Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:39 (GMT +7)
Nhiều nhà xe “thắt lưng, buộc bụng” chịu lỗ
Thứ 4, 23/02/2022 | 09:42:35 [GMT +7] A A
Giá xăng dầu liên tục tăng “phi mã” đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp phải khó khăn chồng chất khi tần suất xe chạy giảm do lượng khách quá ít. Muốn tăng giá cước nhưng tăng thì không có khách, nên hàng loạt doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng”… chịu lỗ.
Không dám tăng giá vé để giữ khách
Ngày 22/2, chia sẻ với phóng viên Báo CAND, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho hay, hiện doanh nghiệp chưa có kế hoạch tăng giá vé. Doanh nghiệp vận tải đang “choáng” chưa nghĩ ra cách gì để bù đắp lỗ và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Bằng đánh giá, giá xăng tăng như ngày 21/2 vẫn ở mức cầm chừng và dự kiến sẽ còn tăng. Theo giá xăng dầu thế giới và giá chiết khấu của các nhà cung cấp đã đẩy lên hết chiết khấu, hiện các nhà kinh doanh xăng dầu đang lỗ, nếu giữ được mức giá đã là khó.
“Hãng xe Sao Việt không thể tăng giá, mỗi ngày hãng chỉ chạy 15 chuyến, đạt khoảng 30% công suất. Nếu lượng khách không đạt được 70% thì đơn vị không cho xe chạy và buộc phải dồn chuyến vì với giá xăng như hiện nay, chạy dưới 60% số ghế là lỗ”, ông Bằng cho biết và thừa nhận, thực tế giá vé Hà Nội - Lào Cai là 230.000 đồng/khách, nếu giá xăng dầu như hiện nay, doanh nghiệp không có khấu hao tài sản, chỉ trang trải tiền lương, phí cầu đường để giữ tuyến, giữ khách.
Cùng hoàn cảnh, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (chuyên tuyến Hải Phòng - Hà Nội) nhận định, với mức xăng dầu tăng “phi mã” như hiện nay, doanh nghiệp vận tải buộc phải tính đến việc tăng giá cước.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là hành khách đi vẫn rất ít do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nếu tăng cước thì sẽ không có khách, trong khi giá nhiên liệu tăng gấp 2 lần. Hiện hãng xe Đất Cảng mới chỉ hoạt động 50% số phương tiện nhưng lượng khách cũng chỉ đạt khoảng 30%, càng chạy càng lỗ.
Ông Hải bày tỏ lo lắng, lượng phương tiện đi lại chưa thực sự trở lại bình thường, nếu tăng giá vé cũng không có tác dụng mà có thể sẽ có rủi ro vì khách sẽ tính đến phương tiện cá nhân như môtô xe máy.
Cố tiết giảm chi phí chờ ngày thị trường hồi phục
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết, tính đến ngày 22/2, mặc dù giá xăng dầu tăng cao nhưng hiện tại các nhà xe đều “án binh bất động”, giữ nguyên giá cước so với trước. Bản thân các nhà xe cũng chưa có phương án điều chỉnh giá vào thời điểm hiện tại do nhu cầu vận chuyển của người dân thấp, chỉ khoảng 20-25% so với thời điểm trước dịch. Mỗi ngày lượng xe ra vào bến chỉ đạt gần 200 xe so với trung bình hơn 600 xe trước đây.
Để vượt khó, các nhà xe đều khẳng định sẽ tiết giảm tối đa chi phí để duy trì hoạt động và mong thị trường sớm hồi phục. Đại diện một số hãng taxi tại Hà Nội cũng thừa nhận, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh vận tải của các hãng gặp rất nhiều khó khăn. Lượng khách di chuyển bằng taxi giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 35-40% so với thời điểm trước dịch. Mặc dù giá xăng tăng cao, giá cước của một số hãng taxi vẫn giữ ổn định.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập, ngại việc và bỏ việc. Trong khi đó, xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải. Ông Hùng dự báo, chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.
"Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất. Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Điều này sẽ khiến khách sụt giảm mạnh hơn", ông Hùng nói.
Đặc biệt, hiện nay ngành vận tải nhiều tỉnh vẫn đang dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, trong khi đó Nghị quyết 128 đã chỉ đạo là cần thích ứng với dịch bệnh, chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Ông Hùng đề nghị Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho các doanh nghiệp vận tải.
"Nhà nước đã ban hành nhiều gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, lao động thì Liên bộ Công Thương - Tài chính cũng phải vào cuộc tích cực, như vậy mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế. Các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh", ông Hùng giãi bày.
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()