Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:21 (GMT +7)
Những 2K3 đạt điểm 10 môn Lịch sử
Thứ 6, 03/09/2021 | 15:26:58 [GMT +7] A A
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021, tỉnh Quảng Ninh có 11 thí sinh đạt điểm tuyệt đối (điểm 10) môn Lịch sử. Cùng chung niềm đam mê, sự yêu thích, nỗ lực và bằng các phương pháp học đúng đắn, những học sinh này đã cho thấy môn sử không hề khô khan, khó học như đa số mọi người vẫn nghĩ.
"Bí kíp" đạt điểm 10
Ngày 26/7/2021, điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT chính thức công bố trên toàn quốc cũng là ngày mà Đỗ Lê Huy, học sinh lớp 12C, Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long) vui hơn bao giờ hết khi biết mình đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử, môn học mà Huy yêu thích, kỳ vọng nhất.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Đỗ Lê Huy là một cậu học trò cao ráo, điển trai, nhanh nhẹn, trí nhớ rất tốt. Trò chuyện với chúng tôi, Huy cho biết, tình yêu với môn Lịch sử được em vun đắp từ khi học lớp 8, Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long) trong đội tuyển môn sử của nhà trường. Với điềm đam mê của mình, cả hai năm lớp 8, lớp 9, Huy đều giành giải ba tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố môn Lịch sử.
Đỗ Lê Huy chia sẻ: "Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, em thi trượt vào Trường THPT Chuyên Hạ Long, vì năm đó Sử, Địa gộp thành 1 lớp nên tỷ lệ "chọi" cao hơn. Vừa không đỗ trường chuyên, vừa thiếu điểm vào THPT Hòn Gai, khi ấy em đã rất buồn. Cả lớp trọng điểm (Trường THCS Trọng Điểm) của em, chỉ có em và 1-2 bạn nữa không đỗ trường công lập. Tuy nhiên, được sự động viên của bố mẹ, em đã nộp đơn vào Trường TH-THCS-THPT Văn Lang, một trường tư thục chất lượng cũng khá tốt tại TP Hạ Long. Em quyết tâm, dù học trong môi trường nào cũng phải đạt thành tích tốt nhất, học tập nỗ lực nhất".
Trong quá trình học ở Trường TH-THCS-THPT Văn Lang, với thành tích vượt trội, toàn diện, Huy luôn là một tấm gương sáng để bạn bè noi theo, thầy cô yêu mến, tự hào. Riêng với môn Lịch sử, Huy dành thời gian tự học là chính. Thời gian rảnh, Huy lên mạng tham khảo đề mẫu và xem các bài giảng online của các thầy, cô giáo dạy môn Lịch sử. Năm lớp 11, Huy giành giải ba kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Đến lớp 12, Huy giành giải nhì tại kỳ thi này. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021, Huy đạt tổng điểm 28,25 khối C (10 điểm môn Lịch sử, 9,57 điểm môn Địa lý, 8,5 điểm môn Văn). Tự tin vào năng lực của mình, Huy quyết định chọn nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Luật Hà Nội.
Cô giáo Lan Thị Thanh Hường, giáo viên dạy môn Lịch sử, chủ nhiệm Lớp 12C của Huy, đánh giá: "Tôi không bất ngờ về thành tích của Huy vì ở trên lớp em rất xuất sắc, em nhớ rất nhanh, rất chắc các sự kiện lịch sử. Tôi rất tự hào về em. Tôi tin rằng em sẽ còn tiến xa hơn, phát triển hơn trên con đường học tập sắp tới".
Để có được thành tích như hôm nay, Huy luôn nhận được sự quan tâm của bố mẹ. Chị Lê Thị Anh Xuân, mẹ của Huy cho biết: "Tôi có 2 cháu. Huy là con lớn. Đứa bé nhà tôi bị tự kỷ nên tôi rất vất vả. Biết mẹ không có thời gian, không có điều kiện kinh tế, Huy không đi học thêm, mà chủ yếu tự học ở nhà. Tuy nhiên, những lúc rảnh, tôi luôn trò chuyện cùng con để xem con đang vướng mắc ở đâu, cần trao đổi hay mong muốn gì".
Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021, tỉnh Quảng Ninh có 11 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử, là: Đỗ Lê Huy (Trường TH-THCS-THPT Văn Lang, TP Hạ Long); Hồ Mỹ Hạnh, Lê Yến Nhi, Mạc Hồng Nhung (Trường THPT Chuyên Hạ Long, TP Hạ Long); Phạm Thị Quỳnh Anh, Phạm Thu Kiều Anh (Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long); Chu Thanh Hương (Trường THPT Đông Thành, TX Quảng Yên); Trần Nguyễn Huyền Nhi (Trường THPT Cô Tô, huyện Cô Tô); Nguyễn Yến Nhi, Nguyễn Thế Trọng (Trường THPT Uông Bí, TP Uông Bí); Nguyễn Trung Đức (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TX Đông Triều).
Trong đó Lê Yến Nhi, học sinh Lớp 12 Chuyên Sử Địa, Trường THPT Chuyên Hạ Long, là thí sinh duy nhất của tỉnh xuất sắc giành được 3 điểm 10 ở các môn Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ. Yến Nhi chia sẻ: "Em tự học là chính. Ở trên lớp, em không ngại hỏi bạn, thầy cô về những phần kiến thức còn thiếu sót để củng cố thêm tri thức cho bản thân. Riêng với môn Lịch sử, theo em việc học thuộc là điều cần thiết, nhưng không nên học vẹt từng câu từng chữ, mà quan trọng là học hiểu, học nhớ. Khi làm bài thi, cần phải đọc kỹ câu hỏi của đề bài, không được nhanh ẩu, nếu không rất dễ mất điểm đáng tiếc".
Yến Nhi kể, trong khoảng thời gian ôn thi, Nhi không học ngày học đêm, học quá khuya, mà chỉ học khoảng thời gian bản thân minh mẫn, tỉnh táo nhất. Ngay từ cấp THCS, Nhi đã bộc lộ niềm đam mê môn Tiếng Anh và các bộ môn xã hội. Nhi luôn chủ động tìm hiểu kiến thức mọi lúc, mọi nơi và nỗ lực tự học, rèn luyện. Để đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021, bí quyết của Nhi là nắm thật vững kiến thức trong sách giáo khoa, dành nhiều thời gian cho việc luyện giải đề ở các môn thi, chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe cho kỳ thi.
Cô giáo Nguyễn Thị La, giáo viên chủ nhiệm Lớp chuyên Sử - Địa, khóa 2018-2021, Trường THPT Chuyên Hạ Long, chia sẻ: "Hôm Bộ GD&ĐT công bố điểm thi thì phụ huynh, giáo viên và học sinh gần như thức cả đêm hồi hộp, chờ đợi. Học trò lần lượt nhắn tin, rất nhiều em điểm cao, trong đó Yến Nhi có 3 điểm 10, tôi đã vỡ òa trong hạnh phúc. Điều này là kết quả của nỗ lực suốt 12 năm học qua, tôi tin Yến Nhi sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa thời gian tới".
Trần Nguyễn Huyền Nhi (Trường THPT Cô Tô, huyện Cô Tô) cũng tạo ấn tượng mạnh mẽ, không chỉ là một học trò xuất sắc, mà còn là đảng viên trẻ, được kết nạp Đảng khi đang học lớp 12 (tháng 5/2021). Huyền Nhi là một hạt nhân xuất sắc trong học tập cũng như mọi hoạt động phong trào đoàn thanh niên, mang đến niềm tin và khát vọng cho thế hệ học sinh huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Huyền Nhi sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Cô Tô, trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là nhà giáo. Vì vậy, ngay từ nhỏ Huyền Nhi đã được bố mẹ dạy rất nền nếp. Nhìn bảng thành tích học tập của Huyền Nhi, bạn bè ai nấy đều nể phục vì 12 năm liền em là học sinh giỏi; đoạt giải ba toàn quốc cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học với đề tài: “Học sinh Cô Tô góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển tại huyện đảo Cô Tô”; giải nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử.
Huyền Nhi chia sẻ: "Em rất vui vì mình đạt điểm 10 môn Lịch sử. Ước mơ lớn nhất của em là được trở thành một cô giáo, nên em lựa chọn nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi học xong em muốn được trở về giảng dạy tại huyện đảo quê hương".
Thầy giáo Nguyễn Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường THPT Cô Tô, tự hào, phấn khởi, cho biết: "Huyền Nhi học giỏi đều tất cả các môn học. Em là học sinh đầu tiên của Trường đạt được điểm 10 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đây là niềm tự hào của thầy và trò Trường THPT Cô Tô".
