Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 17/01/2025 04:56 (GMT +7)
Nhiều nước phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới, WHO theo dõi biến thể có khả năng kháng vaccine
Thứ 4, 01/09/2021 | 14:42:38 [GMT +7] A A
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng kháng vaccine. Biến thể này bùng phát ở Colombia hồi tháng 1/2021.
Biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, được WHO phân loại là "biến thể đáng quan tâm". WHO cho biết, biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này.
Tất cả các virus, gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, khả năng kháng vaccine và thuốc điều trị.
Hiện WHO phân loại 4 biến thể virus SARS-CoV-2 ở mức "đáng lo ngại", trong đó có biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và biến thể Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có 5 biến thể, gồm biến thể Mu, đang được theo dõi. Sau khi bùng phát ở Colombia hồi đầu năm, biến thể Mu đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu. WHO cho biết, biến thể Mu chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở Colombia, tỷ lệ này là 39%.
Liên quan đến biến chủng SARS-CoV-2, các nhà khoa học Nhật Bản xác nhận, nước này đã phát hiện một bệnh nhân nhiễm đột biến mới của biến thể Delta, được điều trị vào giữa tháng 8 tại thủ đô Tokyo.
Trường hợp này mang đột biến N501S, tương tự như đột biến của biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu ở Anh vào năm 2020. Bệnh nhân nhiễm đột biến N501S chưa từng đi ra nước ngoài và mắc COVID-19 do tiếp xúc trong cộng đồng. Đến nay, có 8 ca mắc đột biến mới này của biến thể Delta được ghi nhận trên toàn thế giới. Các nhà khoa học cho biết, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận mức độ lây nhiễm của đột biến mới này so với chủng Delta gốc.
Trong khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành, khiến nhiều nước trên thế giới rơi vào cảnh dịch bệnh bùng phát, tại Nam Phi, các nhà khoa học đã xác định được một biến thể mới. Đáng chú ý, biến thể này có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới.
Biến thể này được gọi tắt là C.1.2. và phát triển từ C.1, một trong những dòng virus truyền thống đã hoành hành trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Nam Phi vào năm 2020.
C.1.2 lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi hồi tháng 5/2021. Cho đến nay, biến thể này đã được phát hiện tại phần lớn các tỉnh ở Nam Phi và ở 7 quốc gia khác trải dài khắp châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, biến thể mới khác xa nhất với chủng virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc. Theo nghiên cứu, C.1.2 có khoảng 42 đột biến mỗi năm. Tốc độ lây lan của biến thể này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Tương tự với biến thể Beta và Delta trước đó, ở giai đoạn đầu này, số lượng bộ gene C.1.2 được giải trình tự ở Nam Phi đã tăng liên tục sau mỗi tháng.
Các chuyên gia cảnh báo, đây là một lời nhắc nhở đối với người dân ở Nam Phi và trên toàn cầu rằng, đại dịch này vẫn chưa kết thúc bởi virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi từng ngày, tiếp tục tìm cách chống lại các biện pháp ngăn chặn để lây nhiễm cho con người.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()