Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:42 (GMT +7)
Nhớ nhà văn Võ Khắc Nghiêm
Thứ 6, 30/09/2022 | 08:46:00 [GMT +7] A A
Chiều 29/9/2022, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật Việt Nam (của Liên hiệp Các hội Văn học Việt Nam) gọi tôi: "Em biết tin chưa, anh Võ Khắc Nghiêm mất lúc 10h sáng nay". Tôi thảng thốt. Anh Dự bảo: "Ừ, buồn quá, buồn như Hà Nội chiều nay mưa thu lạnh lẽo...".
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm từng làm việc tại Mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Cọc Sáu). Khi tôi về Cọc Sáu làm công nhân thì ông đã chuyển về Văn phòng Công ty Than Cẩm Phả lúc bấy giờ. Tuy vậy, tôi với ông cùng là hội viên của Chi hội Văn học nghệ thuật Than Cẩm Phả - một chi hội rất đông anh chị em vùng than Cẩm Phả.
Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời, Võ Khắc Nghiêm được chuyển về làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Than Việt Nam thì tôi lại có cơ hội nhiều hơn gặp gỡ và đôi khi là công việc liên quan với ông do tôi cũng đã chuyển về cơ quan Văn phòng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Nói về Võ Khắc Nghiêm, người ta nhớ ngay đến hình ảnh nhà văn Vùng mỏ gầy gò, nói to, chất giọng khàn khàn. Ông có một gia tài khá đồ sộ ở các lĩnh vực sáng tác. Với văn học là tiểu thuyết, truyện ngắn, là kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, vì thế ông là hội viên của nhiều hội: Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu và Hội Điện ảnh Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã làm nên tên tuổi của nhà văn từ khi ông sống và làm việc ở vùng mỏ Cẩm Phả và khi chuyển về Hà Nội làm việc ở Tổng Công ty Than Việt Nam (Giờ là Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam).
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm như tôi biết là con người cương trực, ông hay nói thẳng, nói thật, nói to. Chắc do đặc thù công việc làm báo đôi khi cho ông cái… bỗ bã rất đáng yêu đó.
Tôi nhớ khi đang làm việc ở Tạp chí Than Việt Nam, Võ Khắc Nghiêm đã duy trì trang Văn nghệ đăng tải các sáng tác của các tác giả là công nhân mỏ rất đều đặn, vì thế các tác phẩm đầu tay của nhóm anh em viết trẻ ở các mỏ than bao giờ ông cũng ưu tiên, trong đó có tôi.
Nhờ sự khích lệ rất vô tư ấy, lứa viết trẻ chúng tôi ở Vùng mỏ rất hãnh diện khi đã có tác phẩm được đăng, được nhiều thợ mỏ trong ngành biết đến và tạo nên phong trào sáng tác sôi nổi. Tôi muốn nói lý do đó, vì trong sự nghiệp sáng tác của Võ Khắc Nghiêm, ông đã luôn đồng hành cùng những vui buồn của người thợ mỏ khi ông viết tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ sau được chuyển thành phim truyền hình cùng tên nhiều tập đã gây hiệu ứng tốt cho công chúng yêu thêm, hiểu thêm về người và đất ở vùng than. Những người thợ mỏ cần cù, lam lũ, yếu thế hay thành đạt… qua lăng kính của nhà văn Võ Khắc Nghiêm đẹp lên gấp bội và có một cái nhìn bao dung, nhân hậu hơn về sự khắc nghiệt của công việc.
Các tác phẩm chính của ông như đều vạm vỡ và có những dấu ấn riêng với độc giả, đủ thấy sức lao động của nhà văn rất dồi dào, tác phẩm nào cũng chất chứa những nỗi niềm thế sự như: Quy luật muôn đời, Bi kịch ngược chiều, Đại dương trong mắt em, Huyết thống, Mạnh hơn công lý, Chiều sâu ngược sáng...
Võ Khắc Nghiêm cũng là người đạt các giải thưởng lớn như: Giải A Văn học Công nhân (1990 -1995), Giải B cuộc thi viết “Vì bình yên cuộc sống” Bộ Công an - Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2002), Giải A cuộc thi kịch bản sân khấu của Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu với vở kịch Bi kịch ngược chiều; Giải thưởng cuộc thi kịch bản điện ảnh của báo Văn nghệ, của Hãng phim Người Bảo vệ với kịch bản Sự huyền diệu của tình yêu, ba giải A giải thưởng Văn nghệ Hạ Long. Đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 4 năm 2017. Tôi nhớ kỷ niệm này vì điều kiện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khi đó, tôi đã đề nghị lên các cấp lãnh đạo Tập đoàn tặng quà ông và được chấp thuận. Vui hơn là tôi trực tiếp chuyển món quà ý nghĩa của Tập đoàn đến cho nhà văn tại gia đình ông ở phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội vào một trưa hè rất nóng nực, nhưng ông vẫn đóng bộ quần áo ký giả dày cộp để nhận.
