Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Khai thác dư địa trong hành trình cải cách
Thứ 6, 29/03/2024 | 16:11:37 [GMT +7] A A
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và công bố kết quả các chỉ số trọng yếu trong công tác cải cách của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023, bên cạnh đánh giá, phân tích kỹ mục tiêu, nhiệm vụ đạt được, biểu dương những cách làm hay, điển hình tiên tiến...; việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương thẳng thắn nhìn nhận. Từ đó đề xuất, thống nhất nhiều giải pháp tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tạo đột phá hơn nữa trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo.
Thể hiện quyết tâm cao nhất
Tiếp nối kết quả đã đạt được trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngày 9/4/2021 BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU "Về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đây là một trong những nghị quyết quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra; thể hiện quyết tâm chính trị lớn của tỉnh trong đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xác định tính then chốt của công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sự phát triển tổng thể của tỉnh, việc triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU đã được các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, có theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, kiểm đếm thường xuyên. Sau 3 năm triển khai, nhiều nội dung của Nghị quyết đã đạt được những kết quả khả quan, có đóng góp tích cực tới sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó có 7/8 mục tiêu đến năm 2025 cơ bản đạt yêu cầu đề ra theo từng năm. Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS, 5 năm dẫn đầu Chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu Chỉ số PAPI; là tỉnh duy nhất đến nay có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 Chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI vào năm 2020 và 2022.
Những đột phá về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chỉ số chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Minh chứng rõ nét, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 ước đạt trên 315.800 tỷ đồng, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc (sau Hà Nội, Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, tỉnh hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút FDI đạt trên 5 tỷ USD... Vị thế của tỉnh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và ngày càng hiện hữu một Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU vẫn còn một số hạn chế, điểm nghẽn đã bộc lộ. Tại hội nghị, nhiều tham luận của đại biểu đã đưa ra nhận định, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp để làm tốt công tác này thời gian tới. Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ CBCCVC trong giải quyết TTHC theo hướng sâu sát, kết quả được kiểm đếm cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác cải cách TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, hạn chế tối đa tình trạng quá hạn hồ sơ; lấy kết quả thực hiện TTHC của ngành, địa phương hằng năm là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, bình xét thi đua cho tập thể, cá nhân. Một trong những giải pháp trọng yếu nhất thời gian tới là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công, thực hiện dịch vụ công trực tuyến gắn với số hóa, tái sử dụng hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC một cách thực chất, hiệu quả để tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Là cơ quan chủ trì tham mưu công tác hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở KH&ĐT thẳng thắn nhận định nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế đã được chỉ ra trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, như: Thời gian thực hiện một số thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện còn kéo dài; các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn chưa được tối ưu, một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, chưa có nhiều giải pháp tập trung vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ... Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, nhấn mạnh: Bên cạnh chú trọng đến việc tổng hợp, nắm bắt và giải quyết kịp thời có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa các nội dung của công tác CCHC..., Sở tiếp tục quan tâm công tác phối hợp cùng các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, lao động, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, đẩy mạnh công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời làm tốt hơn nữa vai trò đầu mối tổng hợp, báo cáo, tham mưu các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Qua đó tăng cường sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn và an toàn.
Nâng chất các bộ chỉ số cải cách trọng yếu
Cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đánh giá thực hiện công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số thông qua việc triển khai các bộ chỉ số cải cách: PAR Index, DDCI, SIPAS, DGI, DTI. Trong năm 2023, việc thực hiện 5 chỉ số trọng yếu được triển khai sôi nổi, tính cạnh tranh cao, tạo khí thế thi đua, sự quan tâm, triển khai tích cực của các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng: Quảng Ninh luôn nỗ lực qua từng năm và đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện cải cách TTHC. Điều này được thể hiện rõ nét, cụ thể qua từng bộ chỉ số mà tỉnh đưa ra để các sở, ban, ngành, địa phương cùng thực hiện, với những giải pháp hết sức căn cơ, cụ thể. Chất lượng các bộ chỉ số được công bố năm sau đều cao hơn năm trước và duy trì sự bám sát điểm số giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương với nhau.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức hội nghị, bộ chỉ số năm 2023 được đánh giá khách quan, toàn diện giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, với sự tham gia đánh giá, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Điểm trung bình 5 chỉ số năm 2023 của các cơ quan, đơn vị, địa phương có xu hướng tăng so năm 2022, điều này khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng đi vào chiều sâu.
