BS Thọ là Trưởng phòng công nghệ gene và Di truyền tế bào, Học viện Quân y đã sáng tạo ra bộ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nhà để ai cũng có thể dễ dàng thực hiện.
Bộ lấy mẫu gồm một ống xy-lanh được gắn với đầu tăm bông, ống giữ mẫu. Để lấy dịch hầu họng, người dùng cần khạc sâu, sau đó ngậm đầu tăng bông để kéo nước bọt vào khoang miệng. Khi đầu tăm bông thấm ướt trong miệng, kéo từ từ xy lanh hút lấy đủ 0,5-1 ml, rút bỏ đầu tăm bông, cho dịch nước bọt vào ống giữ mẫu và đậy chặt nắp, bỏ vào túi kẹp zip, hoàn tất khâu lấy mẫu. Mẫu nước bọt này sẽ được các tình nguyện viên thu gom, chuyển đến phòng xét nghiệm Covid-19.
Theo TS Thọ, ưu điểm của phương pháp này là có thể lấy mẫu trên diện rộng trong thời gian ngắn, tiết kiệm nhân lực y tế, tránh tiếp xúc đông người, truy tìm F0 dễ dàng trong cộng đồng.
Để triển khai rộng trong thực tế, nhóm nghiên cứu phối hợp cùng Công ty Cổ phần công nghệ Giáo dục GaraSTEAM, phát triển nền tảng kết nối, xây dựng mạng lưới tình nguyện viên thu gom mẫu. Chỉ trong thời gian ngắn, 7 kỹ sư bắt tay thực hiện xây dựng app Masa, sử dụng nền tảng bản đồ google map.
ThS Trương Võ Hữu Thiên, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Giáo dục GaraSTEAM cho biết, app sử dụng nền tảng xử lý trên máy chủ là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu phân tán MongoDB và nền tảng lập trình di động React Native. Masa hoạt động giống như ứng dụng giao hàng grab.
Khi có nhu cầu xét nghiệm Covid-19, người dùng chỉ cần tải ứng dụng, điền thông tin theo hướng dẫn. Tình nguyện viên sẽ đến nhà đưa bộ thu mẫu và gom mẫu đến phòng thí nghiệm. Ứng dụng có thể đăng ký cho nhiều người cùng lúc. "Sau khi đưa vào vận hành, nhóm sẽ tiếp tục nâng cấp ứng dụng để thêm các tính năng hỗ trợ F0 tại nhà", ông Thiên nói. App cũng có các tính năng theo dõi hành trình người giao nhận mẫu, lịch sử các đơn hàng giao và trạng thái mẫu đang giao, kiểm tra kết quả xét nghiệm.
Điều phối toàn bộ hệ thống gồm tình nguyện viên, lấy mẫu, phòng xét nghiệm, xây dựng nền tảng công nghệ... là PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM.
Theo TS.BS Hồ Hữu Thọ, giải pháp này sẽ giải quyết được nút thắt về lượng mẫu vượt quá năng lực xét nghiệm hiện nay bởi có thể phối hợp giữa lấy mẫu đơn, mẫu gộp và xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Giải pháp có thể xét nghiệm 50.000-100.000 mẫu/ngày. "Bộ lấy mẫu đã được Bộ Y tế cấp phép, triển khai thành công ở Hà Nội, Bắc Giang", ông Thọ cho biết.
Ngày 20/8, Masa bắt đầu kêu gọi các tình nguyên viên dự kiến khoảng 1.000 người bao gồm cả các đoàn thiện nguyện đang hoạt động ở TP HCM, sau đó xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19. Đội tình nguyện viên này đảm bảo việc giao và thu gom mẫu xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm (600.000 đồng/mẫu) cho các tình nguyện viên và vận hành dự án được doanh nghiệp, mạnh thường quân trong nước và ở Nhật Bản tài trợ.
Giải pháp công nghệ Masa vừa ra mắt trên cổng thông tin Chương trình Đổi mới sáng tạo ứng phó Covid-19 của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM. Nhóm nghiên cứu dự kiến đưa ứng dụng này vào vận hành thực tế từ ngày 2/9.
Hiện việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 được triển khai theo trọng điểm tại nhiều địa phương có dịch như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương... quy mô lên tới hàng nghìn người. Người được lấy mẫu được thông báo đến điểm quy định, sau đó xếp hàng chờ nhân viên y tế lấy mẫu. Người có kết quả dương tính với Covid-19 sẽ nhận được thông báo qua tin nhắn.
Ý kiến ()