Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:07 (GMT +7)
Nhiều sinh viên bỗng thành 'con nợ' khi tin chiêu lừa việc nhẹ lương cao
Thứ 4, 23/10/2024 | 15:21:24 [GMT +7] A A
Thời gian qua không ít sinh viên trở thành con mồi trước những chiêu trò lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' của kẻ xấu.
Nguyễn Tấn Phát (18 tuổi, quê Nam Định), sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội vừa mất 1 triệu đồng khi tin vào bài viết tuyển dụng trên mạng xã hội.
Gia cảnh không mấy khá giả nên ngay khi lên Hà Nội, Phát đã tìm công việc làm thêm sau giờ học. Nam sinh truy cập vào nhóm "Tìm kiếm việc làm thêm tại Hà Nội" thấy có nhiều công việc lương cao, giờ giấc linh hoạt phù hợp với lịch học trên trường và sinh hoạt ở nhà nên khá hứng thú.
Sau khi hỏi kỹ hơn về công việc, Phát thấy đáp ứng đủ các yêu cầu, nhưng trước khi đến nhận việc, công ty này yêu cầu phải đóng trước các khoản tiền như: Tiền đồng phục, tiền làm hồ sơ tuyển dụng, tiền giấy khám sức khỏe... tổng mức đóng trước gần 1 triệu đồng.
Mức lương cao, thời gian làm việc phù hợp, không gò bó nên nam sinh đóng luôn không nghi ngờ. Đóng tiền xong họ hẹn hôm sau đến địa chỉ công ty để phỏng vấn và có thể làm việc ngay.
Hôm sau, khi đến địa chỉ công ty để phỏng vấn, nam sinh mới phát hiện nơi này chỉ là ngõ nhỏ với toàn nhà dân. Phát hỏi hàng xóm xung quanh và được biết khu vực từ trước đến nay không có công ty nào.
Chàng sinh viên vội vàng mở điện thoại tìm lại đoạn chat với người tuyển dụng trước đó thì thấy tất cả tin nhắn đều bị xóa không dấu vết, gọi điện cũng không liên lạc được. Phát sững người khi biết bản thân đã bị lừa.
"Nghe nhiều về lừa đảo qua mạng nhưng không nghĩ sẽ có ngày em lại trở thành nạn nhân. Mặc dù buồn vì mất tiền nhưng em cũng coi đây là bài học kinh nghiệm để trưởng thành hơn", nam sinh chia sẻ.
Ngô Xuân Nam (18 tuổi, quê Hà Tĩnh), sinh viên năm nhất trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã mất gần 10 triệu đồng khi rơi vào bẫy tinh vi của bọn lừa đảo.
Nam hay lướt mạng xã hội để tìm hiểu thông tin về đơn vị tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… với mỗi lần mua hàng sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền hoa hồng từ 10% - 20% giá trị đơn hàng.
Ban đầu, phía công ty gửi đường liên kết các trang website cho nam sinh để duyệt đơn hàng và yêu cầu đặt cọc 100%. Mới đầu, với những đơn lẻ có giá trị từ 15.000 - 50.000 đồng, Nam mua vẫn được hoàn tiền cùng hoa hồng về tài khoản. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề muốn rút số tiền này về tài khoản, lập tức phía công ty yêu cầu Nam cần thực hiện thêm những đơn hàng khác để tăng thêm tiền thưởng mới rút được.
Sau đó, tài khoản của Nam liên tục nhận được những đơn hàng với mệnh giá cao hơn từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. “Khi nộp đến 7 triệu đồng, em rất sốt ruột vì tiền cứ nộp vào để mua hàng nhưng tiền hoa hồng lại không nhận được. Nhắn tin với nhân viên công ty, họ yêu cầu phải tiếp tục mua tiếp để đạt mốc 10 triệu đồng, nếu không toàn bộ tiền đã nạp vào mua hàng trước đó và tiền hoa hồng đều không lấy được”, nam sinh nói.
Tiếc số tiền đã bỏ vào trước đó, Nam phải vay bạn bè tiền với hy vọng mua nốt vài đơn hàng sẽ được công ty hoàn trả. Đến khi không còn tiền đóng nữa Nam phải xin công ty mở tài khoản cho phép rút tiền về, thế nhưng người hướng dẫn lập tức chặn liên lạc chỉ trong một nốt nhạc.
“Bao nhiêu tiền học phí bố mẹ gửi xuống đều bị lừa mất sạch, mấy hôm nay, em suy sụp không dám gọi điện về cho gia đình”, Nam buồn bã chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, hiện nay tình trạng các tân sinh viên hay thậm chí sinh viên năm 2 - 3 đối mặt với các chiêu thức lừa đảo rất tinh vi.
Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do sinh viên còn thiếu kỹ năng, ít chủ động tìm hiểu sâu và tư duy vấn đề theo hướng bản chất của sự việc nên dễ bị cuốn vào các thông tin được thổi phồng (công việc nhẹ, lương cao hoặc những quảng cáo của nhà tuyển dụng, các trang mua bán, cho thuê giá rẻ mà chất lượng tốt…)
Theo cô Mai, khi tìm việc làm thêm, sinh viên cần tìm tới các trung tâm môi giới uy tín, tìm hiểu kỹ trước khi nộp đơn về chỗ ứng tuyển, nội dung công việc, điều khoản trong hợp đồng.
"Sinh viên cần trang bị kiến thức và kỹ năng cho bản thân như tìm hiểu thông tin, biết cách khai thác và hiểu được bản chất của sự việc, không có công việc nào là nhẹ nhàng mà dễ thành công. Để tránh rơi vào các chiêu trò lừa đảo, khi mua bán, thuê nhà cần tìm hiểu thông qua các kênh tin cậy, đến tận nơi tìm hiểu rồi mới đưa ra quyết định…", cô Mai nói.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()