Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:17 (GMT +7)
Nhộn nhịp thị trường bánh kẹo dịp Tết
Thứ 4, 26/01/2022 | 15:06:44 [GMT +7] A A
Trong nhiều năm qua, với những nỗ lực cải tiến, các sản phẩm bánh kẹo sản xuất trong nước phần nào đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng, ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã bắt mắt không thua kém hàng nhập ngoại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà giá bán lại hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng khi một số loại bánh kẹo gia công kém chất lượng đang trà trộn bày bán tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người sử dụng.
Đa dạng sản phẩm
Tại các hệ thống bán lẻ lớn như siêu thị Lotte, Co.opMart, Aeon Mall, Winmart, Big C, có thể nhận thấy, các dòng sản phẩm bánh kẹo trong nước đang chiếm tỷ lệ từ 80 đến 90% trên quầy kệ trưng bày sản phẩm. Trong đó, có thể kể đến những thương hiệu uy tín như Hải Hà, Hữu Nghị, Bibica, Kinh Ðô,... còn lại chỉ khoảng 10% đến 20% là các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu. Xét về thương hiệu, bánh kẹo Tết trong nước vẫn được tiêu thụ mạnh và đặc biệt dù bị ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19, nhưng phần lớn các sản phẩm bánh kẹo trong nước sản xuất đều không có dấu hiệu tăng giá. Theo đó, các sản phẩm bánh hộp thiếc của những thương hiệu trong nước có giá dao động chỉ từ 95 nghìn đồng đến 220 nghìn đồng/sản phẩm, trong khi đó, bánh kẹo nhập khẩu từ nước ngoài có giá khá cao, từ 250 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/sản phẩm.
Nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ bánh kẹo trong nước, nhiều siêu thị, doanh nghiệp sản xuất đang tổ chức chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm. Tại hệ thống siêu thị GO! đang triển khai chương trình khuyến mãi “Thả ga sắm Tết-Xuân Nhâm Dần 2022”, giảm từ 10% đến 20% với các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết. Tương tự, thương hiệu bánh kẹo Kinh Ðô triển khai chương trình khuyến mãi “Thấy Kinh Ðô là thấy Tết” tặng phiếu mua hàng trị giá 100 nghìn đồng với hóa đơn từ 2 triệu đồng trở lên và tặng phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng với hóa đơn từ 10 triệu đồng trở lên. Năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng là chọn mặt hàng vừa túi tiền, chất lượng bảo đảm chứ không quan trọng là nội hay ngoại. Do đó, các sản phẩm bánh kẹo trong nước đang chiếm ưu thế khi được nhiều người lựa chọn do mẫu mã đẹp, hợp khẩu vị, chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu, giá lại hợp lý.
Công ty cổ phần Bibica đã lên kế hoạch đưa ra thị trường Tết khoảng 2.500 tấn bánh, kẹo với khoảng 70 chủng loại từ bình dân đến cao cấp. Dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5% đến 12% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Bibica cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung thị trường vì đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước. Còn theo Giám đốc Sản xuất Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Nguyễn Thị Xuân Thu, công ty đã tăng sản lượng từ 15% đến 20% so với Tết năm 2021 và quyết không tăng giá bán các sản phẩm để chia sẻ với người dân gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh việc đổi mới đa dạng mẫu mã các sản phẩm, công ty còn tăng số lượng các loại mứt đóng hộp nhưng giá không thay đổi nhằm chia sẻ khó khăn do dịch Covid-19 với người tiêu dùng. Theo đó, các sản phẩm mứt hộp của công ty có giá từ 64 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/hộp 250-400 g; giỏ quà Tết dao động từ 388 nghìn đồng đến 808 nghìn đồng/giỏ.
Vẫn lo chất lượng
Như mọi năm, càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán, thị trường càng xuất hiện nhiều loại bánh kẹo giả các thương hiệu lớn dù các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử lý các vụ vận chuyển, kinh doanh bánh kẹo gia công làm giả theo các thương hiệu có uy tín. Ðơn cử, bánh Danisa nhập khẩu bị nhái thành Damisa sản xuất tại Việt Nam, bánh hộp thiếc Daisy của Hữu Nghị bị nhái thành Daizy, bánh Custas của Orion bị nhái thành Custard,... Cứ như vậy, đã có hàng trăm loại bánh kẹo nổi tiếng khác cũng đang bị “phù phép” với những cái tên na ná, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng từ mầu sắc bao bì, logo đến kích thước, trọng lượng hay thành phần nguyên liệu, hàm lượng dinh dưỡng giống đến 90% sản phẩm chính hãng. Ðiều khiến loại sản phẩm này vẫn có “đất sống” là do giá thành cực rẻ, chỉ bằng một phần ba so sản phẩm chính hãng, cho nên vẫn được người dân một số vùng nông thôn ưa chuộng.
Tìm hiểu được biết, những loại bánh, kẹo nhái này chỉ được sản xuất theo hình thức thủ công, nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát chặt chẽ nên rất khó để khẳng định chất lượng sản phẩm. Ðiều này đang gây ra nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết. Tại chợ Ðồng Xuân (Hà Nội), khi được hỏi về nguồn gốc của các loại bánh kẹo được bày bán tại đây, cô Thìn, một tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại chợ khẳng định, các loại bánh kẹo này đều là hàng nhập trực tiếp từ công ty hoặc nhập khẩu xách tay. Tuy nhiên, theo quan sát, hầu như trên các sản phẩm lại không có tem, nhãn phụ tiếng Việt hay địa chỉ chính xác của đơn vị sản xuất, nguồn gốc xuất xứ vì thông tin khá chung chung như: sản xuất tại Hoài Ðức - Hà Nội hay Mỹ Hào - Hưng Yên. Do đó, thật khó tin đây là những sản phẩm có chất lượng và uy tín theo lời khẳng định “chắc nịch” về chất lượng của chủ quầy hàng rằng: “Ðây là hàng công ty, có địa chỉ được in trên thùng lớn nhưng khi xé lẻ ra bán thì không còn”.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho biết, đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt, kiểm tra để xử lý triệt để hành vi vi phạm về nhãn mác, chất lượng sản phẩm, nhất là với những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm tươi sống..., thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, chỉ nên mua bánh kẹo ở những địa chỉ uy tín, gian hàng chính hãng, cũng như phải tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác để tránh mua hàng giả, hàng nhái.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()