Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:46 (GMT +7)
Như hoa hướng dương
Thứ 2, 15/04/2024 | 07:43:16 [GMT +7] A A
Không may mắn như mọi người, song nhiều người khuyết tật vẫn tràn đầy nghị lực, ý chí vươn lên, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Họ như những bông hoa hướng dương vươn tới mặt trời, tỏa sáng rực rỡ, làm đẹp cho đời.
Làm giàu bằng đôi bàn tay
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Lê Văn Khoa (SN 1979, thôn Lạc Cát, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) vào một ngày trời đang chuyển dần sang hè, nắng oi bức. Nhìn căn nhà khang trang, kiên cố, ít ai nghĩ rằng chủ nhân của nó là người khuyết tật, từng là hộ nghèo của xã. Vượt lên nghịch cảnh, nỗ lực từ đôi bàn tay, anh Khoa đã trở thành tấm gương sáng về làm giàu của xã. Sống tích cực, tinh thần lạc quan, ý chí không đầu hàng số phận là điều dễ nhận thấy khi trò chuyện với anh.
Anh Khoa chia sẻ: "Cuộc đời tôi là chuỗi những thử thách của ông trời. Bố mất khi tôi mới chập chững biết đi. Người ta nói “giàu hai con mắt”, nhưng từ lúc chào đời đến nay tôi nhìn mọi thứ chỉ lờ mờ, đủ để phân biệt được giữa ngày và đêm. Vượt qua mặc cảm, được người quen làm mối, tôi đã làm quen và cưới được một cô gái tốt, biết đồng cảm, chia sẻ làm vợ sau vài tháng tìm hiểu".
Ngừng lại trong giây lát, anh nói tiếp: "Tôi những tưởng cuộc sống của tôi sẽ yên ấm, hạnh phúc khi năm 2001 vợ tôi sinh 1 bé trai kháu khỉnh. Không may con trai của tôi cũng bị khiếm thị đặc biệt nặng giống bố. Trong những lúc khó khăn, vợ tôi luôn đồng hành, động viên, cùng tôi vượt qua. Vì tương lai của các con đầy đủ, hạnh phúc, yên bình, chúng tôi quyết không lùi bước, cố gắng, chiến đấu với nghịch cảnh".
Đôi mắt bị khuyết tật, nhưng ý chí vượt khó của anh Khoa rất mạnh mẽ. Năm 2022 anh mạnh dạn vay 60 triệu đồng từ Hội Người mù tỉnh để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Với diện tích gần 2ha, gia đình anh nuôi con lợn, gà, trâu, trồng cây keo, ngô, khoai. Mỗi năm mô hình này mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Ông Điệp Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, cho biết: Gia đình anh Khoa có hoàn cảnh éo le với 2 người khiếm thị và mẹ già. Thế nhưng anh luôn nỗ lực vượt lên số phận, phát triển kinh tế, làm giàu. Anh còn thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ và tham gia các hoạt động của thôn, xã. Anh Khoa là tấm gương tiêu biểu của xã.
"Những năm qua, sự cố gắng của tôi không chỉ mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy và hạnh phúc cho gia đình, mà còn được nhiều người công nhận. Vì thế tôi thấy rất vui, phấn khởi. Hy vọng sẽ có nhiều người nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của bản thân” - Anh Khoa chia sẻ.
Truyền cảm hứng về nghị lực
Mang ngọn lửa nhiệt huyết và tinh thần của thế hệ gen Z, những người khuyết tật không chỉ nỗ lực vượt lên số phận, mà còn đang lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ.
Căn bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố, đục thủy tinh thể cùng các chứng loạn thị, cận thị… đã có lúc khiến cho con đường học tập của Đặng Thị Hồng Thắng (SN 2002, khu 4, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên) phải dừng lại. Thế nhưng không đầu hàng số phận, cô bé ấy giờ đây đã trở thành sinh viên năm thứ nhất Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bà Đặng Thị May, mẹ của Thắng, chia sẻ: “Tôi là mẹ đơn thân. Con là niềm vui lớn lao nhất cuộc đời tôi. Tôi đặt tên con là Thắng với mong ước con sẽ chiến thắng số phận, khỏe mạnh, bình thường. Nhưng không may, do di truyền, con bị khuyết tật mắt. Thế nhưng ngay từ nhỏ, con bé đã rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện và ham học. Năm lớp 10 con không thể tiếp tục đi học với các bạn do mắt mờ, không còn nhìn rõ. Thế nhưng con vẫn tha thiết xin mẹ cho đi học tiếp ở trường chuyên biệt. Nhờ sự chắp nối, giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương và tổ chức, ước mơ học tập của con tôi lại được tiếp tục".
Vượt lên số phận, nghị lực vượt khó, cùng tình yêu thương dành cho mẹ, trong 3 năm học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (TP Hà Nội), Thắng đạt học lực khá, giỏi. Với sở trường là các môn xã hội như văn, sử, Thắng đã hoàn thành ước mơ trở thành sinh viên ngành Tâm lý học.
