địa phương trong tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đều có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo. Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, những cây cầu vững chắc bắc qua những con sông đã kết nối giao thông thuận tiện, giảm khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh.
Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, với những cơ chế, chính sách đầu tư cho vùng khó được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, gần đây là Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp nối thành công từ các chương trình xây dựng NTM, Chương trình 135... Nghị quyết 06-NQ/TU được triển khai đã và đang góp phần quan trọng tạo sự thay đổi lớn ở các địa bàn vùng khó. Diện mạo các vùng quê ngày càng đổi mới, những tuyến đường bê tông phẳng đẹp, rộng rãi kéo dài; những cây cầu vững chắc... tất cả đang tạo nên “bức tranh” nông thôn hiện đại.
Với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông “mở đường” cho sự phát triển toàn diện, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình giao thông trọng điểm khác kéo dài từ vùng Đệ tứ Chiến khu Đông Triều đến địa đầu Móng Cái như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cao tốc cuối cùng để hình thành trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh kết nối khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội...
Hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển tại các vùng khó khăn, cửa khẩu cũng đang được tập trung thực hiện như: Đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành (cũ) của huyện Tiên Yên; đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng An; nút giao thông cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn kết nối QL18C (huyện Bình Liêu)... cùng với đó là việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ, những cây cầu tại nhiều địa bàn trong tỉnh.
Từ những công trình kết nối vùng đã và đang tạo ra dư địa cùng sự phát triển mới cho Quảng Ninh nói riêng và cả vùng nói chung. Quảng Ninh đang khẳng định vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế. Với những thành tựu trong đầu tư kết cấu hạ tầng, hơn 2 năm qua mặc dù chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh vẫn giữ được đà tăng trưởng 2 con số và nằm trong tốp những địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo của tỉnh từng bước được nâng lên.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()