Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:59 (GMT +7)
Nhìn lại nhiệm kỳ XII: Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ 4, 20/01/2021 | 14:20:36 [GMT +7] A A
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp phiên thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng.
Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Quyết tâm chính trị cao
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “tham nhũng là giặc nội xâm” và chỉ rõ “thắng giặc ngoại xâm đã khó, thắng giặc nội xâm lại càng khó hơn." Thực hiện chỉ đạo của Người, những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta đã tiến hành cuộc vận động "Ba xây ba chống," gồm: nâng cao tinh thần trách nhiệm; tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh trong suốt thời kỳ đổi mới. Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII, Đảng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương 6 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chống tham nhũng, lãng phí.
Đặc biệt ở Đại hội XII, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được đặt ở vị trí cao hơn, đề cập rõ cả trong xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng đối với tệ nạn nguy hiểm này, coi tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước, chế độ. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: "Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng."
Biến chủ trương thành hành động, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công cuộc phòng, chống tham nhũng bước sang một giai đoạn mới, với những cách làm, hướng đi ngày càng quyết liệt, triệt để.
Trong nhiệm kỳ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chỉ đạo để hoàn thiện các luật, quy định về phòng, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 để triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo thực hiện phòng, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư công, quản lý tài nguyên, vốn, tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp…
Đảng đã lãnh đạo thể chế hóa chủ trương thành các đạo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Tố cáo (sửa đổi)...
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với quyết tâm tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Thực hiện chủ trương này, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan rất quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Với quyết tâm chính trị cao cùng hành động quyết liệt, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thượng tôn pháp luật
Tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng đóng vai trò rất quan trọng, là tiền đề, “mở đường” cho xử lý kỷ luật hành chính và xử lý theo pháp luật, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Sự nghiêm minh này đã được thể hiện rõ qua số lượng cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ vừa qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm."
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Bên cạnh đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm. Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được các cơ quan quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả.
Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Các cơ quan đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Những kết quả nổi bật này một lần nữa khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, rằng "không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" và không “chùng xuống” như một số ý kiến băn khoăn.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định các cơ quan đã điều tra làm rõ một số vụ đặc biệt nghiêm trọng mà trước đó cho là có “vùng cấm, nhạy cảm." Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng."
Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh tất cả các vi phạm đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, “bất kể người đó là ai." Điều này thể hiện qua việc cơ quan điều tra đã khởi tố một bị can nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, ba bị can nguyên là Bộ trưởng, một số cán bộ tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang…
Bị cáo Dương Chí Dũng và các bị cáo khác trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Từ kết quả điều tra, truy tố đã xét xử các bị cáo với những mức án nghiêm khắc, trong đó có cả án chung thân, tử hình. Điển hình như Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn, Đặng Văn Hai trong vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính ALC2; Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Housing Group...
“Có thể nói, quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng với phương châm nhất quán “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” là chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan tư pháp trong phát hiện, điều tra, xử lý án tham nhũng," Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhận định.
Sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống
Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, sự chủ động vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, thực hiện nhiệm vụ của mình, trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận cùng với 47 tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền để nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận diện rõ và có thái độ đấu tranh với hành vi tham nhũng, “nói không với tham nhũng."
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên tổ chức để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý, góp phần hoàn thiện chính sách về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp về những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, các biểu hiện sách nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng.
Đáng chú ý, hệ thống Mặt trận các cấp đã tích cực vận động nhân dân tham gia có hiệu quả trong việc giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát," tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng.
Trong khi đó, với ngòi bút sắc bén, lực lượng báo chí đã phát hiện, tạo áp lực xã hội mạnh mẽ ủng hộ đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu.
Không chỉ cung cấp thông tin để làm rõ các vụ việc tham nhũng, hoạt động của giới báo chí trong nhiều năm qua đã tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, phân tích, nhìn nhận sâu thực trạng tham nhũng, nguyên nhân và kiến giải các biện pháp phòng, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống thao túng xây dựng chính sách...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định từ kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.
Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân./.
Theo Phan Phương / (TTXVN/Vietnam+)
Liên kết website
Ý kiến ()