Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:39 (GMT +7)
Những bức thư khen và “Huy hiệu Bác Hồ”
Thứ 5, 19/10/2023 | 15:06:17 [GMT +7] A A
Sinh thời, Bác Hồ nhiều lần về thăm, nói chuyện, viết thư biểu dương, khen thưởng, tặng huy hiệu cho những tập thể và cá nhân của Quảng Ninh có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Những bức thư khen, những huy hiệu Bác tặng như tiếp thêm động lực để quân và dân Quảng Ninh tiếp tục ra sức thi đua, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Động lực để thi đua
Ngày 2/2/1965, tức mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh được đón Hồ Chủ tịch về thăm và tặng cho ngành Than “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất”. Được sự quan tâm và động viên kịp thời của Người, ngay sau đó, Đảng bộ tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Làm theo lời Bác” và được các ngành, địa phương sôi nổi hưởng ứng nhằm thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với Hồ Chủ tịch kính yêu, động viên sức mạnh của nhân dân các dân tộc toàn tỉnh vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Năm 1965, mỏ than Đèo Nai và mỏ than Cọc 6 đã hoàn thành kế hoạch sản xuất quý I/1965 trước thời hạn 27 ngày. Ngày 3/4/1965, Hồ Chủ tịch đã gửi điện khen ngợi thành tích của mỏ than Đèo Nai và mỏ than Cọc 6. Người viết: “Bác vui lòng nhận được báo cáo mỏ đã hoàn thành tốt quý I/1965. Bác mong các cô, các chú nhân đà thắng lợi đó cùng xí nghiệp bạn cố gắng hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa”.
Ngày 6/4/1965, Hồ Chủ tịch lại gửi điện khen ngợi thành tích sản xuất của cán bộ, công nhân Xí nghiệp bến Cửa Ông, hoàn thành kế hoạch sản xuất quý I/1965 trước thời hạn 24 ngày.
Sự động viên kịp thời của Bác càng khích lệ cán bộ, công nhân ngành Than và nhân dân Quảng Ninh sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua “Làm theo lời Bác”, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.
Ngày 5/8/1964, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã cùng nhân dân cả nước đánh bại cuộc tập kích đầu tiên bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc nước ta. Bước sang năm 1965, không quân Mỹ tiếp tục ném bom bắn phá ác liệt nhiều nơi trên miền Bắc, vùng Đông Bắc là một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Quảng Ninh đã chiến đấu bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, giữ vững nhịp độ sản xuất, bảo vệ vững chắc vùng Đông Bắc, lập nhiều chiến công oanh liệt. Tính đến tháng 12/1965, quân và dân Đông Bắc đã bắn tan xác 45 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên giặc lái Mỹ. Với những chiến công vang dội đó, Hồ Chủ tịch quyết định tặng quân và dân Đông Bắc Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ghi nhận chiến công đánh Mỹ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vùng mỏ anh hùng.
Đặc biệt, trong tháng 8/1966, quân dân Quảng Ninh đã bắn rơi 28 máy bay Mỹ và trở thành địa phương bắn rơi máy bay của giặc Mỹ nhiều nhất cả nước, quân dân xã Xuân Sơn (Đông Triều) đã lập thành tích xuất sắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100. Với thành tích xuất sắc đó, ngày 18/8/1966, quân và dân Quảng Ninh được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Trong thư Bác viết: “…Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta. Quân và dân Quảng Ninh hãy phát huy truyền thống anh hùng của đất mỏ, luôn đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, đánh tan mọi âm mưu, tội ác của giặc Mỹ, lập nhiều thành tích chiến đấu và sản xuất to lớn hơn nữa”.
Vẻ vang “Huy hiệu Bác Hồ”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng những tấm gương người tốt, việc tốt. Chiếc Huy hiệu Bác Hồ là phần thưởng cao quý, kịp thời thay Người động viên, khuyến khích những tấm gương tốt đó.
Mỗi lần đọc được gương người tốt, việc tốt, những việc làm bình dị nhưng cao quý, Người đều đánh dấu lại, cử cán bộ xác minh rồi tặng Huy hiệu Bác Hồ cho người xứng đáng. Nhận được Huy hiệu Bác Hồ là vinh dự rất to lớn, khích lệ mọi người, tạo ra một phong trào thi đua yêu nước, làm việc tốt trong mọi lĩnh vực đời sống.
|
Những bài báo viết về gương người tốt, việc tốt ở Quảng Ninh được Bác Hồ đọc và thưởng huy hiệu. |
Theo các tài liệu tổng kết phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc, từ năm 1959 đến 1969 đã có khoảng 5.000 người tốt, việc tốt được Bác tặng thưởng huy hiệu mang tên Người. Trong số hàng nghìn tấm gương việc tốt ngày đó thì có rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, thiếu nhi, người dân Quảng Ninh vinh dự được Bác tặng Huy hiệu.
Trong không gian trưng bày "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh" tại Bảo tàng Quảng Ninh hiện còn lưu giữ được nhiều bài báo về gương người tốt, việc tốt trên địa bàn tỉnh có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thưởng huy hiệu của Người.
