Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:51 (GMT +7)
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10-10-1954 - 10-10-2014) Nhớ ngày Giải phóng Thủ đô
Thứ 2, 10/10/2022 | 08:44:53 [GMT +7] A A
60 năm Trước (10/10/1954 – 10/10/2014), Hà Nội được giải phóng, không những là niềm vui của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước.
Ngày 30-9-1954, sau nhiều ngày đấu tranh quyết liệt, các hiệp nghị về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết. Theo quyết nghị ngày 17-9-1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính TP Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh trưởng Sư đoàn Quân Tiên phong 308, làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
Ngày 2-10-1954, tại Ủy ban liên hợp đình chiến T.Ư và tiếp sau đó, Chính phủ phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội chuẩn bị việc tiếp quản.
Một vinh dự lớn đối với sư đoàn Quân Tiên phong là trước khi vào tiếp quản, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Tại đây, Người căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...Tám, chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.
Sáng 8-10-1954, theo kế hoạch đã định, các đơn vị quân đội chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 phút thì tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân.
Sáng 9-10-1954, từ 6 giờ, các đơn vị bộ đội tiền trạm theo nhiều đường, từ ngoại thành vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính, rồi từ đó tỏa đi khắp nơi. Bộ đội ta đã tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm, Bắc Bộ Phủ…
16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía đông cầu Long Biên.
16 giờ 30 phút, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát TP Hà Nội, tiếp quản thành phố gọn gàng và trật tự.
5 giờ ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố...kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu.
8 giờ, cánh quân phía tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng quân đội, dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào cửa đông TP Hà Nội.
8 giờ 45 phút, cánh quân phía nam xuất phát từ Việt Nam học xá, đi qua Bạch Mai, phố Huế, diễu binh qua hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị ngày nay).
9 giờ 30 phút, đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Huế, đến bờ hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.
Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó. Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà. Ôi, ngày mong đợi đã về đây!
15 giờ, còi trên nóc Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào...”, tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động.Ngày 10-10-1954 đã trở thành một dấu ấn thật khó quên.
Từ mờ sáng 9-10, anh chị em Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Văn hóa tề tựu trước năm cửa ô. Các tổ tuyên truyền xung phong làm nhiệm vụ phổ biến chủ trương, chính sách của Ủy ban Quân chính và mời đồng bào sáng hôm sau đi đón con em trong đoàn quân chiến thắng trở về. Chiều và tối 9-10, anh em đã tập trung tại Nhà thương Đồn Thủy (nơi lính Pháp vừa rút hết, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Một tờ báo mới mang tên Tin Tức của Ủy ban Quân chính, ra đời. Trung ương cử nhà báo Nguyễn Thành Lê phụ trách tờ báo. Tòa soạn gồm các nhà báo: Trần Việt, Chu Hà, Nguyễn Tiêu, Ngô Dư, Ngô Thi, Ngô Thị Dương... làm các công việc do tổ chức phân công. Từ cán bộ phụ trách đến phóng viên đều lo làm tin về công tác tiếp quản thắng lợi, viết nghị luận về đường lối, chính sách của chính quyền cách mạng, về các vấn đề trong nước và thế giới…
Tổ làm tin do nhà báo Nguyễn Tiêu, sau này là Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, làm tổ trưởng, nhà báo Ngô Thi chuyên nghe Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các đài nước ngoài, ghi tốc ký, làm tin...
Mờ sáng 10-10-1954, các em bán báo rao lanh lảnh, mời mọi người mua báo mới: “Báo Tin Tức của Ủy ban Quân chính đây”, “Báo Thời Mới đây”. Tờ báo ra hằng ngày, khổ rộng bằng tờ tuần báo hiện nay, có bốn trang, in ti-pô đen trắng, rất ít ảnh. Tên Báo Tin Tức in chữ to đậm, kích thước mỗi con chữ là 24mm x 25mm, loại chữ có chân, nghiêm túc. Dưới tên Báo Tin Tức có dòng chữ in hoa: Cơ quan của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.
Ngày 10-11-1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội ra mắt. Nhiệm vụ tờ Báo Tin Tức của Ủy ban Quân chính hoàn thành. Nhiều cán bộ của các báo chuyển sang công tác khác, một số về tờ Tin Hà Nội, với danh nghĩa “Cơ quan thông tin xuất bản tại Thủ đô”. Tòa soạn đặt tại 47 phố Hàng Dầu. Thực chất đây là bản tin của Sở Tuyên truyền văn nghệ, sau này là Sở Văn hóa Hà Nội, đảm nhiệm. Tờ Tin Hà Nội ra đến số 311 (ngày 1-5-1956) thì ngừng vì Thành ủy chuẩn bị xuất bản Báo Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TP Hà Nội, tiền thân Báo Hà Nội Mới ngày nay.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền công tác tiếp quản, Trung ương Đảng điều đồng chí Nguyễn Thành Lê nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân . Đồng chí Lê điều một số anh chị em ở Báo Tin Tức cùng sang Báo Nhân Dân gồm: Trần Việt, Ngô Dư, Ngô Thi, Ngô Thị Dương...
Già nửa thế kỷ trôi qua. Giờ đây, người còn, người mất, để lại bao kỷ niệm của tuổi xanh đầy nhiệt huyết, nhìn nhận những con người của lịch sử, sức mạnh của nhân dân, tinh thần bất khuất của người Việt.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()