Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 22:17 (GMT +7)
Nhớ mãi nhà báo Trần Mạnh Trử
Chủ nhật, 02/06/2024 | 08:30:38 [GMT +7] A A
Nhà báo Trần Mạnh Trử, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh) vừa giã từ cõi thế, hưởng thọ 86 tuổi. Nhiều đồng nghiệp nhớ đến ông như một nhà báo tận tâm vì công việc.
Nhà báo Trần Mạnh Trử sinh ngày 16/6/1939, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhưng ông sinh ra ở Uông Bí và cả cuộc đời gắn bó sâu nặng với Quảng Ninh.
Nhà báo Trần Mạnh Trử sinh ra trong một gia đình rất khó khăn. Bố mất sớm khi ông chưa đầy 7 tuổi, mẹ buôn bán nhỏ ven sông rất chật vật, 2 em gái còn nhỏ dại nên ngay từ tấm bé, ông đã thể hiện là người không chịu khuất phục trước mọi khó khăn, gian khổ. Ông xa mẹ, xa nhà đến thị xã Quảng Yên để tự lập, tự học.
16 tuổi, ông đã tham gia làm công nhân trên công trường đường ống nước Uông Bí - Hải Phòng. Rồi sau đó tham gia thanh niên xung phong làm đường sắt Hà Nội - Ninh Bình để kiến thiết đất nước. Do có trình độ học vấn cao vào thời đó, ông đã được tuyển về làm thợ điều khiển máy cơ khí chính xác tại mỏ than Hà Tu.
Nhà báo Đỗ Kha, nguyên Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Báo Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh) nhớ lại: “Hồi ở mỏ Hà Tu, tôi lái máy xúc còn Mạnh Trử thì làm thợ tiện. Trử không chỉ thông minh mà còn chăm chỉ học hành. Cậu ấy thường tranh thủ sau giờ làm, cuốc bộ từ Hà Tu ra Hòn Gai để học bổ túc văn hóa. Nhờ vậy, trình độ của Mạnh Trử hơn hẳn công nhân mỏ thời đó. Thời điểm đó Trử và tôi đã bắt đầu viết tin bài cộng tác cho báo. Nhà báo Hoàng Quốc Hải ở Báo Vùng Mỏ lúc đó biết đến chúng tôi nên mời cả hai chuyển sang làm báo. Mạnh Trử sang làm báo trước. Còn tôi ít lâu sau cũng không làm công nhân lái máy xúc nữa chuyển ra làm báo như Trử”.
“Ngành Than cho lập tờ báo Vùng Mỏ khổ nhỏ dạng như tờ tin, tuần phát hành một số chuyên đăng tải tin tức của ngành. Một bộ phận của Báo Quảng Ninh tách ra để về làm tờ Vùng mỏ” - nhà báo Đỗ Kha nhớ lại. Nhờ kỹ năng viết lách phản ánh hiện thực công việc của mình và các đồng nghiệp vào những bài báo, trang thơ trên tờ tin Vùng Mỏ của Công ty Than Hòn Gai (tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hiện nay) nên những bài viết mộc mạc, đầy chất thực tiễn dưới góc nhìn của người thợ của ông đã khiến những lớp nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp của Vùng mỏ thời đó rất chú ý. Về Báo Vùng Mỏ, nhà báo Mạnh Trử đã bắt nhịp được với nghề báo ngay từ những ngày đầu.
Cũng theo lời kể của nhà báo Đỗ Kha, vì chuyên theo dõi công nghiệp nên giai đoạn đó nhà báo Trần Mạnh Trử được biệt phái thường trú hẳn ở Cẩm Phả. Ông được phân cho một căn phòng nhỏ để ở và viết báo. Những tác phẩm báo chí của nhà báo Trần Mạnh Trử có tính phản biện cao, sức chiến đấu tốt và tác động không nhỏ đến đời sống xã hội.
