Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:11 (GMT +7)
Một ngày với những kỹ sư địa chất
Chủ nhật, 26/12/2021 | 08:33:09 [GMT +7] A A
Trong bài hát "Những cánh chim địa chất", nhạc sĩ Mộng Lân từng viết: "Địa chất chúng ta như những cánh chim bay xa/ Đâu tài nguyên quý giá chúng ta qua/ Đất sâu mấy tầng, rừng thẳm núi cao/ Đó là trận tuyến đi tới dâng Người- Tổ quốc ơi!...". Những người thợ địa chất tìm kiếm nguồn than cho Tổ quốc được ví như những cánh chim báo hiệu mùa xuân về. Họ là những người đi trước mở đường không quản ngại khó khăn, gian khổ.
Đất lạ hoá quê hương
Kỹ sư Hà Minh Thọ, Giám đốc Công ty CP Địa chất mỏ, tâm đắc với câu nói "Nghề địa chất đi trước, về sau". Anh Thọ phân tích cho chúng tôi biết, công tác địa chất phát triển góp phần đưa ngành Than trở thành một ngành kinh tế chính, mang tính động lực cho nền kinh tế.
Sự ra đời của ngành địa chất đánh dấu một bước phát triển mới, ở trình độ cao hơn của ngành sản xuất than. Ngành Than muốn phát triển phải có những người làm nghề địa chất, địa chất được ví như những chiến sĩ trinh sát, dò tìm, lắng nghe lòng đất, phát hiện khoáng sản; giúp hoạch định, lên kế hoạch sản xuất cho ngành Than. Anh Thọ bảo chúng tôi rằng nếu muốn hiểu hơn nghề địa chất thế nào thì hãy cùng các anh lên điểm khoan một ngày.
Anh Vũ Cao Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất vừa lái con xe bán tải lên mỏ vừa kể với tôi những kỷ niệm lăn lộn ở núi rừng với những điểm khoan. Anh bảo cái điểm khoan trên mỏ Thống Nhất mà tôi đang đến này đã thấm tháp gì với những điểm khoan mà anh đã trải qua. Thường thì khối lượng công việc nhiều hầu hết các tổ khoan các anh làm đều ở địa bàn rừng núi hiểm trở đi lại khó khăn công tác giải phóng mặt bằng phức tạp do khu vực khoan thường nằm trên khu vực rừng phòng hộ, nhà dân khó thỏa thuận.
Thi công lỗ khoan gặp khó khăn do gặp lò đã khai thác như phương án khoan thăm dò phục vụ khai thác của Công ty Than Mông Dương thi công qua các tầng lò; lỗ khoan Tràng Bạch TB 155 đi qua ba tầng lò cũ, lò sâu nhất tới 435 m, địa tầng khó khăn phức tạp.
Những địa điểm khoan có thể phải đi sâu đi xa có lúc ở +158 ngã hai Quang Hanh nhưng có khi lại tận Vàng Danh thăm thẳm. Nhiều lúc việc di chuyển bằng xe máy cũng không thuận lợi trên những cung đường rất khó đi nhưng khó khăn đó chưa là gì so với khi thực hiện công việc. Nhiều trường hợp địa tầng phức tạp, lỗ khoan bó mút, khó thả mũi khoan, có những khi trượt tầng lại có những khi khoan mà phải rút lên để khoan lại từ đầu.
Những cánh chim không mỏi
Khi câu chuyện về những điểm khoan trong quá khứ của anh Cường tạm dừng thì cũng là lúc một dãy lán trại lợp mái tôn hiện ra trước mắt tôi. Dãy nhà thông thống giữa bốn bề núi rừng vi vút gió. Người ta vẫn bảo rằng, đặc điểm dễ nhận biết của những người làm địa chất là trang phục lấm lem. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài tưởng chừng nhếch nhác thường thấy là sự cống hiến thầm lặng, to lớn. Mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa chất, địa mạo, trầm tích là những hành trình âm thầm đầy hy sinh, gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức của các nhà địa chất mà người ngoài cuộc khó lòng biết được.
Trò chuyện với anh Cường, tôi được biết, công việc của các nhà địa chất phải đi thực địa nhiều, bất kể thời tiết nắng mưa. Mỗi chuyến đi thường vài tuần, có khi cả tháng, thậm chí vài ba tháng hay lâu hơn họ mới được về nhà. Bước chân của họ in dấu khắp nơi trên đất nước, từ núi rừng xanh thẳm đến biển đảo bao la. Công việc của họ không chỉ là làm tư duy khoa học mà còn vô cùng vất vả, khi ngày đêm phải túc trực trên công trường. Đơn cử như điểm khoan mỏ Thống Nhất mà tôi đang lên. Trải qua những đoạn đường nhấp nhô, quanh co gần nửa tiếng đi xe gầm cao, chúng tôi tới nơi tổ khoan số 14 đang thực hiện mũi khoan khó khăn nhất trong số các mũi khoan mà Công ty CP Địa Chất mỏ TKV đang thi công.
