Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:21 (GMT +7)
Lê Duy Thái và những cảm xúc thành kính khi viết về Bác Hồ
Thứ 6, 19/05/2023 | 22:25:26 [GMT +7] A A
Tập thơ "Mùa sen nhớ Bác" là những cảm xúc chân thành của tác giả Lê Duy Thái khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Điều đặc biệt là những cảm xúc ấy được chuyển tải bằng ngôn ngữ thơ hết sức bình dị.
Ở Quảng Ninh, người làm thơ về Bác Hồ nhiều nhất và đã xuất bản thành tập có lẽ là nhà thơ Lê Duy Thái, nguyên Phó Giám đốc Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, hiện cư trú ở thị xã Quảng Yên. Vốn có năng khiếu văn chương, ông Lê Duy Thái làm thơ từ rất sớm. Hơn 9 năm ở chiến trường Trung Trung Bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Thái làm cán bộ chính trị phụ trách “Bản tin trung đoàn” đã làm thơ về Bác. Thơ ông Thái viết trong giai đoạn này có âm hưởng hào sảng kiểu sử thi.
Từ chiến trường trở về, ông Lê Duy Thái giảng dạy và làm quản lý ở Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. Ông cũng là người nhiều năm giảng dạy bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Công việc đó đòi hỏi ông phải thường xuyên nghiên cứu tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi xuất bản tập thơ mà chúng ta đang nhắc ở đây, ông Lê Duy Thái đã có 2 tập thơ viết riêng về Bác Hồ là "Hương sen" và "Quảng Ninh thương nhớ Bác Hồ" đều do Nhà Xuất bản Hải Phòng ấn hành.
Tập “Mùa sen nhớ Bác” dày 96 trang, in 60 bài thơ, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào quý II năm 2023. Trong lời mở đầu tập sách, ông Thái đã viết rằng, đây là ấn phẩm chào mừng kỷ niệm 60 năm Bác Hồ đặt tên cho tỉnh Quảng Ninh. Trong cái chung cũng có cái riêng, cuốn sách này ông cũng coi như món quà kỷ niệm 60 năm được kết nạp vào Đảng, 60 năm ông và cô bạn phổ thông nên duyên vợ chồng. Bởi thế cái cách chọn ra 60 bài để in và đánh số từ 1 đến 60 là hoàn toàn có ý đồ nghệ thuật của tác giả ngay từ trước.
Trong tập “Mùa sen nhớ Bác”, ông đã có rất nhiều bài thơ viết về tình cảm của Bác Hồ với Quảng Ninh và nhân dân Vùng mỏ với Người. Có thể kể ra đây các bài như: "Đặt tượng Bác", "Gần trăm tuổi đọc Bác", "Lính già suốt đời học Bác", "Quảng Ninh quê ta", "Du xuân đảo Ti-Tốp".
Cái tài của Lê Duy Thái là ông biết bình dị hoá những thứ cao siêu. Nhà thơ Nguyễn Châu, Trưởng Ban Thơ (Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh) đánh giá: “Nhà thơ Lê Duy Thái đã lấy những chiến công của quê hương mà ca ngợi tư tưởng lớn của Người”. Lê Duy Thái đã rất khéo trong việc khơi gợi những liên tưởng thú vị về những lần Bác đến thăm Quảng Ninh qua các bài thơ. Có những liên tưởng thú vị làm tôn thêm vẻ đẹp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật Thích Ca, Chúa Giê-Su, Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Không chỉ lấy những chiến công của quê hương ca ngợi Bác, Lê Duy Thái còn thấy được tư tưởng Bác thấm nhuần trong mọi hành động, dùng tư tưởng đó để làm kim chỉ nam, là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho những người làm thơ như ông. Ông từng tâm sự: “Tôi làm thơ vì kính yêu Bác, vì học ở Bác nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”. Điều đó thể hiện qua các bài thơ như: “Bác là niềm tin”, “Tấm lòng Bác”, “Bác sống như thơ”, “Đọc lại di chúc Bác Hồ”, “Sống như lời Bác”, “Bác là văn hoá của tương lai”, “Lời Bác chân kinh”, "Tết nay đọc lại Bác Hồ", “Lời Bác ngàn năm nghe rõ”, “Nhớ lời Bác dạy”, “Học Bác sống trung đạo”, “Đêm Giáng sinh lời Bác vọng chuông ngân”, “Sống theo vần thơ Bác” v.v..
Mỗi một câu chuyện, một chi tiết về Bác Hồ cũng gây xúc động và thành niềm cảm hứng để Lê Duy Thái sáng tác thơ về Bác. Điều đó được thể hiện qua các bài thơ như: “Bác Hồ nhận lỗi”, “Bác phê bình giản dị”, “Phút cuối cùng của Bác”, “Bác nói cùng nhà báo”, “Bác học tinh hoa mọi nền văn hóa”, “Bác đi học nước ngoài”, “Bác thưa cha nhân ngày thành lập Đảng” v.v..
Tập thơ này cũng có những bài thơ đầu tiên ông viết về Bác Hồ ngay trong bom đạn chiến tranh với lòng thành kính sâu sắc. Có bài thơ ông viết ngay khi nhận được tin Bác Hồ qua đời. Cảm xúc mất lãnh tụ kính yêu xen lẫn niềm tự hào, có cả những động lực để cố gắng phấn đấu theo lời Bác dạy tràn ngập tâm trí những người lính giải phóng quân. Đó là những cảm xúc rất đặc biệt mà chỉ ông và đồng đội ở thời đó mới có được.
Những gì ông gửi gắm vào tập thơ này chỉ là một phần rất nhỏ sự cảm nhận, học tập tư tưởng đạo đức và phong cách của Bác Hồ mà ông đã lĩnh hội được. Ngoài ra, ông còn có nhiều bài thơ viết về Bác rải rác trong các tập khác và in trên các báo, tạp chí. Ông đã có 2 tác phẩm đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Tỉnh uỷ Quảng Ninh là trường ca “Giương cao mãi ngọn cờ hồng Bác trao” đoạt giải C năm 2009 và tập thơ “Hương sen” đoạt giải B năm 2010. Bởi thế "Mùa sen nhớ Bác" là một tập sách rất đáng đọc, đáng được trân trọng với độc giả Quảng Ninh, với những người kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()