Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:39 (GMT +7)
Những câu hỏi thường gặp về di chứng hậu COVID-19
Thứ 7, 12/02/2022 | 07:36:07 [GMT +7] A A
Các di chứng để lại cho người mắc COVID-19 biểu hiện như thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao và liệu có thể hồi phục?
Hầu hết những người mắc COVID-19 đều hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều người khác lại gặp phải triệu chứng "COVID-19 kéo dài". Một số người trải qua cảm giác vô cùng mệt mỏi, khó thở và đau người trong khi số khác gặp những triệu chứng như "sương mù não" hay chưa thể khôi phục được vị giác hoặc khứu giác. Đáng lo ngại hơn, có một số người bị ốm nặng hơn sau đó, có thể do nhiều yếu tố phức tạp sau khi mắc COVID-19.
Thực tế duy nhất có thể thấy là hiện chưa có định nghĩa cụ thể, lời giải thích, chẩn đoán hay phương pháp điều trị nào được áp dụng đối với nhóm đối tượng này. Điều đó cũng phản ánh đại dịch COVID-19 vẫn là gánh nặng lâu dài đối với xã hội và nền kinh tế.
COVID-19 kéo dài là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người gặp "tình trạng COVID-19 kéo dài" có những triệu chứng thường là 3 tháng sau khi mắc COVID-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng. Những triệu chứng kéo dài, đôi khi là những triệu chứng hoàn toàn mới với bệnh nhân như tăng áp phổi, tim mạch, các vấn đề về tiêu hóa và hệ thần kinh hoặc suy giảm nhận thức. Một số tổ chức khác đã đề xuất những cách định nghĩa khác, chẳng hạn như Cơ quan Y tế Quốc gia Anh đề nghị gọi các triệu chứng kéo dài lâu hơn 4 tuần là "COVID-19 có triệu chứng tiếp diễn" hoặc "hội chứng hậu COVID-19" nếu các triệu chứng kéo dài lâu hơn 12 tuần và không thể lý giải được.
Các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu đủ số ca mắc, cũng như tỷ lệ bệnh nhân hoặc thời gian kéo dài để đánh giá toàn diện về những ảnh hưởng này. Việc thiếu một định nghĩa và cách xác định tiêu chuẩn những trường hợp này khiến những vấn đề trên ngày càng khó khăn hơn. Một nghiên cứu lớn được công bố hồi tháng 11 ở Mỹ ước tính, khoảng 7% người được hỏi có ít nhất 1 triệu chứng COVID-19 kéo dài 6 tháng sau khi mắc bệnh. Nghiên cứu này cũng phát hiện ra sự khác biệt về các triệu chứng giữa các nhóm tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe nền...
Một nghiên cứu nhỏ hơn từ tháng 2/2021 theo dõi các bệnh nhân COVID-19, 9 tháng sau khi họ mắc bệnh thì thấy, 30% trong số này có những triệu chứng kéo dài. Mặc dù những triệu chứng này có thể xảy ra bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh nhưng những người mắc COVID-19 nặng thường có nguy cơ cao chịu nhiều ảnh hưởng hơn.
Chẳng hạn, một nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu từ Bộ Cựu Chiến binh Mỹ cho thấy 4,1% những người mắc COVID-19 không phải nhập viện gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài, trong khi con số này ở những người từng nhập viện là 16% và ở những người phải chăm sóc tích cực là 23%. Những nghiên cứu khác cũng cho thấy COVID-19 kéo dài xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ, những người trung niên và béo phì.
Các triệu chứng hậu COVID-19 biểu hiện thế nào?
Những triệu chứng chung gồm có: mệt mỏi, sốt và đau người. Đối với hệ hô hấp và tim mạch, các triệu chứng thường gặp là khó thở, ho, tức ngực, đau ngực và đánh trống ngực. Đối với hệ thần kinh, các triệu chứng gồm có: sương mù nào (mất tập trung hoặc gặp các vấn đề về trí nhớ), đau đầu, rối loạn giấc ngủ, cảm giác bồn chồn bứt rứt, chóng mặt và mê sảng (thường gặp ở người lớn tuổi). Đối với hệ tiêu hóa, các triệu chứng gồm: đau bụng, nôn, tiêu chảy, biếng ăn và giảm cảm giác ngon miệng (thường gặp ở người cao tuổi), sụt cân.
Ngoài ra, người mắc COVID-19 kéo dài có thể gặp các triệu chứng như đau người, đau cơ, lo lắng, trầm cảm, ù tai, đau tai, đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác cũng như phát ban da.
Làm thế nào ngăn COVID-19 kéo dài?
Tránh để mắc COVID-19 là cách duy nhất và tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc COVID-19, cũng như làm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Điều gì gây nên COVID-19 kéo dài?