Đây là mũi khoan xiên, nghiêng 5 độ, sâu trên 680m, đi qua các địa tầng nhiều than, dễ sụt lún. Công trình khoan được triển khai lắp đặt, thi công từ cuối tháng 9/2021 và sắp sửa hoàn thành. Mỗi tổ khoan như thế này có tầm trên chục người, bao gồm cả tổ trưởng. Một tổ khoan chia 3 ca, làm việc 24/24 giờ bất kể ngày đêm. Mỗi ca đều có kíp trưởng, 1 thợ cả và 2 thợ phụ. Kể từ sau khi nhận mặt bằng, toàn bộ các phần việc từ dựng tháp khoan, đặt máy, xây lắp khoan trường, triển khai thi công tới lúc nghiệm thu và lấp lỗ khoan toàn bộ do đội ngũ kỹ sư và thợ khoan thực hiện.
Tùy theo điều kiện địa tầng, mỗi đợt khoan khi kéo mất khoảng từ 2 - 3 tiếng, sau đó các kỹ sư và thợ khoan sẽ lấy mẫu khoáng vật thu được và sắp xếp một cách khoa học vào những thùng đựng mẫu. Các mẫu sau đó sẽ chuyển về phòng hóa nghiệm để đo đạc, đánh giá chất lượng đưa ra các thông số như độ tro, chất bốc, lưu huỳnh, phốt pho và độ ẩm là những chỉ tiêu quyết định.
Tổ trưởng của tổ khoan 14 là anh Nguyễn Ngọc Tuấn năm nay 32 tuổi. Anh Tuấn là tổ trưởng trẻ nhất Công ty và được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề địa chất. Anh Tuấn luôn tự hào về công việc của mình. Anh bảo nghề thợ khoan nay đây mai đó, cuộc sống đi theo những công trình khoan.
Điều kiện sinh hoạt của anh Tuấn và tổ thợ trên điểm khoan rất đơn sơ. Các anh hàn sắt làm bàn ghế ngồi, làm giường ngủ. Tuy nhiên, chính điều kiện sinh hoạt như vậy lại khiến các thành viên trong tổ khoan gần nhau hơn, ở mỗi tổ khoan sự đoàn kết và lối sống chân thành, giàu tình cảm. Đó chính là liều thuốc tinh thần giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong công việc và giúp họ vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Câu chuyện với anh Tuấn đang sôi nổi thì chiếc loa kéo ở góc lán trại nơi các anh nghỉ ngơi phát ra bài hát "Địa chất tình ca". Ca từ có đoạn: "Ta cùng nhau chung chọn một đường/ Cho tình yêu thường ấm tình đồng chí/ Đời địa chất ngọt ngào ý vị/ Mảnh đất nào lúc đến cũng thành quê".
Hơn chục năm gắn bó với ngành địa chất, anh Vũ Cao Cường tự nhận mình là người may mắn vì đã được làm việc và học tập cùng lớp cha anh đi trước. Anh cũng trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật, công nghệ của Công ty. Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, không ngừng học hỏi, giờ đây anh Cường là một trong những kỹ sư chủ chốt với rất nhiều ý tưởng, sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng trăm triệu đồng cho Công ty.
Anh Hà Minh Thọ chia sẻ: Địa chất là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác cao, tỉ mỉ; liên tục, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng cố gắng, trau dồi học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Công việc địa chất giờ đây đã được chuyên môn hóa cao độ, mỗi bộ phận lại có chức năng riêng, liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một chuỗi hoạt động chuyên nghiệp, chính xác và hiệu quả từ trắc địa, địa chất tới khoan thăm và hóa nghiệm. Kết quả lao động của những người làm trắc địa là thành lập các bản đồ địa hình mỏ, tính toán khối lượng mỏ; rồi đo kiểm kê các kho than, đo đạc bản đồ địa hình theo kế hoạch.
Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng nhiều thiết bị tân tiến được đưa vào sử dụng, giúp những người địa chất đỡ vất vả hơn. Vật bất ly thân hiện nay với dân trắc địa là máy tuần đạc điện tử, thiết bị khảo sát địa hình bằng máy bay không người lái flycam. Ngày xưa, người thợ địa chất đo thủ công bằng phải đo trực tiếp thì người ta phải đi trực tiếp vào các điểm và đo gương; dụng cụ là phải có dao kèm theo để phát lối đi. Bây giờ, họ có thiết bị đo GPS hiện đại hơn.
Song công việc cũng có những đòi hỏi, thách thức mới để theo kịp với sự phát triển của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong hoàn cảnh đó, có lẽ chỉ có lòng yêu nghề, say nghề, tình yêu với từng vỉa quặng và mong muốn được đóng góp, tìm ra và đánh thức nguồn tài nguyên quý giá cho Tổ quốc. Đồng hành cùng sự phát triển của ngành Than và đất nước, những người thợ địa chất đang lắng nghe từng nhịp thở của lòng đất, kiếm tìm mạch nguồn khoáng sản tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của thời đại.
Phạm Học
- Tỉnh Quảng Ninh làm việc với ngành Than
- Ngành Than: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường
- Lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2030
- Ngành Than vượt khó
- Ngành Thanh tra: Góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh
- Phát huy vai trò tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngành Than
- Ngành Than chăm lo đời sống cho CBCN-LĐ
Liên kết website
Ý kiến ()