Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:25 (GMT +7)
Nhớ mãi ngày đầu lên sóng truyền hình
Thứ 6, 12/01/2024 | 09:54:29 [GMT +7] A A
19h ngày 2/9/1983 chương trình Truyền hình Quảng Ninh phát sóng buổi đầu tiên trên kênh 12VHF. Với sự kiện này, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc có chương trình truyền hình và Đài Phát thanh Quảng Ninh được đổi tên thành Đài PT-TH Quảng Ninh. 4 thập kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày đầu lên hình vẫn là kỷ niệm nghề nghiệp không thể nào quên với những người làm truyền hình khi ấy.
Giai đoạn đầu, cả Đài PT-TH Quảng Ninh có 3 phát thanh viên (PTV) là Bích Thìn, Vân Sáng và Hồng Hạnh. Người được lựa chọn để lên hình đầu tiên của màn ảnh nhỏ Quảng Ninh lúc bấy giờ là PTV Hồng Hạnh với giọng đọc truyền cảm, cuốn hút. Vì Đài khi đó chưa có trường quay nên đã trưng dụng khu nhà cấp 4 của nhà khách UBND tỉnh để thực hiện buổi lên hình đầu tiên ngày 2/9/1983, từ đây cũng tiện hơn cho việc chuyển băng lên đồi phát cột 5. Những ngày nắng sẽ thu hình ngoài trời ở khu vực vườn hoa của UBND tỉnh.
Máy móc, phương tiện kỹ thuật khi đó còn khá thô sơ, khi lên hình chỉ có 1 camera, đèn halogen đánh sáng và mic dây để thu tiếng. Đội ngũ kỹ thuật cũng phải làm quen với cách vận hành hệ thống dựng hình Umatic của Nhật Bản, bộ máy phát hình Thompson của Pháp để phục vụ cho buổi phát hình đầu tiên.
Theo lời kể của nhà báo Ngô Mai Phong, nguyên phóng viên thế hệ đầu của Đài PTTH Quảng Ninh, nội dung chương trình buổi phát sóng đầu tiên hôm ấy gồm: Tường thuật lễ khánh thành Đài truyền hình; sau đó là một số tin tức về hoạt động của các địa phương hướng về ngày Quốc khánh 2/9. Phóng sự “Quảng Ninh - Những ngày tháng 8” do nhà báo Ngô Mai Phong và phóng viên Xuân Trọng của Phòng Truyền hình thực hiện được xem như bài chính của chương trình thời sự hôm ấy.
Nhớ lại thời kỳ đầu lên hình, PTV - Nghệ sĩ Vùng mỏ Vân Sáng chia sẻ: Khi ấy tôi và PTV Hồng Hạnh thay phiên nhau lên hình. Buổi đầu lên sóng truyền hình tôi rất hồi hộp. Một ngày trước khi lên hình, hầu như tôi không làm được việc gì khác ngoài ngồi trước gương tập luyện hàng giờ để sao cho phát âm được tròn vành rõ chữ, khẩu hình đẹp, biểu cảm trên gương mặt được tốt. Chúng tôi đều là các PTV đọc phát thanh, chuyển sang lên hình, chưa ai có kinh nghiệm, cũng chưa được ai chỉ dạy, tất cả là làm theo bản năng và sự cảm nhận của mình. Sau đó, tôi được Đài cử tham gia khóa học PTV 3 tháng ở Hà Nội do NSƯT Kim Tiến, Thanh Hùng, Minh Trí (Đài Truyền hình Việt Nam) giảng dạy. Từ đó, tôi học được nhiều điều về cách phát âm, phong cách trình bày bản tin, cách che đi nhược điểm khuôn mặt khi lên hình, biểu cảm cũng dần tốt lên.
Cũng theo lời kể của PTV Vân Sáng, hồi đó chưa có máy cue nhắc chữ như hiện nay nên các PTV vừa đọc vừa phải nhìn văn bản giấy. Lúc đó máy tính cũng chưa phổ biến như bây giờ, các tin bài chủ yếu được viết tay, chữ của các phóng viên nhiều khi rất khó dịch, đó cũng là một thách thức không nhỏ với PTV. Theo thời gian, PTV quen dần với nét chữ của mỗi người thì công việc mới trở nên dễ dàng hơn. Đến tận bây giờ, PTV Vân Sáng vẫn còn nhớ được đặc trưng nét chữ của những phóng viên thời kỳ đầu ấy.