Ngoài các tác phẩm viết trực diện về người thợ mỏ, Võ Khắc Nghiêm còn viết tiểu thuyết, kịch bản phim về các đề tài khác đều có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Các tác phẩm của ông được dàn dựng như kịch bản Nhân danh công lý, 16 tấn vàng…
Năm 2015 ông đã cho xuất bản tiểu thuyết Thị Lộ chính danh cũng gây hiệu ứng, được giới văn học quan tâm. Ông đã cố gắng đưa nhân vật Thị Lộ bằng cách “giải mã theo cái nhìn hiện đại” để tìm ra “mã” bí ẩn của nhân vật nhiều giai thoại này. Trong sáng tác của ông, với tố chất cởi mở, có tiết tấu nhanh, nên ông thường… nói nhanh và viết nhanh, vì thế gia tài của ông không vơi đi theo tuổi tác mà cứ đầy lên khi qua tuổi 70 vẫn cho ra đời những cuốn sách đầy nội lực với thi pháp văn chương.
Với nghề văn, Võ Khắc Nghiêm đã thế, còn với nghề báo ông cũng rất tinh nghề, nhanh nhạy, rất sắc sảo trong hàng loạt bài thời sự chính luận sắc bén, bình luận thể thao nhanh và chính xác. Ông viết báo ở nhiều thể loại, nhiều tờ báo ông được mời giữ chuyên mục, các vấn đề nóng thời sự chính trị xã hội trong nước và quốc tế, ông đều có bài phản biện nhanh và gây hiệu ứng tốt trong cộng đồng…
Nói về sự nhanh, tôi nhớ ngay cái “sự nhanh” của ông để tôi có một kỷ niệm vô giá với nhà văn đàn anh đáng kính. Ấy là khi ông làm ở Tạp chí Than, ông biết tôi được cử đi dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc, ông không văn bản, giấy tờ gì, sang nói với Trưởng ban thi đua của Tổng công ty Than Việt Nam khi ấy, rằng, cô ấy là một trong hàng chục vạn công nhân của Tổng Công ty Than Việt Nam được vinh dự là đại biểu trong số mấy trăm đại biểu của cả nước đi dự Hội nghị này nên phải thưởng cho cô ấy, anh không làm tôi đi báo cáo Tổng giám đốc. Và dĩ nhiên, ông Trưởng ban thi đua cũng đồng ý ngay lập tức. Sau đó ít phút, ông đứng tại Ban Thi đua Tổng Công ty và bấm điện thoại gọi về Mỏ than Cọc Sáu rằng báo ngay cho cô ấy, khi về Hà Nội dự Hội nghị những người viết văn trẻ thì vào Ban thi đua của Tổng Công ty nhận tiền thưởng, có quyết định rồi. Việc này mãi tới khi tôi về Hà Nội theo học Trường Viết văn Nguyễn Du được anh cán bộ của Ban Thi đua Tổng công ty Than Việt Nam kể lại chi tiết mới biết.
Mỗi khi có dịp về Hà Nội, tôi lại gọi: “Anh khỏe không? Anh ở nhà không em qua chơi?”. Anh trả lời: “Tao ở nhà viết mà, có đi đâu đâu, đến đi”. Và tôi long tong phóng xe máy tìm đến ngõ Hoa Bằng nhà anh. Cái ngõ đông đúc lắm. Đến nhà anh bao giờ cũng được anh mời trà ngon, kẹo ngon và… chịu trận hít khói thuốc lá anh hút liên tục. Tôi nhăn mặt bảo: “Anh bị viêm họng mãn rồi, hút ít thôi” thì anh đáp bằng giọng nói khào khào bảo: “Anh bị cái gì đó ấy mà, chả sao, tao vẫn hút”.
Nhà văn đáng kính ấy là thế, bỗ bã nhưng chân thành, tài năng nhưng vô cùng khiêm nhu, một người không cần tỏ ra cao đạo và khi có dịp ngồi hàn huyên về nghề viết, ông nói với tôi đúng kiểu “băm bổ”: “Mày viết hiền lành quá! Viết bạo lên, giá cuốn tiểu thuyết kia của mày, mày chỉ cần cho cái thằng ấy mất nết tí là đẩy câu chuyện lên rất được, nhưng mày lại cho nó… lương thiện, nên hỏng”. Chỉ cần vài câu ông nhận xét, đủ biết ông đã đọc nghiêm túc tác phẩm của tôi, một đứa đàn em có thể nói là út ít trong làng văn chương Vùng mỏ của ông.
Giờ thì tôi không còn có dịp qua ngõ Hoa Bằng để được ông - người anh kính mến xởi lởi coi tôi như đứa em út đến chơi để mời trà ngon uống xong rồi còn gói cho mang về, ăn kẹo ngon và chịu trận hít hơi thuốc lá trong cái phòng khách hẹp của gia đình ông nữa.
- Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh năm 1942, quê gốc ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhưng ông sinh sống và làm việc gần như cả cuộc đời ở vùng than Cẩm Phả, cho đến khi chuyển về làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Than Việt Nam tại Hà Nội. Võ Khắc Nghiêm từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Quảng Ninh, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. - Nhà văn Võ Khắc Nghiêm được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho 2 tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ” và “Mạnh hơn công lý”. |
Vũ Thảo Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()