Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:05 (GMT +7)
Bình Phước Nhọc nhằn nghề nung gốm
Thứ 6, 12/05/2023 | 15:21:56 [GMT +7] A A
Thường khi đến thăm một lò gốm, chúng ta hay bắt gặp hình ảnh những người thợ vuốt gốm, làm đất, tráng men nhưng ít ai biết đến công việc nặng nhọc của người nung gốm - khâu quyết định sự thành công của sản phẩm gốm. Tại Công ty TNHH MTV gốm Tiến Hùng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, những người nung gốm đang ngày đêm cho ra các loại chậu gốm trồng cây cảnh tốt nhất nhằm tô thêm vẻ đẹp cho đời.
Khi đến lò nung gốm của công ty, chúng tôi ngỡ ngàng trước những tiếng hô thường xuyên được lặp lại của người đốt lò: “Rồi. Vô. Vô nhanh…”. Anh Hứa Văn Trung vừa hết ca làm việc cho biết: Mình phải hô như vậy để người đốt lò đầu bên kia biết và phối hợp vào củi đốt cùng một lúc thì lửa và nhiệt độ mới đều, sản phẩm mới đẹp và chất lượng. Thường nhiệt độ trong lò cao nhất khoảng từ 1.100-1.1500C, rất nóng nên nếu không cẩn thận sẽ bị bỏng. Mình theo nghề này gần 3 năm, lúc mới vào làm cũng phải học. Nghề này vừa khó vừa vất vả, hiện nay rất ít người theo nghề này nhưng do cuộc sống mình phải cố gắng bám trụ.
Trong không khí luôn khó chịu và bức bối, nhiệt độ trong lò càng tăng cao, nhưng những người thợ đốt lò nơi đây vẫn ngày, đêm miệt mài với công việc nhằm cho ra sản phẩm đẹp nhất. Anh Nguyễn Hữu Phùng người nung gốm gần 4 năm trong nghề cho biết: Ở đây có 17 lò, mỗi lò chứa từ 50-150 chậu gốm lớn, nhỏ. Lúc đầu nung, nhiệt độ bình thường nhưng 2-3 tiếng đồng hồ sau thì phải tạo nhiệt nên đốt liên tục, rất nóng. Vào giờ đánh lửa lớn làm tăng nhiệt giúp gốm chảy men, ra màu, lúc này mình không được nghỉ bất kể là giờ ăn, nếu không gốm sẽ không chín. Thời điểm này rất khó nên phải canh lửa, nhiệt sao cho tốt nhất.
Vừa nung gốm xong, anh Trương Văn Hùng lau những giọt mồ hôi, chia sẻ: Gốm sau khi được tạo hình, tráng men, phơi khô còn phải qua công đoạn rất quan trọng là nung. Vì vậy, mỗi lò gốm, người đốt lò phải nung 4 ngày - đêm, không có thước đo nhiệt độ lò, tất cả đều dựa vào cảm nhận của người đốt lò thông qua đôi mắt và kim đốt. Để gốm giữ được chi tiết và màu sắc đặc trưng, ở giờ nung cuối cùng những người thợ mở “mắt lò” để quan sát. Họ nhìn vào màu lửa trong lò để quyết định tăng hay giảm nhiệt độ. Quy trình đốt như vậy thường có 4 người, cứ 12 tiếng đồng hồ là đổi ca trực ngày - đêm.
Qua nhiều giờ nung trong lửa, gốm đã khoác lên mình nhiều màu sắc đặc trưng, nhưng để giữ được màu men truyền thống luôn có sự góp sức thầm lặng và nhọc nhằn của những người nung gốm.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()