Báo Vùng Mỏ ngày 5/5/1962 có bài báo “Ngày công cao nhất” nói về cô Bách, 17 tuổi ở Hợp tác xã Phong Cốc (Quảng Yên) luôn đi đầu trong phong trào sản xuất nông nghiệp. Bác Hồ đọc và ghi dưới bài báo: “Cô Bách 17 tuổi đã rất cố gắng trong lao động sản xuất” và Người đã thưởng 1 huy hiệu.
Cũng trên báo Vùng Mỏ ngày 24/5/1962 có bài viết “Một người mù”, kể về anh Đỗ Tân ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều (nay là phường Đức Chính, TX Đông Triều), dù bị mù hai mắt nhưng vẫn cố gắng học tập. Sau khi đọc bài báo, Bác đề lời khen “Anh Đỗ Tân mù cả 2 mắt vẫn cố gắng học tập và vận động bà con học tập” và đề nghị thưởng huy hiệu cho anh.
Trên báo Vùng Mỏ ngày 28/5/1963 có bài viết “Những cháu ngoan của Bác Hồ”, nói về em Nguyễn Văn Mai, học sinh lớp 4, cứu em bé 6 tuổi khỏi đuối nước; em Nguyễn Thị Mão, học sinh lớp 2, nhà nghèo nhưng nhặt được của rơi, trả người đánh mất. Cả hai em đều học ở Trường phổ thông cấp I xã Tràng An, Đông Triều (Hồng Quảng). Bác Hồ đọc và gạch chân bằng bút đỏ vào tên các em, hành động đẹp của các em và ghi thêm “Thưởng 2 huy hiệu”.
Rồi tấm gương “Cô mậu dịch viên số 23” đăng trên báo Hồng Quảng nói về chị Phạm Thị Minh Tới ở cửa hàng công nghệ phẩm TX Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) được Bác khen: “Cô Phạm Thị Minh Tới bán hàng mậu dịch thật thà, tận tâm, 4 năm liền lao động tiên tiến”, thưởng huy hiệu của Bác.
Bài báo “Hai kỷ lục mới của dũng sĩ chống Mỹ Đào Đình Lâm (mỏ Hà Lầm)” trên báo Quảng Ninh ngày 12/11/1966, Bác Hồ đọc kỹ và khoanh tròn bằng bút đỏ cái tên “Đào Đình Lâm”, “từ 0 mét 70 lên 1 mét 80 một ca”, “dẫn đầu mỏ Hà Lầm”, “dùng sức người thay sức máy”… Dưới bài báo, Bác ghi “Tặng 1 huy hiệu”.
Không chỉ đọc báo Vùng Mỏ, báo Quảng Ninh, Bác Hồ còn đọc, theo dõi tin tức về Quảng Ninh trên nhiều tờ báo khác và Bác đặc biệt chú ý đến những tấm gương người tốt, việc tốt.
Báo Thiếu niên Tiền phong số thứ sáu ngày 4/9/1964 đăng bài “Một thiếu niên của Đất Mỏ anh hùng”, nói về hành động dũng cảm của em Ngô Quốc Chung ở Hòn Gai trong trận 5/8/1964, giữa lúc máy bay Mỹ lao vào đánh phá Hòn Gai, Chung đã không quản nguy hiểm chạy sang Nhà trẻ số 10, cạnh bến cảng Xí nghiệp bến Hòn Gai, cùng các cô giáo đưa các em nhỏ xuống hầm trú ẩn. Bác Hồ đọc bài báo và khoanh tròn bằng mực đỏ vào chữ “Chung”, đồng thời viết lên góc báo mấy chữ “Thưởng 1 huy hiệu”...
Người viết trên báo Nhân Dân về việc thưởng huy hiệu cho đồng chí Voòng Tắc Chắn ở đảo Cô Tô, xã đội trưởng, dân quân tự vệ, chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp. Trên báo Quân đội Nhân dân có bút tích của Người đề nghị thưởng huy hiệu cho hai nữ công nhân tổ sửa chữa hạt đường X thuộc tỉnh Quảng Ninh là chị Thi và chị Chiến đã dũng cảm và xung phong hiến máu để cứu người bị thương. Trên báo Ninh Bình cũng có bút tích của Bác đề nghị thưởng huy hiệu cho cụ Phạm Văn Sành và cụ Phạm Văn Phiền, xã viên Hợp tác xã Ánh Hồng, xã Vĩnh Khê (Đông Triều) bị lòa hai mắt, tuổi cao nhưng vẫn cần cù lao động, tích cực trong sản xuất…
Những gương người tốt, việc tốt được nhận Huy hiệu Bác Hồ thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau: Học tập, chiến đấu, lao động, tiết kiệm, sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, dũng cảm, thật thà… Điểm chung ở họ là đã sống, chiến đấu, làm việc, cống hiến hết mình, không quản ngại khó khăn, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Huy hiệu Bác Hồ, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành kỷ vật thiêng liêng tiếp lửa cho các thế hệ sau về tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.
Hoàng Quý
Liên kết website
Ý kiến ()