Thắng chia sẻ: "Được sinh ra đời dù khiếm khuyết hay lành lặn đó cũng là hạnh phúc. Em luôn cảm ơn mẹ vì đã cho em cuộc sống hôm nay. Việc kiếm tiền với người bình thường đã khó khăn, với người khiếm thị càng vất vả bội phần. Để có tiền nuôi em, mẹ em phải làm đủ nghề, như đan lát, xoa bóp, bấm huyệt… Muốn vươn lên để thay đổi số phận, vừa báo đáp công ơn của mẹ, em sẽ nỗ lực học tập hơn nữa để trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý. Đồng thời chia sẻ với người cùng cảnh ngộ, gặp khó khăn trong cuộc sống lấy lại sự cân bằng về cảm xúc, lấy lại niềm vui, tìm thấy lạc quan trong cuộc sống".
Câu chuyện của Phạm Tuấn Hưng (SN 2002, thôn 6, xã Hải Tiến, TP Móng Cái) lại khác. Bị mẹ đẻ bỏ rơi khi vừa lọt lòng, Hưng được chị Mai Thị Thư nhận nuôi. Tai họa ập đến khi Hưng lên 2 tuổi, không may trượt chân vào lồng gấu, đôi chân của em từ đó mất đi vĩnh viễn do bị gấu cắn. Những lần phẫu thuật liên tiếp, hy vọng lắp chân giả không thành khi thể lực của Hưng không thể nâng đỡ được đôi chân giả.
Thử thách số phận lại đến khi vài năm sau tai nạn, chị Thư ly dị chồng, một mình nuôi đứa con khiếm khuyết không phải do mình dứt ruột sinh ra. Nhưng cuộc đời công bằng với chị Thư bởi Hưng thông minh, sáng dạ và thương mẹ. Trên đôi chân không còn lành lặn là khối nghị lực phi thường, giúp Hưng vượt qua khó khăn.
Hưng chia sẻ: "Cuộc sống này mang lại cho em nhiều thử thách. Thế nhưng em nhận được sự yêu thương vô bờ bến của mẹ Thư. Mẹ không chỉ là người nuôi dưỡng, mà còn là người sinh ra em lần thứ 2. Trong thời gian đi học cấp 1, 2, mẹ là người đưa em đến trường, cõng em lên lớp, đón về hằng ngày. Đó là nguồn động viên rất lớn để em "bước" tiếp trên đôi tay của mình".
Hưng nhớ lại những ngày còn bé, những chiều theo chúng bạn đi đá bóng ở sân bê tông gần nhà, biết bao lần bầm tím, rồi trốn nhà đi tập bơi sông, phát hiện ra mình nhẹ hơn, nên dễ nổi hơn các bạn. Những khi ấy đã dần đã hình thành trong Hưng niềm đam mê với thể thao. Hưng vẫn lăn lộn trên sân cỏ, ngày ngày vun vén đam mê chơi bóng và khát khao khẳng định bản thân với bộ môn bơi lội. Hưng hiện là VĐV thuộc Đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam, tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, thường xuyên di chuyển giữa hai nơi Quảng Ninh - Đà Nẵng. Tại Asian Para Games 2023, lần đầu tiên Hưng đại diện cho nước nhà tham gia thi đấu.
Hưng còn là một nhân vật truyền cảm hứng trên các nền tảng mạng xã hội, là quán quân lĩnh vực Sport Master của Master 2022 by Tiktok. Các clip "chàng trai không chân" chơi bóng đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Thông qua mạng xã hội, Hưng không chỉ thường xuyên chia sẻ những điều tốt đẹp về quê hương Quảng Ninh trên trang cá nhân của mình, mà còn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, tình yêu với bóng đá và cả những nỗ lực vượt lên số phận của mình.
Bên cạnh tình yêu của mẹ Thư, Hưng luôn may mắn nhận được sự hỗ trợ của mọi người. Từ năm lớp 9 đến cấp 3, Hưng được bạn đưa đến trường rồi cõng lên lớp. Lớn hơn chút, Hưng được cựu tuyển thủ bóng đá Việt Nam Đặng Phương Nam giúp đỡ và kết nối để Hưng có thể gặp được các cầu thủ nổi tiếng của bóng đá nước nhà, từ đó không chỉ thỏa niềm mong ước, mà còn tiếp thêm cho Hưng niềm đam mê bóng đá.
"Khi các bạn gặp một vấn đề gì đó khó khăn, đừng từ bỏ, hãy cố gắng và nỗ lực hơn để giải quyết, hãy biến những khuyết điểm của bản thân thành điểm mạnh. Uớc mơ giờ đây của em là có công việc ổn định để phụ giúp gia đình" - Hưng nói.
Khao khát được khẳng định mình, nhiều người khuyết tật đang tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời. Chính những chia sẻ, cảm thông và trao cơ hội cho người khuyết tật của cộng đồng, xã hội là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy người khuyết tật nỗ lực vươn lên thành công, có cuộc sống hạnh phúc như tất cả mọi người.
Thu Trang - Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()