Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:14 (GMT +7)
Nhiều mặt hàng tăng giá theo xăng dầu
Chủ nhật, 27/02/2022 | 12:36:38 [GMT +7] A A
Giá xăng dầu trong nước tăng cao gây sức ép lớn đến giá cả hàng hóa, đặc biệt những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Giá xăng E5 RON 92 hiện là 25.530 đồng/lít (tăng 960 đồng/lít so với trước); RON 95 là 26.280 đồng/lít (tăng 960 đồng/lít). Với mức tăng lần này, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã xác lập kỷ lục mới so với thời điểm tháng 7/2014. Do biến động của giá xăng dầu nên chi phí vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng theo. Chưa kể những ngày rét đậm, rét hại, nguồn cung khan hiếm khiến giá rau củ quả tăng mạnh.
Tại một số chợ dân sinh quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, nhiều mặt hàng rau đã tăng giá, như: Bắp cải từ 7.000 - 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/mớ. Các loại rau khác trước đây được bán bình quân với giá 8.000 - 11.000 đồng/bó, nay tăng thêm 3.000 - 5.000 đồng so với trước.
Tại chợ Hôm Đức Viên, Mùng 8/3, giá cải thảo tăng từ 8.000 đồng/kg lên 14.000 đồng; rau cần tăng giá từ 6.000 đồng/mớ lên 9.000 đồng/mớ; bí xanh 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; su hào từ 5.000 đồng/củ lên 9.000 đồng/củ; cà rốt từ 2.000 đồng/củ lên 5.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ. Một số loại rau gia vị cũng tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy loại… Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm tại chợ dân sinh cũng tăng nhẹ. Giá thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg; thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước; gà ta nguyên lông cũng tăng giá 10.000 đồng/kg với giá bán từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Cùng diễn biến “nóng” theo giá thực phẩm, rau xanh, giá cả một số dịch vụ vận tải cũng rục rịch tăng theo. Theo tính toán, chi phí vận tải hiện chiếm khoảng 10 - 15% giá thành sản phẩm nên giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều công ty dự kiến có thể tăng giá hàng hóa từ 5 - 10% để bảo đảm lợi nhuận.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, lái xe Nguyễn Đức Phúc, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi đang cho thuê xe đồng thời kiêm lái xe cho một công ty Nhật Bản tại tỉnh Bắc Ninh. Do hợp đồng ký thuê xe dài hạn nên mặc dù giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua, tôi cũng không được điều chỉnh tăng giá cước cũng như phía đối tác không bù trợ giá”.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc, nếu như mọi năm, giá thuê xe 16 chỗ đi từ Hà Nội - Bắc Ninh là 1,5 triệu đồng/chuyến thì nay là 1,8 - 2 triệu đồng/chuyến; hoặc giá thuê xe 16 chỗ đi Chùa Hương từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/chuyến thì lái xe mới có lợi nhuận.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta, đơn vị chuyên về logistics cho biết: Đối với vận tải đường bộ, 40% giá cước là chi phí nhiên liệu, giá xăng dầu tăng đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. “Muốn điều chỉnh ngay giá cước vận tải cũng không được vì giá đã quy định trong hợp đồng. Do vậy, Delta đang phải tìm cách thương lượng với khách hàng để điều chỉnh giá cước nhằm bù đắp phần nào. Giá xăng dầu tăng khiến các đơn vị buộc phải tìm cách giảm giá thành sản xuất hoặc chịu giảm lợi nhuận để giữ cam kết với khách hàng”, đại diện Delta chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc lớn vào thế giới, hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ đều sử dụng xăng dầu, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm. Đối với nền kinh tế Việt Nam, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%, ngoài ra trực tiếp tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Trước tình hình trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Mặt bằng giá cả thị trường 2 tháng đầu năm 2022 biến động tăng, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas. Riêng mặt hàng kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 trong những ngày gần đây đã xảy ra hiện tượng khan hiếm và biến động về giá trước tình hình diễn biến biễn phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế đang chủ trì tổ chức triển khai để sớm có các giải pháp để bình ổn giá mặt hàng này theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như: Dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), dịch vụ hàng không, dịch vụ tại cảng biển… có thể phải điều chỉnh giá tùy thuộc vào doanh thu, biến động chi phí đầu vào.
Theo Báo tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()