Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:18 (GMT +7)
Nhiều mô hình, giải pháp hiệu quả phòng chống mại dâm
Thứ 5, 16/11/2023 | 16:37:55 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, công tác phòng chống tệ nạn mại dâm đã được các ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh quyết liệt; từ đó đã không để xảy ra các tụ điểm, điểm nóng phức tạp đối với tệ nạn này. Cùng với đó, việc triển khai hiệu quả và đổi mới hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các cấp, ngành trong phòng chống tệ nạn mại dâm cũng góp phần giảm thiểu tệ nạn này.
Với quan điểm lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), nhằm giảm tác hại của ma túy, mại dâm, mua bán người đối với đời sống xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, nhất là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền về phòng, chống TNXH ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đạt hiệu quả.
Điển hình như trong tháng 6/2023, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức hoạt động tập huấn nâng cao năng lực công tác tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ giảm tác hại về mại dâm và các TNXH cho các thành viên thuộc mô hình "Phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm" tại các phường Mạo Khê (TX Đông Triều), Nam Khê (TP Uông Bí), Quảng Yên (TX Quảng Yên).
Theo đó, các học viên đã được tập huấn về công tác triển khai hoạt động mô hình năm 2023; kiến thức cơ bản về phòng, chống mại dâm; năng lực tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ giảm tác hại về mại dâm và tham gia thảo luận nhóm với việc đưa ra những vấn đề thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm khi tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ giảm tác hại về mại dâm và các TNXH tại cơ sở. Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên cũng đã khuyến nghị các thành viên của các CLB khi hoạt động cần có kỹ năng phòng vệ, nhận biết các nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân trong quá trình tiếp cận, hỗ trợ giảm hại tại cộng đồng.
Sở LĐ-TB&XH đang duy trì và triển khai hoạt động 3 mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng trên địa bàn 3 thành phố là Uông Bí, Cẩm Phả, Hạ Long. Điển hình là mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB của người bán dâm, trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, mô hình này đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 230 lượt người có nguy cơ mại dâm các kiến thức về SKSS, sức khoẻ tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại HIV/AIDS; tiếp cận 150 Cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thực hiện quy định của pháp luật về quản lý người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Qua mô hình đã trực tiếp tư vấn, chuyển gửi 80 người đến cơ sở y tế xét nghiệm HIV miễn phí, xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục; cấp phát 10.000 bao cao su cho người mại dâm; mở rộng kết nối 50 thành viên mới tham gia hoạt động nhóm/CLB.
Hay như mô hình đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP Hạ Long. Trong 6 tháng, mô hình đã tiếp cận, tư vấn qua zalo về quyền của người lao động cho 75 người có nguy cơ mại dâm, chuyển gửi 18 người đi xét nghiệm HIV; mở rộng kết nối, thu hút 23 thành viên tham gia sinh hoạt/hoạt động của nhóm; tổ chức cấp phát hơn 5.000 bao cao su cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các địa phương duy trì mô hình Phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 8 xã, phường: Yết Kiêu, Hà Khẩu, Đại Yên (TP Hạ Long), Nam Khê (TP Uông Bí), Mạo Khê (TX Đông Triều), Quảng Yên (TX Quảng Yên), Cẩm Thủy, Quang Hanh (TP Cẩm Phả). Thông qua các mô hình đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; hỗ trợ chính quyền địa phương nắm địa bàn, phát giác, tố cáo hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm...
Từ đó, Sở LĐ-TB&XH có thể nắm bắt được tình hình tệ nạn mại dâm, để có những kế hoạch, giải pháp phù hợp ngăn chặn tệ nạn này. Đồng thời, đảm bảo những quyền cơ bản của người bán dâm, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, y tế, gắn với thực hiện các chính sách của tỉnh theo chương trình giảm nghèo, học nghề, vay vốn tạo việc làm, tạo thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng bền vững, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.
Tuy nhiên, do từ năm 2021 đến nay, kinh phí hoạt động của các mô hình bị cắt giảm, do các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện không còn đủ căn cứ pháp lý, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các CLB trong các mô hình thí điểm. Trước thực trạng này, Sở LĐ-TB&XH cũng kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH sớm ban hành Thông tư về khung định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm để các địa phương có cơ sở duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()