Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:41 (GMT +7)
Nhiều trẻ bị thương do tự chế và sử dụng pháo trong dịp cận Tết
Chủ nhật, 08/01/2023 | 11:24:44 [GMT +7] A A
Một số bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận nhiều nạn nhân nhỏ tuổi bị tai nạn thương tích do pháo tự chế gây ra, một số trường hợp trẻ bị bỏng cồn hoặc dập nát cánh tay do nghịch chơi tại khu vực nguy hiểm.
Thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, hàng loạt vụ tai nạn thương tích trẻ em thương tâm đã xảy ra trên khắp cả nước.
Các bác sỹ cảnh báo phụ huynh cần chú ý đến trẻ để phòng ngừa nguy cơ tai nạn không mong muốn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán - khi trẻ được nghỉ học kéo dài.
Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận nhiều nạn nhân nhỏ tuổi bị tai nạn thương tích do pháo tự chế gây ra. Điển hình là em N.M.T, 12 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk.
Thời điểm nhập viện, T bị đa chấn thương, các vết thương nham nhở ở vùng hàm mặt, vai, ngực, cẳng chân và mắt. Em được các bác sỹ bệnh viện tầm soát các thương tổn, phẫu thuật cắt lọc vết thương, lấy dị vật, khâu vết thương và điều trị bỏng mắt.
Hiện tại, em đã qua cơn nguy kịch, tình trạng dần ổn định. Theo thông tin từ gia đình, em cùng nhóm bạn gần nhà tự ý đặt mua nguyên liệu trên mạng rồi cùng chế tạo pháo. Pháo nổ khiến hai em trong nhóm tử vong, hai em bị thương.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận một bé trai (15 tuổi ngụ Bình Thuận) tự học chế pháo đã vĩnh viễn mất đi ngón tay ở bàn tay phải, kèm vết thương rất nặng ở lòng bàn tay.
Từ những sự cố thương tâm liên quan đến pháo tự chế đặc biệt khi mùa Tết đang cận kề, bác sỹ Nguyễn Hiền, Khoa Ngoại Tổng hợp-Bệnh viện Nhi đồng 2 lưu ý gia đình và nhà trường cần quan tâm hơn nữa, tăng cường giáo dục, tuyên truyền để các em nhận thức được hành vi tự chế pháo là vi phạm pháp luật. Càng nguy hiểm hơn, tự chế pháo và sử dụng pháo có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh.
Bác sỹ Nguyễn Tấn Hưng, Phòng Chỉ đạo tuyến-Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị bỏng cồn với tình trạng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sỹ Nguyễn Tấn Hưng, bỏng cồn là loại bỏng rất nguy hiểm bởi vì dễ bắt cháy và lây lan ra các vật liệu khác, đồng thời lửa cồn màu xanh rất khó nhìn thấy khi lửa nhỏ khiến nhiều người không để ý, vô tình tiếp thêm cồn dẫn đến lửa bùng lên và gây ra tai nạn. Bỏng cồn thường bỏng ở mặt, thân trước, tứ chi hoặc thậm chí bỏng đường hô hấp.
Để dự phòng tai nạn đáng tiếc xảy ra, phụ huynh không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn, đặc biệt là nấu bằng cồn. Người nhà chú ý trông chừng trẻ khi ngồi trên bàn ăn có bếp dùng cồn để nấu; chú ý thường xuyên đến trẻ khi nấu ăn để tránh trẻ đột ngột chạy đến bếp nấu.
Đối với những trẻ đã nhận thức được, phụ huynh cần cho trẻ biết những hiểu biết cơ bản để phòng tránh các tai nạn gây bỏng, hướng dẫn cho trẻ những điều cần làm nếu không may xảy ra tai nạn.
Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận bé trai V.T.KH (7 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) trong tình trạng cánh tay trái bị dập nát. Theo người nhà, trẻ đi đến công trình xây dựng chơi, thò tay vào máy trộn bêtông, bị kẹt tay vào máy. Trẻ sau đó được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương, sơ cứu băng nẹp và truyền dịch giảm đau, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, các bác sỹ ghi nhận trẻ lừ đừ, da xanh niêm nhợt, môi tái, vết thương toàn tay trái dập nát, chảy máu, không bắt được mạch quay. Chẩn đoán vết thương tay trái dập nát gây đứt động mạch cánh tay, chảy máu, sốc mất máu, ngay lập tức, các bác sỹ cấp cứu kích hoạt quy trình báo động đỏ, đồng thời băng ép vết thương cầm máu, đặt nội khí quản giúp thở, thiết lập hai đường truyền tĩnh mạch truyền dịch chống sốc, đăng ký máu, chuyển phòng mổ trong vòng 15 phút.
Êkíp các bác sỹ chỉnh hình, mạch máu, ngoại khoa, gây mê hồi sức, hồi sức ngoại, ngân hàng máu, tích cực hồi sức truyền dịch, truyền máu, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh toan chuyển hóa máu.
Do mô hoại tử rất nhiều, các bác sỹ đã tiến hành cắt lọc và lấy ra nhiều đất cát. Nhận thấy không thể cắt nối động mạch được nên các bác sỹ rạch da 10cm ở cổ chân lấy một đoạn tĩnh mạch ghép vào thay thế đoạn động mạch cánh tay bị dập cắt bỏ, khâu cơ che xương, làm mỏm cụt ngón 1 và 3.
Sau gần 2 tháng điều trị, mạch máu của trẻ lưu thông tốt, tưới máu đầu chi hồng hào. Trẻ được cai máy thở, tỉnh táo, được ghép da và phục hồi dần tay trái, có thể cử động giơ lên, hạ xuống như bình thường.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến cáo phụ huynh nên giáo dục con em mình nhận thức được nguy hiểm rình rập khi đến chơi ở các công trình xây dựng như ngã vào các hố đào dở dang bị ngập bởi nước mưa, các dụng cụ tường vách, dàn giáo có thể sập đè, các máy cắt thép, gạch, máy trộn bêtông… nguy hiểm đến tính mạng.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()