Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:40 (GMT +7)
Nhiều yếu tố bất lợi đe dọa mục tiêu kìm giữ lạm phát
Thứ 7, 14/05/2022 | 10:08:47 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu không ngừng “phi mã” đẩy giá thành sản xuất tăng cao, cùng với đó hàng loạt vấn đề gây áp lực lên giá tiêu dùng, do đó cần phải tìm giải pháp tối ưu để kìm giữ lạm phát.
Kìm giữ lạm phát trong bối cảnh hàng hóa “phi mã”
Chia sẻ với PV Lao Động, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh: Có nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến mục tiêu kìm giữ lạm phát. Việc tăng mạnh giá xăng dầu ba lần liên tiếp kể từ đầu năm 2022 đã tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm. Giá xăng, dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, cũng tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
“Dự báo trung bình giá dầu Brent của các tổ chức quốc tế ở mức 89USD/thùng năm 2022 và 80USD/ thùng năm 2023. Với kinh tế Việt Nam, xăng dầu có tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, dự báo trong năm 2022 giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế” - TS Nguyễn Bích Lâm thông tin.
“Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại” - TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân gây áp lực lên kìm giữ lạm phát: Nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng… phục vụ sản xuất trên thế giới tăng, gây áp lực đẩy giá tăng. Giá nguyên liệu trên thế giới tăng kéo giá trong nước tăng lên, tạo ra lạm phát “chi phí đẩy” đối với nền kinh tế nước ta.
Giải pháp nào để xua "bóng ma" lạm phát?
TS Nguyễn Bích Lâm cảnh báo về một số “gam màu tối” cần lưu ý: Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi đang đối mặt với những khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; khai thác thủy sản chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu, nhiều tàu thuyền không thể ra khơi, điều này dẫn tới giá thực phẩm có thể tăng vào những quý tới trong năm, gây áp lực lên mục tiêu kìm giữ lạm phát.
Về giải pháp kìm giữ lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm đề xuất hàng loạt giải pháp trong đó nhấn mạnh: Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại, khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
Còn theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, cùng với những chính sách khác thì việc điều tiết giá phải tận dụng tối ưu các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn mặt bằng giá nói chung. Đối với hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá, đặc biệt những loại là đầu vào quan trọng của nền kinh tế như: Điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công cần được cơ bản giữ ổn định.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()