Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:38 (GMT +7)
Nhức nhối tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp
Thứ 5, 18/05/2023 | 08:03:51 [GMT +7] A A
Hành lang an toàn lưới điện được xem là khoảng cách an toàn để bảo vệ công trình lưới điện và công trình dân dụng cũng như tính mạng của người dân. Mặc dù đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, song hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân chính là do nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân và sự thiếu vào cuộc của chính quyền địa phương.
Tính đến thời điểm này, tổng số đường dây 110kV trên địa bàn tỉnh là gần 870km (nhiều nhất so với Điện lực các tỉnh, thành phố trong nước). Do đặc thù về địa hình nên phần lớn đường dây 110kV đi qua các khu vực đồi núi, khai trường khai thác than, sông suối và được xây dựng từ trước những năm 1990. Để vận hành dòng điện an toàn, liên tục, công tác đảm bảo hành lang lưới điện luôn được Đội quản lý lưới điện cao thế Quảng Ninh (Công ty Điện lực Quảng Ninh) xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Hằng tuần, Đội đã đăng ký kế hoạch làm việc với các chủ rừng, các chủ hộ có công trình, cây trồng ở gần hành lang lưới điện, có cây cao ngoài hành lang, có kèm cam kết với các chủ rừng có đường dây cao áp đi qua để đảm bảo an toàn trong quản lý vận hành. Đồng thời tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các phòng ban chuyên môn công ty, lập biên bản vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; thường xuyên kiểm tra, phúc tra công tác kiểm tra định kỳ ngày, đêm của tổ quản lý vận hành đường dây 110kV, để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh công tác quản lý vận hành, không để phát sinh các điểm vi phạm hành lang mà không được phát hiện xử lý; tổ chức thống kê rà soát các đường dân sinh, lối mở, các vị trí có hồ câu cá, các công trình dự án thi công san lấp mặt bằng có nguy cơ vi phạm hành lang lưới điện… kịp thời đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa đe dọa sự cố và tai nạn về điện. Đối với các điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, Đội cũng đã tiến hành thông báo tới chính quyền địa phương, chủ sở hữu công trình vi phạm, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn các chủ hộ trồng rừng liên hệ với đơn vị quản lý vận hành khi khai thác cây gần hành lang lưới điện đảm bảo an toàn…
Hằng năm, UBND tỉnh cũng liên tục có các văn bản chỉ đạo các địa phương phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện tuyên truyền vận động người dân chủ động bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp…
Ghi nhận thực tế cho thấy, công tác phối hợp của các địa phương với đơn vị vận hành quản lý lưới điện cao áp vẫn chưa được triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh và gần như phó mặc công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm cho ngành Điện. Điều này đã dẫn đến các vụ vi phạm hành lang lưới điện cao áp thường xuyên xảy ra và không được giải quyết triệt để.
Theo thống kê của Đội quản lý lưới điện cao thế Quảng Ninh, từ năm 2022 đến nay, qua kiểm tra rà soát đơn vị đã phát hiện 74 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Trong đó, nguyên nhân phần lớn là do người dân trồng các loại cây gần khu vực hành lang lưới điện. Mặc dù đơn vị đã liên tục vận động người dân chặt tỉa ngọn cây nhưng nhiều người dân không đồng thuận và yêu cầu đền bù 100.000-200.000 đồng/ngọn cây, thậm chí có người dân còn yêu cầu đền bù bằng đất. Trước thực trạng này, Đội cao thế bắt buộc phải tiến hành giải pháp tình thế là nâng cao độ võng của dây. Đến nay, đơn vị đã khắc phục được 60 điểm vi phạm và hiện vẫn còn tồn tại 14 điểm vi phạm với trên 500 cây có nguy cơ cao ảnh hưởng đến lưới điện.
