Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 02:01 (GMT +7)
Những "Cánh tay nối dài" ở cơ sở
Thứ 3, 11/01/2022 | 08:25:15 [GMT +7] A A
Xác định nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng bảo vệ, những năm qua Công an tỉnh luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tổ hòa giải ở cơ sở
Là một trong những địa bàn trung tâm của TP Hạ Long, khu phố 2B (phường Cao Xanh) hiện có hơn 500 hộ dân, hơn 1.800 nhân khẩu. Nhiều năm nay, khu phố được đánh giá là địa bàn khá ổn định về ANTT, nhờ hiệu quả tích cực từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát huy vai trò quan trọng của Tổ hòa giải khu phố.
Tổ hòa giải khu phố có 6 thành viên, đi vào hoạt động từ năm 2012. Đến nay Tổ đã hòa giải thành công rất nhiều vụ việc mâu thuẫn; thăm hỏi, động viên các hộ, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn; vận động đi cai nghiện hàng trăm trường hợp và giúp đỡ gia đình có con, em ra tù vay vốn, tạo công ăn việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.
Luôn cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của các gia đình trong khu phố, nhất là những đối tượng trong diện xem xét, khi có vấn đề mâu thuẫn, Tổ hòa giải lập tức có mặt ở từng nhà để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và khuyên giải người dân không gây mất đoàn kết khu dân cư; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cảnh sát khu vực, Công an phường để nắm bắt tình hình ANTT tại khu phố.
Bà Lưu Thị Vinh, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu phố 2B, chia sẻ: Một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với chúng tôi là vận động cai nghiện. Nhiều gia đình khi biết người thân bị nghiện đã có tâm lý che giấu, không chịu hợp tác. Chúng tôi kiên trì qua lại nhiều lần, nhẹ nhàng trò chuyện, tâm sự, lắng nghe họ giãi bày, dần dần họ nghe ra, lắm khi lại chủ động tìm đến mình khi cần giúp đỡ. Nhờ thế, nhiều trường hợp đã được chúng tôi khuyên giải thành công, đồng ý đi cai nghiện, được uống thuốc methadone, góp phần đảm bảo ANTT cho khu phố.
Mỗi lần đi hòa giải là mỗi lần đúc kết những kinh nghiệm, bởi đó luôn là công việc không hề dễ dàng, thậm chí có lúc gặp phải tình huống nguy hiểm. “Có lần, khi đang tham gia hòa giải mâu thuẫn gia đình, một thành viên trong Tổ hòa giải không may bị người chồng đánh, do không kiềm chế được cơn nóng giận” - Bà Vinh kể.
Không vì những khó khăn ấy mà các thành viên Tổ hòa giải trốn tránh trách nhiệm hay từ chối khi có vụ việc xảy ra. Họ luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ; sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn để hoàn thiện và nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ, từ đó chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để củng cố, kiện toàn và được công nhận là hòa giải viên, góp phần nâng cao chất lượng tổ hòa giải, phục vụ đắc lực cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Nói về công việc không lương đã gắn bó suốt hơn 10 năm nay, bà Lưu Thị Vinh chia sẻ: Làm công tác hòa giải tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi hoàn thành xong một việc, ai nấy đều thấy nhẹ nhõm vô cùng. Chúng tôi luôn tâm niệm chỉ có sự chân thành, thấu hiểu thì mọi người mới thực sự cảm nhận được và sẵn sàng chia sẻ, đón nhận sự giúp đỡ của mình. Chúng tôi xác định hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời, mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình bền chặt, cũng như góp phần quan trọng đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Củng cố những "Cánh tay nối dài"
Có vai trò đắc lực giúp sức cho lực lượng công an xã, phường trong đảm bảo ANTT trên địa bàn là những công an viên bán chuyên trách, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Những năm qua, họ luôn có mặt khi cần và sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dẫu không lương. Họ thực sự trở thành những "cánh tay nối dài" của chính quyền cơ sở trong việc phát hiện những mâu thuẫn trong dân cư ngay từ khi mới phát sinh, tránh để phát triển thành vụ việc, thành “điểm nóng”. Những tin báo tố giác tội phạm của họ đã thực sự có giá trị; từ đó nhiều kẻ buôn bán ma túy, nhiều đối tượng tình nghi đã sa lưới pháp luật.
Đối với người dân vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở những vùng biên giới, miền núi xa xôi, những cuộc trò chuyện, giáo dục, nhắc nhở, vận động của người uy tín, già làng, trưởng bản, đã thực sự trở thành "kim chỉ nam" đối với đồng bào. Họ luôn chủ động, phối hợp cùng với các lực lượng công an, biên phòng nắm chắc tình hình mọi diễn biến, kịp thời báo cáo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng chủ động giải quyết kịp thời mọi vấn đề về ANTT tại địa bàn thôn bản.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bao năm nay, ông Hoàng Ngọc Hoa vẫn đảm nhiệm rất tốt vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Cậm (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu). Nhờ sự uy tín, tích cực, trách nhiệm của ông trong công tác tuyên truyền, vận động người dân góp tiền, góp công, hiến đất làm con đường bê tông chạy dọc thôn, mà giờ đây thôn có đường giao thông thuận tiện, người dân bán được cây keo giá cao hơn; nhiều hộ xây được nhà to hơn, kinh tế ngày càng khá giả. Uy tín của ông trong đồng bào ngày càng được nâng cao.
Ông Hoàng Ngọc Hoa cho biết: "Chúng tôi phân công cho các nhóm hộ dân trong thôn có trách nhiệm thường xuyên quản lý cột mốc biên giới chủ quyền quốc gia, thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con tích cực thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".
Là thành viên, gắn bó và hiểu rõ cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở thôn, bản, khu phố, hiểu biết về các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên họ ngày càng cho thấy vai trò của mình trong việc tham gia bảo đảm ANTT. Đó là lý do vì sao lực lượng công an luôn bằng nhiều biện pháp để xây dựng các mô hình và củng cố những "cánh tay nối dài" ở cơ sở. Theo thống kê của Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện duy trì 202 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; 77 ban bảo vệ dân phố với 1.881 thành viên; 858 công an viên bán chuyên trách.
Đặc biệt, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt, gắn kết với các chương trình an sinh xã hội, xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Công an tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy xây dựng mô hình “An ninh cơ sở” theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 04-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy. Mô hình này đi vào hoạt động sẽ phát huy tối đa vai trò của lực lượng ở từng khu dân cư, tổ dân phố. Đến nay, mô hình "An ninh cơ sở" đã được xây dựng điểm tại 29 xã, phường ở 13/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa bàn, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Khánh Hằng - Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()