Một số triệu chứng hậu COVID-19 đã được lý giải nhưng một số triệu chứng khác thì chưa. Một số người bị COVID-19 kéo dài có thể là kết quả từ:
- Ảnh hưởng trực tiếp của virus lên các cơ quan và tế bào.
- Do COVID-19 gây ra tình trạng đông máu nên điều này có thể cản trở các mạch máu trong phổi và có thể gây ra tắc mạch phổi.
- Phản ứng miễn dịch thái quá.
- Cơ thể không thể làm hồi phục phổi bị tổn thương cũng như các cơ quan khác, dẫn đến hình thành sẹo.
- Thiếu oxy trong máu gây tổn thương não, phổi và các cơ quan khác.
- Các phương pháp điều trị như sử dụng máy thở, corticosteroid, thuốc an thần và thuốc giảm đau.
Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 1, các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson và Đại học Washington ở Seattle thấy rằng, rủi ro COVID-19 kéo dài bị gây ra bởi nhiều yếu tố, trong đó có các tự kháng thể phản ứng với chính các tế bào và cơ quan trong cơ thể hoặc sự xuất hiện của các virus Epstein-Barr (một trong những loại virus phổ biến nhất ở người). Dựa trên những gì quan sát được, các nhà khoa học cho rằng những nhân tố sinh học và những nhân tố về gen có thể gây ra các triệu chứng và không nên loại trừ nhân tố nào. Những nhân tố này gồm có:
- Hội chứng viêm hệ thống.
- Rối loạn điều hòa miễn dịch, chẳng hạn như hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá trước các tác nhân xâm nhập bên ngoài.
- Sự tương tác với các vi sinh vật trong cơ thể.
- Các vấn đề với hệ thần kinh thực vật.
- Sự tồn tại dai dẳng của các phân tử virus trong cơ thể.
Triệu chứng hậu COVID-19 nghiêm trọng thế nào?
Hầu hết các triệu chứng COVID-19 kéo dài đều không đe dọa đến tính mạng nhưng chúng có thể gây hại cho cơ thể khi phá hủy những cơ quan quan trọng và làm nghiêm trọng thêm các bệnh khác, giống như một quả bom hẹn giờ. Một số triệu chứng có lẽ sẽ xuất hiện sau này như rối loạn nhịp tim, đột quỵ, suy tim, tắc mạch phổi, viêm cơ tim và bệnh thận mãn tính. Các bác sĩ cũng lưu ý mối liên hệ về sự gia tăng các trường hợp tiểu đường với COVID-19.
Một nghiên cứu công bố vào tháng 2 ở Mỹ cho thấy, virus SARS-CoV-2 có lẽ làm tăng đáng kể rủi ro bị tim mạch trong ít nhất 1 năm sau khi hồi phục, thậm chí cả khi không phải nhập viện. Những nghiên cứu khác từ Anh, Mỹ và Đức cũng cho thấy những người từng nhập viện vì COVID-19 có nguy cơ cao phải tái nhập viện hoặc tử vong 6 - 12 tháng sau đó.
Những người gặp triệu chứng COVID-19 kéo dài liệu có hồi phục?
Tình trạng sức khỏe của những người hồi phục sau khi mắc COVID-19 rất khác nhau, từ hồi phục hoàn toàn và quay lại tình trạng sức khỏe ban đầu cho tới phải ghép phổi ở một số lượng nhỏ người từng mắc bệnh.
Ở một nhóm nhỏ, đặc biệt là những người từng mắc COVID-19 nặng, các triệu chứng có thể kéo dài dai dẳng. Một nghiên cứu lớn từ Vũ Hán công bố vào năm ngoái cho thấy, cứ 2 bệnh nhân mắc COVID-19 thì có 1 người trải qua các triệu chứng COVID-19 kéo dài 1 năm sau khi rời bệnh viện.
Một nghiên cứu các bệnh nhân nhập viện ở Anh công bố hồi tháng 1 cũng cho thấy 1 năm sau khi xuất viện, chỉ chưa tới 3 trong số 10 người hồi phục hoàn toàn.
COVID-19 có phải là nguyên nhân của tất cả triệu chứng này?
COVID-19 không hoàn toàn là nguyên nhân. Một số triệu chứng có lẽ xảy ra tình cờ hoặc xuất phát từ tình trạng căng thẳng và lo lắng, hay một số bệnh nền như tiểu đường. Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, đóng cửa trường học,... cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, nghiên cứu công bố ngày 8/10 trên tạp chí Lancet cho hay. Nghiên cứu này cũng cho thấy đại dịch đã làm tăng thêm 53,2 triệu trường trầm cảm và 76,2 triệu trường hợp rối loạn lo âu trên toàn cầu.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()