Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:39 (GMT +7)
Nhớ một thời sắp chữ chì làm báo
Chủ nhật, 31/12/2023 | 09:52:16 [GMT +7] A A
Cầm trên tay tờ báo Quảng Ninh hiện nay với thiết kế, màu sắc in đẹp, từng dòng chữ sắc nét, có lẽ ít ai nghĩ đã có một thời, để tờ báo đến tay bạn đọc đâu chỉ có tinh thần nhiệt huyết, tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên mà còn phải kể đến sự vất vả, khó khăn nhưng chưa bao giờ nản chí của những nhân viên ở tổ mi báo (sắp chữ). Suốt 25 năm công tác ở Xí nghiệp In Quảng Ninh, sau chuyển sang Báo Quảng Ninh, gắn bó với công việc mi báo, đến nay dù đã gần 85 tuổi, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) vẫn vẹn nguyên ký ức về một thời làm báo tuy gian khó mà luôn say mê, thiết tha yêu nghề.
Chúng tôi gặp bà Tâm vào một chiều cuối năm 2023 tại nhà riêng của bà cũng gần phía sau cơ quan Báo Quảng Ninh cũ. Ở tuổi 85, bà Tâm vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Bên ấm trà mới pha, bà say sưa kể cho chúng tôi về những ngày cặm cụi sắp chữ chì, tay chân lúc nào cũng nhem nhuốc đen sì. Sắp chữ chì - công việc đến bây giờ chắc chắn chỉ còn lại trong ký ức của bà Tâm và thế hệ những người làm báo thời ấy.
Trước những năm 90, công nghệ in ở trong tỉnh cũng như các địa phương khác trong cả nước còn rất lạc hậu, các nhà in đều phải qua khâu đầu tiên là sắp chữ chì. Theo đó, các con chữ đều được đúc theo mẫu tự, theo từng kiểu chữ, cỡ chữ khác nhau bằng chì.
Tại nhà in, các con chữ được đựng trong những hộp chữ, mỗi hộp chữ chia ra thành 140 ô nhỏ, mỗi ô nhỏ đựng một mẫu tự. Thí dụ mẫu tự “a” riêng một ô, mẫu tự “ă”, “â” đều đựng riêng, mỗi ô được xếp gần nhau theo trình tự mẫu tự. Có điều rất khó là người sắp chữ phải biết đọc chữ ngược, đọc từ bên phải qua. Sau khi chữ được sắp đầy một cột báo, khuôn chữ được cố định lại bằng khung sắt chốt chặt sau đó đưa vào máy in 16 trang để in.
Một công việc nữa của thợ sắp chữ là phải trả chữ vào các ô chữ sau khi báo đã in xong để có chữ sắp cho trang khác. Trả chữ cũng rất khó là đòi hỏi phải thật chính xác tuyệt đối, chữ phải trả đúng ô của nó, nếu không khi sắp chữ tiếp sẽ bị lỗi. Chưa kể, các chữ cái bằng hợp kim chì khi dùng lâu bị chà đi chà lại làm cho mòn nét, mất dấu.
Công việc sắp chữ chì in báo không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, nhanh nhẹn. Với vị trí là tổ trưởng tổ mi báo, bà Tâm là người có kỹ năng sắp chữ được đánh giá là tốt nhất tổ. Năm 1964, các cơ quan báo các tỉnh khu vực Duyên Hải và đồng bằng Bắc Bộ tổ chức thi sắp chữ, bà Tâm xuất sắc giành giải nhất.
Bà Tâm kể: Việc sắp chữ chì kể ra nghe thì thấy khó nhưng làm quen rồi cũng giống như các cháu gõ máy tính bây giờ, làm nhanh quen tay có khi không cần nhìn vào hộc đựng chữ mà vẫn lấy đúng chữ. Hồi ấy, ngoài làm Báo Quảng Ninh 2 số/tuần rồi đến 3 số/tuần, chúng tôi còn làm Báo Bạch Đằng (báo của Quân khu 3), Báo Vùng mỏ (báo của ngành Than)... nên công việc bận rộn, cứ liên tay liên mắt từ sáng sớm tới tối khuya. Chưa kể bài dài, bài ngắn vượt qua khung cột mà họa sĩ thiết kế, khi sắp lại phải tính toán báo cáo ban biên tập cắt bớt chỗ này hay thêm vào chỗ kia cho vừa khung. Nhất là những hôm sắp chữ xong hết cho trang báo thì có chỉ đạo của ban biên tập tòa soạn yêu cầu đổi tin, bài thì cả tổ lại tập trung gỡ bỏ bài cũ sắp lại bài mới từ đầu. Vất vả là thế nhưng nhân viên tổ mi báo chẳng bao giờ nề hà việc gì, vẫn cứ tỉ mẩn, say mê với công việc đảm bảo để tờ báo ra đúng ngày, không sai sót.
“Việc sắp chữ chì làm báo vẫn duy trì đến năm tôi nghỉ công tác theo chế độ. Bởi vậy, những kỷ niệm về một thời gian khó ấy vẫn mãi theo tôi khi nghĩ về hành trình làm Báo Quảng Ninh. Bây giờ các bạn trẻ làm báo bằng công nghệ điện tử, tất cả đều trên máy tính nhanh gọn, tiện lợi, chính xác hơn thời chúng tôi nhiều. Mỗi ngày đọc Báo Quảng Ninh, tôi vui mừng, tự hào khi mình đã từng đóng góp công sức làm ra tờ báo và càng vui hơn khi nhìn thấy tờ báo với giao diện ngày càng đẹp, hiện đại, tin bài đa dạng, phong phú về mọi mặt của đời sống xã hội. Câu chuyện tôi kể đã là quá khứ, nhưng là một phần trong lịch sử phát triển của Báo Quảng Ninh. Nhắc lại chút kỷ niệm, mong cho Báo Quảng Ninh luôn phát huy truyền thống vẻ vang, phát triển không ngừng trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam” - bà Tâm bộc bạch.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()