Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:39 (GMT +7)
Thuyền và biển - Đá và nước
Chủ nhật, 29/10/2023 | 09:51:12 [GMT +7] A A
Hai cuốn sách ảnh: “Hạ Long - Thuyền và biển” của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đỗ Kha và “Hạ Long - Đá và nước vĩnh cửu” của NSNA Đỗ Giang, đến nay vẫn được coi là những cuốn sách ảnh tiêu biểu nhất, ghi lại hình ảnh Vịnh Hạ Long (VHL) từ những năm 1960 đến nay, được Quảng Ninh chọn làm món quà kỷ niệm ý nghĩa tặng bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Kha là một trong những NSNA đầu tiên của Quảng Ninh. Sinh ra và lớn lên, gắn bó với Hạ Long, chọn Hạ Long là miền sáng tác, Đỗ Kha chụp VHL nghệ thuật và giàu cảm xúc. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi máy ảnh và ảnh phong cảnh vẫn còn chưa phổ biến, ông đã sở hữu gia tài ảnh VHL đồ sộ. Ông được công nhận là “Người chụp ảnh Vịnh Hạ Long đen trắng cổ nhiều nhất Việt Nam”.
Có lẽ bởi tình yêu, sự am hiểu về Hạ Long và sự mực thước, bài bản trong từng bức ảnh chụp VHL, năm 1994 NSNA Đỗ Kha được Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) mời thực hiện bộ ảnh trong hồ sơ trình UNESCO duyệt xét công nhận VHL là Di sản thiên nhiên thế giới. Trải qua những thách thức về thời tiết và khó khăn về điều kiện đi lại, chỉ trong 1 tuần, như ông nói là “lang thang” khắp VHL, từ các đảo đá đến những bến thuyền, cuối cùng ông đã hoàn thành bộ ảnh và chọn được 160 tấm phim dương bản tâm đắc.
Ngày 17/12/1994 tại Thái Lan, khi VHL chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, NSNA Đỗ Kha cũng vỡ òa cảm xúc và tự hào, phần vì những bức ảnh của ông đã góp sức đưa VHL vươn ra thế giới, phần vì những bức ảnh của ông đã được công nhận. Từ dấu mốc quan trọng này, ông càng say mê sáng tác ảnh đen trắng về Hạ Long. Đến nay ông đã xuất bản 6 cuốn sách ảnh về Hạ Long, trong đó “Hạ Long - Thuyền và biển” là cuốn được nhắc đến nhiều nhất và được nhiều du khách tìm mua nhất.
Chia sẻ về “Hạ Long - Thuyền và biển”, NSNA Đỗ Kha viết: “Cuốn sách là tập hợp gần 140 bức ảnh, có những bức được chụp vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều bức đã đi vào lịch sử để nhớ về một Hạ Long truyền thống, những bến thuyền, bến cá xa xưa với những cánh buồm nâu, những vàng lưới treo đẹp như tranh thủy mặc, những cảnh bắt cá cùng đời sống vạn chài trên sóng nước Hạ Long đầy huyền thoại và mộng mơ”.
Bên cạnh đó, người xem còn bị hấp dẫn bởi những lời đề từ là những chú giải đầy thú vị, ăm ắp kỷ niệm, như đang kể cho du khách một câu chuyện Hạ Long xưa, đẹp nao lòng và xốn xang nỗi nhớ. Quả thực, qua cuốn sách, du khách tìm thấy một Hạ Long cổ kính, thanh bình, chộn rộn nhịp sống làng chài. Tựa như từ những bức ảnh ta có thể nghe thấy tiếng hò dô kéo lưới, tiếng gõ thang thuyền, ngửi thấy mùi cơm thơm phức hòa với mùi biển mặn mòi. Cũng có khi ta thấy xôn xao khi ngắm nhìn cảnh Vịnh trong ánh chiều tà, hay bồi hồi ngắm ánh bình minh lấp lánh trên mặt biển. Những bức ảnh đen và trắng cứ ngỡ là đơn điệu, song lại hết sức lãng mạn và sinh động.
Nếu “Hạ Long - Thuyền và biển” của NSNA Đỗ Kha mang tới cảm giác xôn xao hoài niệm về một Hạ Long của những ngày xưa cũ, thì “Hạ Long - Đá và nước vĩnh cửu” của NSNA Đỗ Giang (con trai, người học trò tâm đắc của NSNA Đỗ Kha) lại khiến bất cứ ai khi chiêm ngưỡng cũng phải thốt lên trước sự kỳ vĩ, hoành tráng của VHL.
Cuốn sách tập hợp những tác phẩm tâm đắc trong giai đoạn sáng tác sung sức nhất của anh. Những bức ảnh như đưa người xem khám phá một VHL nguyên sơ, rất riêng tư và khác lạ, tựa như ở một hành tinh khác. Hơn 130 bức ảnh ghi lại vẻ đẹp của VHL trong 4 mùa, vào nhiều thời điểm trong ngày, từ bình minh đến hoàng hôn, là hành trình kiếm tìm những góc máy sáng tạo và có phần liều lĩnh của nghệ sĩ. Hạ Long qua ảnh của NSNA Đỗ Giang khác lạ với cả những người đã từng đặt chân đến nơi đây.
Anh không chụp những cảnh điểm quen thuộc ở các tuyến tham quan cố định. Anh chọn đi sâu vào lòng Vịnh, khám phá những đảo đá còn hoang sơ và leo lên những đỉnh cao để thu vào trong ống kính muôn trùng trời nước. Hạ Long mà anh mang đến người xem ngợp là đá, nước, mây trời, vần vũ sóng và gió, là cảm giác chỉ có ta và Hạ Long, tĩnh lặng như đi vào cõi thiền.
NSNA Đỗ Giang chụp ảnh VHL như một nhà leo núi vì anh chụp từ trên cao. Anh nói, chỉ có từ góc nhìn ấy mới khoe được vẻ đẹp “hoành tráng” và kỳ vĩ của VHL. Để chụp từ trên xuống, anh đã phải leo bằng tay không lên những ngọn núi cao, chọn đứng trên những mỏm đá chênh vênh. Anh chia sẻ đã từng ngã tưởng như sụn xương sống và hỏng nhiều máy ảnh, có những lần bị mắc cạn phải ở lại qua đêm trên đảo chờ thủy triều lên… Đổi lại, anh chộp được những khoảnh khắc hiếm có, những bức ảnh mà không ai có được.
Giờ đây, khi VHL đã vang danh toàn cầu thì những cuốn sách ảnh của 2 cha con nghệ sĩ vẫn được Quảng Ninh trân trọng gửi tặng những vị khách quý, bạn bè, du khách bốn phương, trở thành món quà lưu niệm, gợi nhắc mỗi du khách về vẻ đẹp của VHL, lặng thầm lan tỏa hình ảnh Di sản tới khắp 5 châu.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()