Sinh động hóa cách dạy và học môn Lịch sử
Kết quả đáng tự hào với môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay phần nào khẳng định được chất lượng ngày càng đi lên của bộ môn này trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, với sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhiều học sinh Quảng Ninh đã yêu thích môn sử hơn, một môn học vốn được cho là khó nhớ, đòi hỏi học thuộc lòng quá nhiều. Tại nhiều trường học trong tỉnh đã, đang áp dụng đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử theo hướng tích cực ứng dụng CNTT hay "website hỗ trợ dạy học địa lý - lịch sử địa phương" vào giảng dạy, nhằm giúp học sinh hiểu hơn, từ đó mà yêu hơn môn học này.
Thầy giáo Hoàng Kim Phương, giảng dạy bộ môn Văn Sử, Trường THCS Mạo Khê 2 (TX Đông Triều), cho hay: Lịch sử thường được coi là một môn học khô khan, nhưng hiện nay không còn đúng trong các tiết lịch sử của nhà trường. Tiết học sử của nhà trường được giảng dạy dưới nhiều phương pháp và hình thức khác nhau, kết hợp cùng các thiết bị thông minh, giúp giáo viên hạn chế phần thuyết giảng, học sinh thì có thêm thời gian thảo luận. Nếu trước đây, những bài giảng về lịch sử, học sinh phải mường tượng trong đầu các sự kiện, nhân vật mà thầy, cô thuyết giảng; thì nay, việc học trên bài giảng điện tử hiệu quả hơn nhiều. Học sinh được trực quan sinh động với những sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể, giúp kích thích quá trình tư duy của học sinh. Từ đó, nội dung kiến thức lịch sử được thu thập đủ hơn, in sâu hơn vào trong trí nhớ của các em.
Nhiều trường học ở các địa phương, như TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TX Đông Triều, TX Quảng Yên… chú trọng hơn đến hoạt động trải nghiệm thực tế môn Lịch sử của học sinh. Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, cho biết: Khác với việc chỉ ngồi học thụ động trong lớp, học sinh khi được tham gia trải nghiệm sẽ trực tiếp được nhìn, nghe, cảm nhận thực tế các địa danh, di tích lịch sử, sự kiện lịch sử, giúp các em chăm chú quan sát, lắng nghe, đặt câu hỏi, tìm hiểu, từ đó thêm yêu lịch sử, yêu quê hương, đất nước.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, chất lượng giảng dạy hay kết quả điểm thi môn Lịch sử nói riêng đã góp vào thành tích chung của Quảng Ninh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay. Cụ thể, tại Kỳ thi này, xếp hạng điểm trung bình, Quảng Ninh xếp thứ 36/63 tỉnh, thành (năm 2020 Quảng Ninh xếp thứ 50; năm 2019 xếp thứ 52). Đáng chú ý, so với năm 2020, các thông số thống kê phổ điểm thi năm nay của tỉnh tiệm cận hơn với thống kê tương ứng của cả nước. Phổ điểm các môn thi của năm 2021 của tỉnh cơ bản cao hơn năm 2020; chất lượng điểm bài thi được cải thiện so với các năm trước.
Đặc biệt, năm nay tỉnh có 5/9 môn thi (Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh) có tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi cao hơn cả nước. Các môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), tỉnh có độ lệch ở khoảng điểm giỏi so với cả nước từ 1-2%. Chỉ có môn Toán, tỷ lệ điểm giỏi của cả nước cao hơn của tỉnh 5,4%.
Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Phân tích phổ điểm của từng trường THPT, từng cơ sở GDTX cho thấy, kết quả điểm thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học của các cơ sở giáo dục. Những địa phương, vùng miền, đơn vị có truyền thống học tập, điều kiện dạy học tốt thì kết quả thi cao hơn. Các địa phương, vùng miền, đơn vị có điều kiện khó khăn hơn thì kết quả học tập thể hiện qua kết quả điểm thi cũng thấp hơn.
Năm nay, Sở GD&ĐT tiếp tục đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ lớp 12 của thí sinh, cho thấy vẫn có sự chênh lệch. Tuy nhiên, so với năm 2020, sự chênh lệch giữa kết quả điểm thi và điểm học bạ đã được thu hẹp. Ở một số môn học của một số nhà trường, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp. Điều này cho thấy, công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học đã có những điều chỉnh phù hợp.
Với sự đổi mới trong dạy và học, tin tưởng những năm học tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục gặt hái nhiều "trái ngọt" tại các cuộc thi, kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia và vươn xa hơn ở tầm quốc tế. Học sinh Vùng mỏ cũng sẽ tự tin hơn trong chặng đường học tập, thi cử. Trong đó, môn Lịch sử tiếp tục được quan tâm, đổi mới, để nâng cao chất lượng hơn nữa, giúp cho mỗi học sinh thêm yêu lịch sử, tự hào với truyền thống, sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()