Bên cạnh lên hình các bản tin, chuyên mục quảng cáo khi ấy cũng không bắn chữ hoặc làm clip như bây giờ mà tất cả đều là do PTV lên hình đọc. Một áp lực nữa với PTV trong giai đoạn đầu lên hình là phải tác nghiệp trong điều kiện rất nóng vì chịu nhiệt tỏa ra từ chiếc đèn halogen chiếu vào người. Ánh sáng từ loại đèn này chứa nhiều tia hồng ngoại và tia cực tím, theo thời gian cũng ảnh hưởng tới làn da khiến da của các PTV bị đen sạm. Tuy vậy họ vẫn cố gắng giữ phong thái tươi tắn nhất khi lên hình, nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
PTV Vân Sáng hài hước kể: Có khi chúng tôi trên mặc áo dài nhưng dưới mặc quần cộc vì quá nóng, không được phép bật quạt vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Son phấn cũng không được chất lượng như bây giờ nên nhiều lúc vừa lên hình mồ hôi vừa ra ướt nhẹp, lem hết cả phấn. Một năm cũng chỉ được may 1, 2 bộ áo dài mới để lên hình. Cả việc trang điểm cũng đều tự túc, thiếu thốn đến nỗi lắm khi chúng tôi phải lấy cả nhựa quả sung để dán mi giả.
Gian nan là thế nhưng bằng lòng đam mê và yêu nghề, họ đã vượt qua những năm tháng đầu tiên khó khăn ấy để duy trìcác chương trình ngày một tốt hơn. Những chương trình truyền hình đầu tiên đã gieo vào lòng khán giả vùng mỏ ấn tượng sâu sắc, dù lúc bấy giờ, chương trình còn khá ít và Bản tin thời sự Quảng Ninh do Đài tự sản xuất chỉ có 2 đến 3 tin hình, còn lại là tin đọc và tin ảnh.
Ban đầu, Bản tin do Đài PT-TH Quảng Ninh tự sản xuất chỉ dài 15 phút, ngày đầu phát mới, ngày hôm sau phát lại. Sau đó, bản tin đã được nâng thời lượng lên 30 phút/ngày. Chương trình khi sản xuất xong được in vào băng chuyển lên đồi phát Cột 5 để phát sóng cho đúng giờ. Để có chương trình phát sóng vào 19h thì PTV đã phải lên hình từ đầu giờ chiều, sau đó tầm 16h là in băng chuyển lên đồi phát sóng. Thời kỳ mang băng chạy bộ lên đồi phát sóng chỉ chấm dứt vào tháng 10/2003, khi đường truyền cáp quang từ trụ sở Đài được khánh thành.
Vào thời điểm đó, chương trình truyền hình là món ăn tinh thần “xa xỉ” bởi toàn miền Bắc lúc bấy giờ, sau Đài Truyền hình Việt Nam, duy nhất Quảng Ninh có truyền hình, lại là truyền hình màu. 19h hàng ngày đã trở thành thời điểm mà hàng vạn người dân tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ ngóng đợi để được nhìn thấy, nghe thấy hình hiệu, nhạc hiệu quen thuộc của truyền hình Quảng Ninh.
Giờ đây, 40 năm đã qua, trong ký ức những người làm truyền hình Quảng Ninh vẫn in đậm không khí những ngày đầu làm truyền hình với sự hân hoan xen lẫn hồi hộp. Qua lời kể của họ có thể cảm nhận được nhiệt huyết của thế hệ những người làm truyền hình đầu tiên ấy. Họ đã đặt những nền móng đầu tiên để truyền hình Quảng Ninh phát triển như hôm nay, ghi thêm nhiều dấu son mới, đóng góp tích cực và đồng hành cùng sự phát triển của quê hương Quảng Ninh.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()