Giờ đây, trong những câu chuyện ở mỗi vùng quê của Quảng Ninh không còn nhắc nhiều đến cái nghèo, mà thay vào đó là những cuộc bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm mở rộng phát triển các mô hình kinh tế mang lại giá trị kinh tế nhất. Từ những câu chuyện ấy, nhiều mô hình phát triển sản xuất, vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung quy mô lớn đã xuất hiện, tạo sự đổi thay của những bản, làng ngày càng khang trang, giàu đẹp với những ngôi nhà mái ngói, nhà tầng đầy đủ tiện nghi, thể hiện cuộc sống ấm no. Có được kết quả đó là nhờ những nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân và sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Bài 1: Những bản làng không còn khó
Cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hoàn thành chương trình 135 trước 1 năm so với quyết tâm đề ra. Cùng với đó, hàng nghìn hộ đã thoát nghèo bền vững. Với kết quả này, nhiều thôn, bản vùng khó trước kia nay tiếp tục vững tin cho hành trình mới, tiến lên xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Năm 2018, 44 lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên được gửi lên UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. Người dân và chính quyền xã gọi đó là "những lá đơn của lòng tự trọng".
Chị Vi Thị Sơn (thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) nhớ lại: Năm 2018, vợ chồng tôi bàn nhau viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tôi lên xã nộp đơn với quyết tâm tìm cách làm ăn cho khấm khá chứ không muốn ngồi chờ gạo cứu đói. Đến nay, dù kinh tế chưa thực sự khá giả nhưng đã không còn khó khăn như trước kia. Sức khỏe có, nhà cửa cũng đã kiên cố, đất rừng cũng có để gia đình trồng keo, chăn nuôi. Vợ chồng tôi vẫn bảo nhau phải vươn lên bằng chính sức lực của mình”.
Năm đó, toàn huyện Ba Chẽ có 104 hộ nghèo ở xã, thị trấn tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, tiếp đó phong trào này đã tạo sức lan toả rộng khắp trong toàn tỉnh. Lần lượt, hàng trăm hộ dân huyện Đầm Hà, huyện Tiên Yên tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Năm 2019, huyện Bình Liêu - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh - cũng có 100 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Mô hình nuôi bò sinh sản dưới sự hỗ trợ con giống của Hội Nông dân tỉnh đã giúp người dân thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu giảm nghèo. |
Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Phong trào viết đơn thoát nghèo thực sự có tác động lớn đến công cuộc giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ giảm nghèo của huyện giảm nhanh, đến nay chỉ còn 0,1%. Chính quyền đánh giá rất cao nhận thức của những hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng và xã hội, bây giờ họ đã thấy được tự bản thân cần vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống của chính gia đình mình. Việc này phải chính bản thân họ làm chứ không phải ai khác.
Bà Chíu Tài Múi (xã Quảng Lâm, huyện Hải Hà) phấn khởi, cho biết: "Bây giờ gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế dần dần ổn định nhờ sự hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật và vốn vay từ Nhà nước. Sắp tới, tôi tiếp tục vay vốn mở rộng chăn nuôi bò, gà và trồng cây ăn quả để phấn đấu trở thành hộ khá giả".
Những lá đơn xin thoát nghèo của người dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. |
Cũng chung niềm vui như bà Múi, trong ngôi nhà mới kiên cố với đầy đủ thiết bị hiện đại, bà Lục Thị Nàng (xã Lục Hồn, Bình Liêu) chia sẻ: "Chiếc máy giặt này 8 triệu tôi mua đầu năm nay, có máy giặt không phải giặt tay, mùa đông không phải lạnh, sướng lắm. Mấy năm nay, quế hồi được giá, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây được nhà mới, có vệ sinh tự hoại, có bình nóng lạnh, mua được tủ lạnh, bếp ga. Cuộc sống nay đã khác xưa nhiều. Tôi vui lắm!"
Gia đình thay đổi, thôn, xã cũng thay đổi. Nhiều thôn, bản từng nằm trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo cao nay cũng đã khoác lên mình màu áo mới, rạng rỡ, tươi sáng hơn. Tiêu biểu như Hà Lâu – một xã vùng cao của huyện Tiên Yên vốn được coi là “rốn nghèo” của địa phương với tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 lên đến 34%. Thế nhưng, chỉ sau 4 năm, xã không chỉ thoát khỏi diện 135 mà còn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới với mức thu nhập bình quân của người dân tại thời điểm năm 2019 là gần 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,29%.
Hay như xã Húc Động, huyện Bình Liêu, cũng hoàn thành “mục tiêu kép” khi vừa về đích chương trình 135 và xây dựng xã nông thôn mới trong năm 2019. Sau hai năm về đích, xã bắt tay vào mục tiêu mới là hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, rồi tiến đến xây dựng nông thôn kiểu mẫu cùng quyết tâm từng bước cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Người dân xã Húc Động, huyện Bình Liêu phơi miến dong - Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV) |
Còn tại Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, dù còn đó những khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng lòng vượt khó của người dân, sau 2 năm thoát khỏi diện 135, xã cũng đang phấn đấu để về đích nông thôn mới. Diện mạo nông thôn miền núi tại địa phương này cũng ngày càng thay da đổi thịt. Từ những lá đơn thoát nghèo năm nào, đến nay trên địa bàn xã xuất hiện nhiều dự án phát triển sản xuất do người dân làm chủ. Tiêu biểu như: Dự án trồng cây gỗ lớn keo Úc, dổi hạt, cây trà hoa vàng, cây cát sâm, cây ba kích, cây quế… với tổng diện tích vùng trồng lên đến gần 40 nghìn héc ta. Đặc biệt hơn, 2 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thu nhập của người dân xã Đồn Đạc vẫn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Từ đầu năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn xã khai thác khoảng 70ha quế với giá trị 250 - 300 triệu/ha; khai thác trên 400ha keo với giá trung bình 60triệu/ha...
Xã Hà Lâu - Vùng khó của huyện Tiên Yên đang từng ngày khoác lên mình màu áo mới, tươi sáng hơn nhờ những giải pháp giảm nghèo hiệu quả. |
Câu chuyện vượt khó của các xã, thôn, bản đã góp phần mang đến cho Quảng Ninh những thành tích giảm nghèo đáng tự hào. Tính đến cuối năm 2019, Quảng Ninh không còn xã, thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn; đời sống người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã có những biến chuyển tích cực với điều kiện thụ hưởng văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng lên. 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt xấp xỉ 100%. Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hết năm 2021 còn 0,14%.
Trên hành trình giảm nghèo, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của người dân vùng khó, còn có sự chung tay, đồng lòng và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tất cả vì mục tiêu “không để ai phải bỏ lại phía sau”.
Thực hiện: Hùng Sơn
Ý kiến ()