Điển hình như trường hợp gia đình ông Vũ Đức Hòa (tổ 20, khu 3, phường Hà Khánh, TP Hạ Long), khu vực đầu trạm biến áp 110kV Giáp Khẩu. Hiện trong khu vực đất vườn nhà ông Hòa có nhiều cây trồng lâu năm mọc cao, tán cây xòe rộng, chỉ cách đường dây 3m (khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn lưới điện 110kV), có nguy cơ phóng điện cao, rất nguy hiểm cho tính mạng con người. Đội quản lý lưới điện cao thế Quảng Ninh đã thường xuyên cử đội công tác vào giải thích, vận động nhưng gia đình ông Hòa không hợp tác, yêu cầu đền bù 120 triệu đồng cho việc chặt cây và thậm chí còn cản trở, không cho phép đơn vị vào kiểm tra đường dây, không cho cắm biển cảnh báo. Do đó đơn vị đã phải dùng xe nâng để tiếp cận khu vực đường dây. Hay như tại thôn Tha Cát (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả), hiện có khoảng 7-8 hộ không cho phép chặt cây khi các cây này gần như chạm đến giới hạn cho phép về khoảng cách an toàn lưới điện.
Ngoài các vụ vi phạm hành lang lưới điện 110kV thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều vụ vi phạm hành lang lưới điện 35kV, 22kV. Qua thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh, từ năm 2022 đến nay đã xảy ra 22 sự cố trên lưới điện cao áp, trong đó đã có những vụ tai nạn điện trong dân.
Đáng buồn là trong đó có 3 vụ gây chết người ở huyện Tiên Yên, TP Uông Bí và TP Hạ Long. Các vụ tai nạn điện xảy ra do vi phạm hành lang an toàn lưới điện bao gồm một số nguyên nhân chính như: Thi công xây dựng công trình; chặt cây đổ vào; thả diều; trộm cưa cáp ngầm...
Ông Vũ Quang Khải, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Quảng Ninh, cho biết: Chúng tôi rất lo lắng bởi mùa mưa bão đang tới gần, gió lốc sẽ khiến các cây có nguy cơ gãy đổ vào lưới điện cao áp, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Khi xảy ra sự cố thì toàn tỉnh sẽ gây mất điện trên diện rộng và việc khắc phục sự cố cũng rất phức tạp. Do đó, chúng tôi mong muốn có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị địa phương đối với các hộ dân cố tình vi phạm thì mới có thể ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, đảm bảo dòng điện thông suốt phục vụ cho mọi nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/2/2015 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì lưới điện cao áp có điện áp danh định từ 6kV trở lên. Nghị định nêu rõ, hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được thiết lập bởi chiều dài, chiều rộng và chiều cao của hành lang. Trong đó, chiều dài hành lang đường dây dẫn điện trên không được tính từ vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm biến áp này đến vị trí đường dây ra khỏi ranh giới bảo vệ của trạm kế tiếp.
Chiều rộng hành lang đường dây dẫn điện trên không được giới hạn bởi hai mặt phẳng thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh với cấp điện áp đến 22kV dây bọc là 1m, dây trần là 2m; cấp điện áp 35kV dây bọc là 1,5m, dây trần là 3m; cấp điện áp 110kV dây trần là 4m; cấp điện áp 220kV dây trần là 6m và cấp điện áp 500kV dây trần là 7m.
Chiều cao hành lang đường dây dẫn điện trên không được tính từ đáy móng cột đến điểm cao nhất của công trình cộng thêm khoảng cách an toàn theo chiều thẳng đứng với cấp điện áp đến 35kV là 2m, cấp điện áp 110kV là 3m, cấp điện áp 220kV là 4m và cấp điện áp 500kV là 6m.
|
Hoàng Nga
- Báo động tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện 35kV tại TP Cẩm Phả
- PC Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp
- Bàn phương án vận hành lưới điện với các đơn vị có trạm biến áp 110kV chuyên dùng
- Cần cẩu vướng lưới điện hạ thế, 1 người chết, 1 người bị thương
- Đảm bảo an toàn hồ đập, đê kè, lưới điện trong mùa mưa bão
Liên kết website
Ý kiến ()