Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:47 (GMT +7)
Nhiều mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Thứ 6, 07/07/2023 | 08:25:46 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm tới công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện nhiều mô hình, hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trẻ em; phát huy tính chủ động, vai trò nòng cốt trong tham mưu với cấp ủy chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, như: Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng đời sống văn hóa; giám sát việc thực hiện các chính sách về bình đẳng giới, an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em phát triển về mọi mặt; xây dựng các CLB, mô hình, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc giáo dục trẻ; thực hiện các quyền trẻ em; xử lý các tình huống liên quan đến quyền trẻ em, các trường hợp xâm hại trẻ em...
Trong đó phải kể đến hiệu quả của chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN tỉnh phát động từ năm 2022. Đây là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giảm đi phần nào những thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Các cấp hội phụ nữ tỉnh đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, kết nối được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm và toàn xã hội chung tay giúp nhiều trẻ em khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chương trình đã thể hiện rõ phẩm chất, tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phụ nữ.
Trần Tuấn Hoàng (SN 2011, thôn 3, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Bố mẹ ly hôn năm 2014; mẹ em bị câm điếc nuôi em cùng 2 đứa em (cũng không có bố). Hội LHPN xã đã nhận đỡ đầu Tuấn Hoàng từ tháng 12/2022, mức 200.000 đồng/tháng từ nguồn kinh phí của mô hình "Biến rác thành tiền".
Phạm Trung Hiếu (học sinh lớp 6A, Trường THCS Cộng Hòa, TX Quảng Yên) từ bé được họ hàng nuôi nấng, dạy dỗ, do khi sinh ra đã không có bố, mẹ bị mờ mắt bẩm sinh, không biết chữ, không có công việc ổn định, ông ngoại tuổi cao, bị liệt, tai biến nhiều năm nay. Hội LHPN phường Cộng Hòa đã kết nối với ông Nguyễn Huy Ninh, một nhà hảo tâm ở TP Uông Bí, nhận đỡ đầu đến khi em 18 tuổi, với số tiền 500.000 đồng/tháng.
Tiếp tục chương trình “Mẹ đỡ đầu”, từ đầu năm 2023 các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tiến hành rà soát đăng ký chỉ tiêu nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 5 tháng đầu năm, các cấp hội phụ nữ đã kết nối nhận đỡ đầu 38 trẻ, nâng tổng số 333 trẻ được nhận đỡ đầu qua chương trình "Mẹ đỡ đầu".
Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ thường xuyên nắm bắt tình hình, phản ánh thông tin về các vụ việc, vấn đề liên quan đến trẻ em để kịp thời hỗ trợ, tư vấn, phối hợp giải quyết, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ. Các cơ sở hội, nhất là các chi hội phụ nữ tại địa bàn dân cư, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho thanh thiếu nhi; tuyên truyền phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em.
Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì sinh hoạt hằng tháng của 4 CLB “Thân thiện” tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí; 3 mô hình “Chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ” tại huyện Ba Chẽ, TX Quảng Yên, TP Uông Bí; 4 CLB “Quyền trẻ em” tại TP Cẩm Phả, TX Đông Triều.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()