Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:13 (GMT +7)
Nhiều quy định mới nhưng không gây xáo trộn
Thứ 4, 18/12/2024 | 10:50:57 [GMT +7] A A
Từ ngày 1/1/2025, các quy định mới về giấy phép lái xe (GPLX, bằng lái) chính thức có hiệu lực nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và hiện đại hóa công tác quản lý. Theo các cơ quan quản lý, việc áp dụng các quy định mới có bước chuyển tiếp, không gây xáo trộn cho người điều khiển phương tiện…
Thay đổi phân hạng và độ tuổi điều khiển phương tiện
Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành quy định, GPLX gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC. Còn theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2025, GPLX không còn hạng A2, A3, A4, B2, E, FB2, FD, FE, FC và bổ sung GPLX hạng A, C1, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E. Đồng thời, luật mới cũng thay đổi loại xe được lái trong từng hạng. Theo các cơ quan quản lý, việc phân hạng mới này nhằm phù hợp với Công ước Vienna năm 1968 và quy định của nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, với mô tô, hạng A1 của nước ta cấp cho người điều khiển mô tô có dung tích đến dưới 175 cm3, nhưng phân hạng của thế giới chỉ đến 125 cm3.
Về độ tuổi được cấp các hạng GPLX cũng có một số thay đổi. Theo đó, người từ 16 tuổi bắt đầu được cấp GPLX gắn máy, sau đó được nâng hạng dần tùy theo độ tuổi và loại phương tiện. Đáng chú ý, theo quy định hiện hành thì tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi được nâng lên. Theo đó, quy định hiện hành, người được phép điều khiển loại xe này là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam (điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ Việt Nam 2008). Theo quy định mới, từ năm 2025, tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Về thời hạn của GPLX, các hạng đối với xe gắn máy và xe mô tô các loại vẫn không áp dụng thời hạn. Với xe ô tô, GPLX hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; GPLX các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm. Như vậy, theo quy định mới, thời hạn GPLX đối với xe ô tô số tự động và ô tô điện (bằng lái xe B1 hiện hành) bị rút ngắn. Theo đó, quy định mới GPLX hạng này theo quy định mới có thời hạn 10 năm. Trong khi, quy định hiện hành, GPLX loại này được sử dụng đến 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam.
Tiện lợi hơn
Điểm của GPLX là quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông. Tổng số điểm cấp cho mỗi người sở hữu GPLX là 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Người có GPLX bị trừ hết điểm sẽ phải tham gia bài kiểm tra kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bao gồm phần lý thuyết và mô phỏng tình huống giao thông.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, GPLX cấp trước ngày 1/1/2025 sẽ tiếp tục có hiệu lực sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trên bằng. Chẳng hạn, người có bằng lái xe hạng B1 cấp trước ngày 1/1/2025 vẫn tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn ghi trên bằng mà không phải thi lại hay đổi sang hạng B; GPLX mô tô hạng A1 đã được cấp vẫn được lái xe mô tô đến 175cm3.
Về đào tạo, người học các hạng GPLX ô tô được chọn học lý thuyết tập trung tại cơ sở đào tạo hoặc tự học từ xa có hướng dẫn. Cùng với đó sẽ bỏ môn nghiệp vụ vận tải, thay vào đó, tài xế chuyên nghiệp sẽ được tập huấn tại doanh nghiệp theo quy định riêng. Khóa học GPLX không quá 90 ngày, yêu cầu học tối thiểu 70% thời gian lý thuyết và 50% số km thực hành. Đào tạo thực hành có thêm phần mô phỏng tình huống giao thông thực tế, tăng hiệu quả và an toàn.
Về ô tô điện, Thông tư 35/2024/TT-BGTVT (quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; cấp, sử dụng GPLX quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) của Bộ GTVT, từ ngày 1/1/2025, chương trình đào tạo cho ô tô điện tương tự như xe số tự động, bao gồm lý thuyết và thực hành.
Ông Lê Ngọc Diễn, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, các quy định mới cơ bản không gây xáo trộn đối với người có GPLX. Bởi vì, các GPLX đã được cấp vẫn có hiệu lực. “Các quy định mới như thay đổi phân hạng nhưng không ảnh hưởng đến người đang có GPLX. Về màu sắc, GPLX vẫn sẽ cấp theo phôi hiện hành (màu vàng); kế hoạch sẽ đổi từ màu vàng sang màu hồng vào đầu năm 2026 cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc đổi màu sắc không ảnh hưởng đến người sử dụng GPLX”, ông Diễn nói.
Theo ông Diễn, những ngày gần đây, số lượng người bị mất hoặc hết hạn đề nghị cấp lại có tăng (để tránh phải thi lại lý thuyết). Tuy nhiên, do lường trước nên Sở GTVT đã chỉ đạo Văn phòng Sở GTVT bố trí tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất. Trong đó, phòng Quản lý phương tiện và người lái và Thanh tra Sở được tăng cường thêm tại hai điểm cấp đổi GPLX để phục vụ nhân dân kịp thời, không xảy ra ùn ứ, mặc dù số lượng người đến làm thủ tục có tăng đột biến.
Đại diện Phòng Quản lý phương tiện người lái của Cục Đường bộ, Bộ GTVT cho hay, hiện tại phôi GPLX đã đủ để cấp cho người có nhu cầu. Đối với những người thực hiện thủ tục trước 1/1/2025 vẫn cấp theo phân hạng cũ. Người cấp sau thời điểm trên sẽ được cấp theo phân hạng mới. Phôi hiện hành vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng, chỉ thay đổi chữ số phân hạng trên GPLX.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()