Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:35 (GMT +7)
Nhớ lời dạy của Bác…
Chủ nhật, 19/06/2022 | 06:43:34 [GMT +7] A A
Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Nhà nước ta, mà còn là người sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng và phương pháp làm báo, viết báo của Bác luôn mới mẻ, hiện đại, tiến bộ, phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí trên thế giới không chỉ những năm qua mà ngay cả với hiện nay.
Kinh nghiệm làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ trở thành những nguyên tắc cơ bản không thể thiếu đối với những người cầm bút mọi thế hệ. Cách đây 60 năm trước, ngày 8/9/1962, trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ về kinh nghiệm làm báo “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào?”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo phải là một người có tri thức rộng và sâu, đặc biệt là có trách nhiệm với công việc, với chính “đứa con tinh thần” của mình và phải chịu trách nhiệm trước công chúng. Trong thư Bác gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng ngày 9/6/1949, Người căn dặn các học viên: “Muốn viết báo khá thì cần: Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”.
Từ kinh nghiệm làm báo của mình, Bác chỉ rõ, nhà báo viết phải chân thực, bởi chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của nhà báo phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Người nhấn mạnh: “Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nêu nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Có thể nói, đây chính là những bài học quý báu mà Người đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm qua và hôm nay. Trong hiện thực cuộc sống hôm nay đã chỉ ra rằng, muốn có tác phẩm báo chí tốt, nhà báo phải thật sự tâm huyết, yêu nghề, sống và gắn bó vì nghề, để từ đó có trách nhiệm với chính tác phẩm của mình. Thông tin báo chí đưa ra phải thu hút được sự quan tâm của dư luận, phản đối những cái xấu, ủng hộ những điều tốt. Đồng thời, mỗi nhà báo cần kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, nhà báo cần đức tính trung thực trong tác nghiệp báo chí. Đây là một trong các nội dung quan trọng của 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày 18/6/1996, tại buổi nói chuyện nhân ngày ra trường của khóa đại học báo chí thứ 11, Phân viện (nay là Học viện) Báo chí và Tuyên truyền, nhà báo Hữu Thọ lúc đó là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), đã căn dặn những nhà báo tương lai rằng “Làm cái nghề này phải Mắt sáng, lòng trong, bút sắc thì mới nên nghề”. Mắt sáng được hiểu là yêu cầu, là kết tinh của nhận thức, trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, thế giới quan, nhân sinh quan của nhà báo. Lòng trong là nói về đạo đức làm nghề, đạo đức nhà báo. Bút sắc là tay nghề của nhà báo, là nghiệp vụ của nhà báo, là việc rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp của nhà báo.
Từ những lời dạy, kinh nghiệm làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà báo lão thành, suy ngẫm càng thấm thía là cần thiết với những người làm nghề báo hơn bao giờ hết.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()