Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:40 (GMT +7)
Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thứ 5, 19/12/2024 | 18:10:24 [GMT +7] A A
Ngày 19/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở tỉnh chủ trì hội nghị.
Ngay từ đầu năm 2024, Quảng Ninh đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ theo hướng thiết thực, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời cụ thể hóa, ban hành 28 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tăng cường đổi mới, triển khai có hiệu quả, thực chất thống nhất, đảm bảo dân chủ, đồng thuận trong Nhân dân. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản cụ thể hóa, triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với bám sát chỉ đạo của tỉnh và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Năm 2024, công tác tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng được cấp ủy cấp huyện quan tâm, tổ chức 72 lớp tập huấn cho 8.532 lượt người. Các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra đối với 1.688 tổ chức đảng và 7.113 đảng viên; giám sát đối với 1.524 tổ chức đảng và 5.955 đảng viên. Đến nay toàn tỉnh có 100% địa phương, cơ quan, đơn vị ban hành QCDC ở cơ sở. Cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp tập trung đổi mới hoạt động quản lý, điều hành theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, thân thiện. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động với phương châm sâu sát cơ sở, rõ nội dung, công việc; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở tỉnh, địa phương, cơ quan, đơn vị. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được phát huy tối đa và hiệu quả. Từ đó, tiếp tục tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân để vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện dân chủ, có biểu hiện phó mặc cho bộ phận thường trực, giúp việc; nột bộ phận CBCCVC, người lao động và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nên việc tham gia ý kiến vào các quy định, quy chế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình chưa được chủ động, ngại va chạm; đội ngũ cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp hoạt động mang tính kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên chưa thể hiện rõ vai trò trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở tỉnh, đề nghị: Bên cạnh những kết quả tích cực, cần nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại, hạn chế; phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế đó để có các giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần thực hiện tốt hơn công tác dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, với chủ đề công tác “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy hiệu quả hoạt động của từng thành viên, vai trò của người đứng đầu.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể nhân dân xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo không khí phấn khởi, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ thực sự của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()