Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:40 (GMT +7)
Nhìn lại nửa năm 2022 của điện ảnh Việt: Tranh cãi và hụt hẫng về doanh thu
Thứ 4, 29/06/2022 | 14:12:43 [GMT +7] A A
Trong nửa đầu năm 2022, khi rạp phim được cho phép mở cửa hoạt động trở lại đã có không ít bộ phim (từ kinh phí thấp đến cao) lần lượt đổ bộ màn ảnh rộng. Tuy nhiên, vẫn chưa có tác phẩm nào chạm tới mốc 100 tỉ đồng.
Không thể phủ nhận rằng trong 2 năm qua, điện ảnh Việt gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hành vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cộng với đó việc quay phim cũng gặp nhiều khó khăn khiến nhiều đoàn phim phải hoãn tác phẩm hoặc dời lịch chiếu nhiều lần.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, không ít phim đổ bộ ra rạp. Một số phim cũng tranh thủ thực hiện để đón đầu lượng khán giả khát phim điện ảnh sau thời gian dài “làm bạn với tivi”.
Chính vì thế mà từ đầu năm đến nay đã có khoảng 20 phim điện ảnh Việt ra rạp đủ các thể loại từ kinh dị, hài, tâm lý đến hành động. Thế nhưng một thực tế đáng buồn là số lượng ồ ạt nhưng chất lượng phim lại không đảm bảo.
Nhìn vào doanh thu của các bộ phim Việt trong năm 2022, có thể thấy cộng lại vẫn chỉ mới bằng Bố Già (420 tỉ đồng) của Trấn Thành. Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022 rơi vào tình trạng khát phim trăm tỉ một cách trầm trọng.
Vì sao phim Việt ra rạp không bùng nổ?
“Bẫy ngọt ngào” của Minh Hằng cán mốc hơn 83 tỉ đồng và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong vài tháng đầu năm 2022 cho thấy điện ảnh Việt vẫn chưa phục hồi.
Dịp Tết Nguyên đán, 5 phim ra rạp cùng lúc với mong muốn đón đầu kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm là “Chìa khóa trăm tỷ”, “1990”, “Nhà không bán”, “Mưu kế thượng lưu”, “Trạng Tí”, không có phim nào bứt phá về mặt doanh thu. Cụ thể, phim có doanh thu tốt nhất là “Chìa khóa trăm tỷ” cũng dừng ở mức hơn 60 tỉ đồng, trong khi đó phim “Nhà không bán” cũng ở mức gần 30 tỉ đồng dù có nhiều ngôi sao như Việt Hương, Nam Em... tham gia.
Các phim ra rạp từ tháng 2 năm nay như “Chuyện ma gần nhà” của đạo diễn Hữu Tấn và “Bẫy ngọt ngào” của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư ban đầu tạo được cơn sốt phòng vé nhờ PR rầm rộ, tuy nhiên doanh thu của phim chỉ dừng mức vài chục tỉ đồng.
Ngoài 2 phim này, thì các tác phẩm khác không ấn tượng, điển hình là phim “Người tình” có người mẫu Minh Tú đóng vai nữ chính chỉ đạt hơn 1,3 tỉ đồng. Bộ phim này mất 5 năm mới ra rạp vì vấn đề kiểm duyệt. Tuy nhiên, khi tác phẩm lên màn ảnh rộng bị khán giả chê bai vì nội dung thiếu sức hút.
Nửa đầu năm 2022, có khoảng 20 phim điện ảnh ra rạp - đây là con số bằng với 2021, nhưng khác với năm ngoái, rạp không có phim nội địa nào đạt được “trăm tỉ”. Bên cạnh đó những tác phẩm được đánh giá tạm ổn thì doanh thu đạt mức lưng chừng thì nhiều phim bị đánh giá PR lố, nội dung không đúng với những tung hô từ nhà sản xuất.
Điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022 là “Đêm tối rực rỡ”. Tuy nhiên, “Đêm tối rực rỡ” lại kén người xem vì nội dung có phần khiến khán giả bị áp lực cảm xúc và nặng nề bi kịch.
