Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:39 (GMT +7)
Nhìn từ chuyện TikToker, YouTuber náo loạn đám tang nghệ sĩ Vũ Linh
Thứ 6, 10/03/2023 | 15:13:15 [GMT +7] A A
Nhiều người bức xúc, thậm chí... không hiểu nổi vì sao những TikToker, YouTuber có thể làm những việc 'báng bổ' trước một đám tang, người vừa nằm xuống như vậy. Họ bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức chỉ nhằm để câu view, kiếm tiền.
Nếu như mạng xã hội là tấm gương phản chiếu xã hội thực, chúng ta đang có một xã hội thật đa sắc với đủ cả xấu, tốt mà phần xấu có vẻ đang khá thắng thế, nếu nhìn từ chuyện TikToker, YouTuber làm náo loạn đám tang NSƯT Vũ Linh mấy ngày qua và nhiều đám tang người nổi tiếng trước đây ở TP.HCM.
Nhiều người khi đọc những tin tức này đã vô cùng bức xúc, thậm chí... không hiểu nổi vì sao những TikToker, YouTuber kia có thể làm những việc "báng bổ" trước người vừa nằm xuống như vậy, những việc phản văn hóa và cả thiếu đạo đức chỉ vì chạy theo câu like, câu view kiếm tiền.
Văn hóa tôn trọng người đã khuất
Việt Nam là đất nước Á Đông rất coi trọng tập tục, truyền thống văn hóa. Trong đó có một thứ văn hóa bám rễ bền chặt trong xã hội từ thời đại này nối thời đại kia. Đó là văn hóa tôn trọng người đã khuất, trở thành một thứ đạo, một thứ đạo hầu như là nguyên thủy của người Việt, đó là đạo thờ ông bà tổ tiên.
Bởi tôn trọng người đã khuất, tang ma đối với người Việt thường được làm rất kỹ càng với nhiều tục lệ mà lối sống mới hiện nay đã giản tiện đi nhiều.
Nhưng tinh thần "nghĩa tử là nghĩa tận", tôn kính người vừa nằm xuống vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Người Việt có thể không nhất thiết phải có ngôi nhà thật đẹp cho người sống, nhưng nhất thiết phải lo cho người chết được "mồ yên mả đẹp".
Văn hóa tang ma của người Việt thậm chí được lựa chọn đưa vào nhiều tác phẩm điện ảnh như một cách để người đạo diễn khoe với thế giới về sự giàu có, đậm bản sắc của văn hóa Việt Nam.
Không chỉ người Việt khoe văn hóa ấy của người Việt như trường hợp phim Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di, mà đạo diễn nước ngoài cũng không bỏ lỡ cơ hội tạo mùi vị bản địa hấp dẫn cho phim của mình khi đưa cảnh tang lễ trên sông của người Việt ngay phần mở đầu phim như phim Đông Dương (Indochine) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier.
Nhắc lại truyền thống văn hóa này của người Việt để hiểu vì sao dư luận lại bức xúc như vậy trước mỗi lần TikToker lại gây hỗn loạn ở các đám tang người nổi tiếng để đoạt cho bằng được những thước phim tang lễ rồi "chế" những nội dung phần nhiều là sai trái để hút khán giả, kiếm tiền.
Muốn xây văn hóa số, phải xây văn hóa trong xã hội
Nhưng, như đã nói ngay từ đầu, nếu mạng xã hội là tấm gương phản ánh xã hội, chúng ta đang có một xã hội đa sắc, cái xấu nổi lên bề mặt nhiều hơn, gây ra một hình ảnh khá hỗn loạn và đáng thất vọng về xã hội cho những ai "cả nghĩ".
Rõ ràng những TikToker, YouTuber là người thực, chẳng phải mạng ảo. Có nghĩa là những thứ ít văn hóa, mỏng đạo đức ấy đang tồn tại giữa đời thực. Không phải mạng xã hội độc hại, mà chính là những độc hại của đời thực được mang lên mạng xã hội vậy.
Cho nên, để loại rác trên mạng, không gì khác là phải làm trong sạch đời thực. Muốn xây văn hóa số, chính là phải xây văn hóa trong xã hội, không có cách khác. Ta không xây nền tảng văn hóa bền vững trong xã hội thực, làm sao có những người biết ứng xử văn minh, đạo đức trên mạng xã hội.
Vậy là cuối cùng vẫn trở lại câu chuyện "chấn hưng văn hóa" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi từ Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 và được nhắc rất nhiều trong các hội nghị văn hóa, các văn bản quản lý văn hóa, các phát ngôn của quan chức văn hóa từ bấy tới nay.
Pháp luật nào, lực lượng an ninh nào ngăn xuể những TikToker, YouTuber bất chấp đạo lý quấy phá đám tang người nổi tiếng để câu view hay ngăn được cái "văn hóa" chửi của người Việt đang lây lan như bệnh dịch trên toàn cõi mạng?
Tất nhiên, những biện pháp kỹ thuật, pháp luật là cần thiết như một thứ công cụ hỗ trợ, nhưng gốc rễ vẫn phải là dựng lại văn hóa, dựng lại nếp nhà, nếp người trong một thời kỳ mà xã hội Việt, người Việt đang bị choáng ngợp, hoang mang trước một cuộc sống đang biến đổi quá nhanh, những giá trị liên tục bị đảo lộn.
Phải nhớ câu nói bất hủ của Bác Hồ mấy chục năm trước: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Phải dựng lại văn hóa cho từng con người trong xã hội. Phải đặt lại vai trò của văn hóa.
Văn hóa không phải thứ trà dư tửu hậu trong xã hội, có thể làm sau để ưu tiên kinh tế trước. Bởi văn hóa chính là cái dây cương cho con ngựa xã hội được đi hiền hòa, là đường ray cho con tàu xã hội tiến lên vững chãi.
Đủ văn hóa, người ta mới biết tri túc. Có tri túc, quan chức không tham nhũng vô độ, doanh nhân không kiếm tiền vô độ bằng tàn phá môi trường, bóc lột công nhân, trốn thuế, làm hàng giả; ngư dân không tận diệt biển, nông dân không "kích phọt" cây trồng, vật nuôi, thương nhân không buôn bán hàng giả hại người; nhà văn chỉ một lòng tìm đạo, chở đạo cho dân chúng...
Và để làm được những điều này, để xây văn hóa, nhất định không thể bằng các hội nghị rình rang, bằng cờ đèn kèn trống. Nhiều việc thực chất phải làm, trong đó không thể thiếu việc xã hội phải biết tận dụng, sử dụng người tài như một cách nuôi dưỡng nguyên khí quốc gia.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()