Năm 1968, Báo Vùng Mỏ sáp nhập vào Báo Quảng Ninh. Nhà báo Trần Mạnh Trử về làm Báo Quảng Ninh. Ông vừa có khả năng sáng tạo tác phẩm báo chí lại vừa có tố chất làm lãnh đạo nên dần trưởng thành, được đề bạt Trưởng ban Công nghiệp, Thư ký tòa soạn rồi được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập Báo Quảng Ninh. Ông làm Phó Tổng Biên tập từ năm 1986 cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1999.
Cuộc đời làm báo của ông đã gắn liền với công cuộc lao động, sản xuất tiến lên XHCN ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho giải phóng miền Nam và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Với ngòi bút của mình, ông cũng trải qua những nhiệm vụ đặc biệt như người lính khi đứng trên khẩu pháo phòng không 100mm hay vượt bom đạn, nguy hiểm vận chuyển vật tư, thiết bị đảm bảo cho tờ báo Vùng Mỏ trong chiến tranh đánh phá ác liệt của Mỹ vẫn giữ được chất lượng và xuất bản đúng kỳ hạn. Đến thời bình, ông và các đồng nghiệp ở Báo Quảng Ninh lại đi đầu trong công tác đấu tranh với những cái xấu, những biểu hiện tiêu cực bằng những bài báo phản biện để góp phần xây dựng một Vùng mỏ tươi đẹp, phát triển hơn.
Theo nhà báo Đỗ Kha, trong công việc, nhà báo Trần Mạnh Trử là một cây bút giỏi nghề, đặc biệt là thể loại phóng sự điều tra. Ông có khả năng viết hay, viết nhiều thể loại. Bởi thế, nhà báo Trần Mạnh Trử còn xuất hiện trên diễn đàn với tư cách nhà văn với nhiều kịch bản được dàn dựng sân khấu và mang đậm tính chất văn học.
Nhà báo Đỗ Kha nhớ lại: “Mạnh Trử từng viết nhiều kịch bản tiểu phẩm. Nhưng dần về sau, cậu ấy chuyên tâm hơn cho công việc viết báo”.
Ông còn thể hiện tài năng vẽ tranh ngay từ năm 1962. Tranh của hoạ sĩ Mạnh Trử được đánh giá là có bố cục chặt chẽ, gam màu chắc khoẻ, cho người xem cảm nhận về một cái gì đó rất cụ thể. Văn Mạnh Trử cũng giống như tranh, đều vạm vỡ, chắc khoẻ, sắc cạnh. Điều đó thể hiện ở truyện ngắn đầu tay "Lão Hậu" đăng trên báo Văn nghệ.
Ghi nhận những thành tích của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen. Ông cũng đã được trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Trần Mạnh Trử về Hà Nội sinh sống cùng con cháu. Ông qua đời vào hồi 19 giờ 40 ngày 30/5/2024, hưởng thọ 86 tuổi. Trong lời điếu văn tiễn biệt ông, có đoạn: "Sống một cuộc đời khát khao cháy bỏng, vượt qua mọi nguy hiểm, gian lao nhưng ông lại chọn cho mình cách ra đi lặng lẽ không một lời trăn trối, không một câu giã biệt. Ông đã chọn cho mình một chuyến đi xa, không trở lại, tránh mọi phiền muộn, vấn vương cho vợ, cho con và cho các cháu".
Theo di nguyện của nhà báo Trần Mạnh Trử, gia đình sẽ đưa ông về an táng tại Quảng Ninh - nơi ông đã gắn bó già nửa cuộc đời mình với những năm tháng sôi nổi và tận hiến. Nhiều thế hệ nhà báo, bạn đọc và cả công nhân mỏ đều nhớ đến ông, một con người dù ở cương vị nào, làm thợ, làm phóng viên hay nhà quản lý đều hết mình vì công việc, vì trách nhiệm với cộng đồng.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()