Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 01:34 (GMT +7)
Nhiều ý kiến tâm huyết tham gia vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng
Thứ 7, 26/12/2015 | 05:24:35 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) đã nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu và toàn văn các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Để có được dự thảo các văn kiện trình hội nghị này, toàn Đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh đã tích cực nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tham gia.
Nhìn lại quá trình tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng ở tỉnh cho thấy, các cấp uỷ từ tỉnh tới cơ sở đã chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai. Toàn tỉnh đã tổ chức 5.494 hội nghị với 163.880 lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân tham dự, với tổng số 63.183 ý kiến tham gia vào văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp; trong đó, có 18.739 ý kiến tham gia vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. Báo Quảng Ninh cũng đã tiếp nhận và đăng tải nhiều ý kiến góp ý do bạn đọc gửi đến. Các ý kiến tham gia tập trung vào 15 vấn đề của Báo cáo chính trị Đại hội XII; 10 vấn đề của Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020.
Đại biểu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV phát biểu tham gia vào văn kiện Đại hội và dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. |
Tham gia vào dự thảo Báo cáo chính trị, trong phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, hầu hết các ý kiến đều cơ bản đồng tình với dự thảo. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng phần đánh giá khuyết điểm, hạn chế còn chung chung, từ đó đề nghị cần đánh giá cụ thể, có số liệu minh chứng và nêu rõ các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI đề ra như thế nào, những chỉ tiêu đã và chưa đạt; làm rõ nguyên nhân chủ quan hay khách quan đối với những chỉ tiêu chưa đạt. Có ý kiến đề nghị phần đánh giá về hạn chế việc triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã quyết liệt và mạnh mẽ nhưng kết quả không chỉ ra được “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” ở đâu và kết quả xử lý như thế nào?
Cũng trong Báo cáo chính trị, ở phần mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, bên cạnh sự thể hiện đồng tình, có ý kiến đề nghị thay từ “sớm” bằng mốc thời gian cụ thể trong đoạn: “... xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Ở phần nhiệm vụ tổng quát, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước”.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cũng tham gia góp ý vào các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được 5 năm tới. Trong đó, về kinh tế, có ý kiến cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm là cao, cần điều chỉnh ở mức 6-6,5%/năm để đảm bảo tính khả thi; cần tách riêng cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ trong GDP, hiện dự thảo đang để chung là trên 85%. Đối với chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% là cao, đề nghị giảm xuống không quá 3%... Về xã hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn và tỷ lệ thất nghiệp chung cho cả nước theo tiêu chí chung của quốc tế. Về môi trường, có ý kiến đề nghị tăng “tỷ lệ 80-85% chất thải nguy hại được xử lý” lên thành 100% vì tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại cho con người, môi trường; tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 44-45% lên 45-50%.
Về đổi mới mô hình tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, có ý kiến đề nghị cần ưu tiên đầu tư cho KHCN, phát triển nguồn nhân lực trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; phải làm rõ lĩnh vực, ngành then chốt, có lợi thế để đầu tư phát triển; quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... Cùng với đó, cũng có nhiều ý kiến tham gia vào các nhiệm vụ khác được đề cập trong dự thảo Báo cáo chính trị.
Nghiên cứu Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2010-2015 và phương hướng giai đoạn 2015-2020, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hầu hết cơ bản đồng tình với các nội dung được đề cập. Trong đó, hầu hết ý kiến nhất trí cao với nhận định tổng quát là: “Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, KT-XH nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng… tuy nhiên, KT-XH phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khó khăn, hạn chế…”.
Về mục tiêu tổng quát trong dự thảo báo cáo, hầu hết ý kiến nhất trí như dự thảo vì cho rằng xác định như vậy là đảm bảo tính bao quát và khả thi. Việc xác định tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của nước ta trong thời gian tới. Cùng với việc thể hiện sự cơ bản đồng tình, cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng góp ý vào 10 nhóm giải pháp được đề cập trong dự thảo. Đây thực sự là những ý kiến tâm huyết với mong muốn góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ngọc Hà
Liên kết website
Ý kiến ()