Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:59 (GMT +7)
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 4, 11/12/2024 | 09:37:59 [GMT +7] A A
Bằng chính sức lao động, tư duy đổi mới, bàn tay cần mẫn, nhiều mô hình kinh tế đã được bà con nhân dân vùng đồng bào dân tộc mạnh dạn thực hiện, qua đó, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, mà còn góp phần kiến tạo sự đổi thay của mỗi địa phương.
Nhiều năm nay, anh Trương Văn Đại, dân tộc Dao, thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tự nhiên khu vực này phù hợp với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, năm 2020, anh Đại đã bắt tay vào thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Để phát triển mô hình hiệu quả, anh Đại dành nhiều công sức chủ động xây dựng chuồng trại kiên cố; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải của bò giảm thiểu mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh; áp dụng kỹ thuật trồng một số loại cỏ làm thức ăn cho bò. Anh cũng tìm tòi, nghiên cứu sản xuất và chế biến một số loại thực ăn thô xanh, thức ăn tinh bột cho bò...Từ 2 bò giống đến nay, đàn bò của anh Đại đã có 50 con. Cùng với chăn nuôi bò, anh Đại cũng đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm theo hình thức chăn thả tự nhiên với trên 10.000 con mỗi năm. Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 200-250 triệu đồng/năm.
Anh Đại chia sẻ: Tận dụng diện tích đất vườn rộng rãi, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, điều kiện khí hậu thuận lợi, nhiều năm qua, tôi đã phát triển được mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để mô hình đạt hiệu quả, giải pháp quan trọng nhất đó là phải chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bằng việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng hẹn. Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học vi sinh đảm bảo vệ sinh. Chuồng trại luôn trong trạng thái thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thường xuyên sạch sẽ. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phát triển mô hình này, tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật, con giống, thức ăn chăn nuôi cho một số hộ trên địa bàn xã để thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh hôm nay đang có ngày càng nhiều những mô hình kinh tế hiệu quả được tạo dựng. Bởi thay vì lựa chọn vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc đến vùng đất khác làm ăn, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Đàm Văn Triệu, dân tộc Dao, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ là một trong nhiều bà con dân tộc thiểu số như thế. Khi huyện Ba Chẽ khuyến khích các hộ dân trồng trà hoa vàng, cộng thêm có được sự động viên của gia đình, anh Triệu đã quyết định chuyển đổi 3ha keo của gia đình trồng 2,5ha trà hoa vàng. Nhận thấy hơn 2ha trà hoa vàng của gia đình chính là điều kiện thuận lợi, cùng với nguồn thức ăn dồi dào lại ít dịch bệnh cho chăn nuôi năm 2019, anh đã mạnh dạn xây chuồng trại và nhập 1.000 con giống về nuôi. Để tìm hiểu về mô hình, anh Triệu đã tìm hiểu kỹ giống gà và kỹ thuật chăn nuôi để đàn gà khoẻ mạnh. Sau khi gà được 3 tháng tuổi, anh bắt đầu chuyển sang cho gà ăn ngô trộn với chuối thái nhỏ và thả gà ra đồi để gà ăn cỏ dưới tàn trà hoa vàng. Cũng từ đây, anh đã phát triển mô hình kinh tế vườn - chuồng - rừng. Cây trà che bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ bắt sâu dưới gốc trà và thải phân, bón cho cây trà. Từ cách làm này mà hằng năm anh Triệu đã tiết kiệm được nhiều chi phí thuê người về nhặt cỏ và chăm cho cây trà. Đây là cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế.
Từ đó, anh Triệu duy trì chăn nuôi 3 lứa gà/năm với quy mô 1.000 con/lứa. Mỗi lứa gà của anh khi được 7 tháng tuổi sẽ đạt trọng lượng 1,5 – 2kg/con và được xuất bán. Do là giống gà có thương hiệu nên gà có chân nhỏ, thịt chắc và thơm ngon. Với giá bình quân 150.000 đồng/kg, mỗi lứa gà gia đình anh thu lãi từ 50-100 triệu đồng. Mô hình này trở thành điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Để thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Với thủ tục cho vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng, đối tượng đa dạng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho người dân, tạo động lực cho phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.300 tỷ đồng với gần 75.000 người dân còn dư nợ, trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới.
Màu xanh của những cánh rừng trù phú, màu vàng của vườn cây trĩu quả đang hiện diện ở khắp các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Ninh... Những mảng màu tươi sáng được vẽ lên bởi bàn tay cần cù, tư duy đổi mới, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương từ mô hình kinh tế hiệu quả của chính những người dân nơi đây.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()