Nhìn qua một vòng doanh thu phim Việt, hiện chỉ có “Em và Trịnh” là phim được mong chờ đạt được cột mốc này, phim hiện đang dừng ở mức hơn 90 tỉ đồng (tính đến 28.6). Tuy nhiên, phim đang có dấu hiệu chững lại vì lượng khán giả ra rạp dần hạ nhiệt.
“Em và Trịnh được ví là phim bom tấn của màn ảnh Việt khi đầu tư lên đến 50 tỉ đồng (theo nhà sản xuất). Tuy nhiên, phim vấp phải hàng loạt những tranh cãi về nội dung lẫn diễn xuất của dàn sao.
Điều này cho thấy, các phim Việt ra rạp từ đầu năm đến nay, chưa thật sự làm tốt ở khâu nội dung dẫn doanh thu thiếu bứt phá. Những tưởng sau dịch, khán giả sẽ ồ ạt ra rạp để ủng hộ điện ảnh Việt, tuy nhiên cách thực hiện nội dung thiếu sáng tạo, đầu tư chưa đúng cách của nhà làm phim lại phản tác dụng, dẫn đến doanh thu phim không mấy ấn tượng.
Bài học rút ra là gì?
Nhìn vào sự thất bại của nhiều bộ phim Việt ra mắt trong nửa đầu năm 2022 có thể thấy, điểm yếu của các tác phẩm này vẫn nằm ở khâu nội dung và diễn xuất của dàn sao. Việc đầu tư đẩy mạnh công tác truyền thông như: “Phim ma thật người thật”, “phim Việt đầu tiên có bối cảnh khủng” hay “phim có kinh phí cao nhất” khiến khán giả bị đánh lừa rằng chuyện đầu tư cao sẽ đi đôi với chất lượng tốt. Và khi ra rạp, mọi thứ không như “quảng cáo” khiến khán giả thất vọng. Theo biên kịch Hồng Nhung, nhà làm phim Việt vẫn chưa thoát khỏi tâm lý “phụ thuộc vào ngôi sao phòng vé”. Điều đó phần nào khiến nhà sản xuất dựa vào danh tiếng, độ hot của những ngôi sao này thu hút khán giả ra rạp mà không quan tâm nhiều đến chất lượng phim.
Tác phẩm được Lý Nhã Kỳ đầu tư (Kẻ thứ 3) hơn 33 tỉ đồng là một ví dụ. Được nhắc đến là tác phẩm hợp tác Hàn - Việt với nam tài tử Han Jae Suk cùng êkíp Hàn uy tín cộng thêm sức chịu chi của Lý Nhã Kỳ là thế, nhưng “Kẻ thứ 3” lại được liệt vào hàng “tệ phẩm” vì nội dung “đầu voi đuôi chuột”, diễn xuất gượng gạo. Bộ phim quảng bá rầm rộ có sự góp mặt của tài tử Han Jae Suk nhưng cuối cùng nội dung lạc quẻ, không có gì mới...
Ninh Dương Lan Ngọc - “ngọc nữ” màn ảnh Việt, Nhã Phương hay cái tên mới như H’Hen Niê lại nhận nhiều ý kiến trái chiều về diễn xuất khi tham gia đóng phim trong năm 2022. Trong đó, phim “578: Phát đạn của kẻ điên” quảng bá đầu tư 60 tỉ đồng, có hoa hậu H’Hen Niê tham gia đóng vai đả nữ. Nhưng cuối cùng, phim rời rạp chỉ với vài tỉ đồng doanh thu vì nội dung thiếu bứt phá.
Nhìn chung, điện ảnh Việt cần phải thay đổi rất nhiều để kéo khán giả trở lại rạp, không chỉ bằng cách thức PR mà còn phải thuyết phục khán giả bằng sự độc đáo trong nội dung và diễn xuất. Đặc biệt hãy loại bỏ chuyện quá phụ thuộc ngôi sao phòng vé hay PR quá lố dễ bị phản tác dụng. Điều cần hơn hết chính là việc tìm kiếm và khai thác kịch bản đúng cách. Đó mới là yếu tố hàng đầu giữ chân khán giả.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()