Đối với Chỉ số PAR Index, giá trị trung bình đạt được trong đánh giá đối với 51 cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh là 85,39%, trong đó giá trị đạt được của các cơ quan, đơn vị, địa phương dao động từ 63,63% đến 98,1%. So với năm 2022, giá trị trung bình đạt được tăng từ 84,29% lên 85,39%.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, chia sẻ: Năm 2023 có 35/51 đơn vị có giá trị trung bình Chỉ số PAR Index tăng hơn so với năm 2022. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có sự cải thiện rõ rệt đối với chỉ số này, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong việc đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC vì người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, việc đánh giá chỉ số DDCI được thực hiện đối với 36 cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó đối với khối huyện, điểm trung bình của 13 địa phương đạt 65,01, tăng 1 điểm so với năm 2022; điểm trung bình của 16 sở, ban, ngành đạt 65,79, tăng 3,18 điểm so với năm 2022; điểm trung bình của 7 cơ quan trung ương đạt 82,71 điểm. Hội nghị ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục của TP Hạ Long giữ vị trí dẫn đầu DDCI khối địa phương; huyện Bình Liêu vị trí thứ 2; huyện Hải Hà vị trí thứ 3; TP Uông Bí vị trí thứ 4; TX Quảng Yên vị trí thứ 5 (nhóm rất tốt). Ban Quản lý KKT tỉnh dẫn đầu DDCI khối sở, ban, ngành; Sở LĐ-TB&XH vị trí thứ 2; Sở Tư pháp vị trí thứ 3; Sở KHCN vị trí thứ 4, Sở Tài chính vị trí thứ 5 (nhóm rất tốt).
Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá qua phần mềm về mức độ chuyển đổi số (DTI) đối với 225 cơ quan, đơn vị, địa phương với 3 khối. Đối với các sở, ban, ngành, mức độ trung bình về chuyển đổi số đạt được là 550/1.000 điểm, đạt mức độ trung bình; các địa phương là 653/1.000 điểm, đạt mức độ trung bình; các đơn vị cấp xã là 570/1.000 điểm, đạt mức độ trung bình.
Trong 5 chỉ số đánh giá, ngoài 3 chỉ số tăng điểm được nêu bật ở trên, thì 2 chỉ số còn lại giảm điểm so với năm 2022 (SIPAS, DGI). Điều này cho thấy, có lúc, có nơi vẫn còn biểu hiện chững lại, tự mãn hoặc thiếu quyết tâm khắc phục yếu kém, chậm nâng cao chỉ số; đặt ra cho các cấp, các ngành phải không ngừng đổi mới phương pháp làm việc, lấy các chỉ số đánh giá làm thước đo khách quan để nhìn lại mình, để mỗi ngành, đơn vị, địa phương phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, làm tốt công việc, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; xây dựng nền hành chính tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp gắn với định vị thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phong cách, phương pháp, lề lối làm việc, bảo đảm khoa học, dân chủ, nói đi đôi với làm, theo việc đến cùng, dứt điểm, đo đếm được kết quả, hiệu quả theo phương châm “5 thật”, “6 dám”, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng CBCCVC. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, trong đó tập trung kiểm tra trách nhiệm của CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Nhìn nhận rõ những hạn chế và khai thác dư địa trong hành trình cải cách, Quảng Ninh tiếp tục kỳ vọng những đổi mới, tạo đột phá hơn nữa ở nội dung công tác quan trọng này trong năm nay và giai đoạn tiếp theo.
Mạnh Trường - Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()