Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:48 (GMT +7)
Nhiều học sinh bị đa chấn thương nặng do chơi pháo nổ tự chế
Thứ 4, 25/12/2024 | 09:45:42 [GMT +7] A A
Trong những tuần gần đây, các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh bị tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ tự chế. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các em tự mua thuốc pháo và học cách chế pháo thông qua các hướng dẫn trên mạng.
Ngày 24/12, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, vào tối 23/12, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp bị đa chấn thương và bỏng nghiêm trọng liên quan đến pháo tự chế. Cả 3 bệnh nhân đều được chuyển đến từ một bệnh viện ở tỉnh Tây Ninh, là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 17. Theo chia sẻ từ thân nhân, nguyên nhân vụ nổ là do nhóm thanh thiếu niên này đã đặt mua thuốc pháo và tự điều chế theo hướng dẫn trên mạng, dẫn đến phát nổ.
Ngay sau khi tiếp nhận, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đã khởi động quy trình báo động đỏ, tiến hành các phương pháp điều trị tích cực như nội soi phế quản cấp cứu và hồi sức; đồng thời, ê-kíp bệnh viện cũng thông báo đến các khoa Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiết niệu, Nội phổi và Phỏng - Phẫu thuật tạo hình để cùng phối hợp điều trị kịp thời cho các bệnh nhân.
Trong số 3 bệnh nhân được chuyển đến, T.T.N. (sinh năm 2007) là trường hợp nặng nhất. Theo bác sĩ Trần Anh Vũ, khoa Ngoại tiết niệu, bệnh nhân N. được chẩn đoán bị phỏng thuốc pháo khoảng 50% (độ 2, 3 toàn thân), dập nát tinh hoàn phải, lóc gần hết vùng da dương vật và đa chấn thương tứ chi. Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ của khoa Ngoại tiết niệu và khoa Chấn thương chỉnh hình đã phối hợp tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm. Ca phẫu thuật kéo dài đến gần 8 giờ sáng ngày 24/12 mới hoàn thành.
"Do tình trạng quá nghiêm trọng, ê-kíp buộc phải cắt bỏ tinh hoàn phải để cầm máu và loại bỏ sạch các dị vật, mảnh pháo nổ. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi sát sao diễn tiến sức khỏe", bác sĩ Trần Anh Vũ cho biết.
Tại khoa Phỏng và phẫu thuật tạo hình, bác sĩ Trần Văn Khoa cho biết, hai bệnh nhân P.P.D. (sinh năm 2009) bị phỏng thuốc pháo 35% (độ 2 toàn thân) và K.V.P. (sinh năm 2007) bị phỏng 31% (độ 2, 3 toàn thân). Hiện cả hai bệnh nhân đang được điều trị nội khoa với các biện pháp bù dịch, sử dụng kháng sinh để chống nhiễm trùng. Trong thời gian tới, hai bệnh nhân có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật cắt lọc vùng hoại tử và ghép da.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ trong vòng một tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 7 trường hợp bệnh nhân bị đa chấn thương nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ tự chế. Các bệnh nhân có độ tuổi trung bình từ 12 đến 16 tuổi. ThS. BS CK1 Trần Phước Bình, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các tai nạn hỏa khí do pháo nổ thường để lại những tổn thương nghiêm trọng. Nạn nhân thường bị những vết thương điểm sâu trên da, kèm theo tình trạng cháy xém toàn thân và các vùng tiếp xúc gần với vụ nổ thường bị dập nát nghiêm trọng.
"Hệ lụy từ pháo nổ là rất nặng nề, đặc biệt khi các bệnh nhân đều còn rất trẻ. Những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt mà còn gây tác động lâu dài đến sự phát triển thể chất, tâm lý của các em", bác sĩ Trần Phước Bình chia sẻ.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chỉ trong 2 tuần gần đây, đơn vị đã liên tục tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng do tai nạn liên quan đến pháo nổ tự chế. Điển hình là trường hợp một bé trai 12 tuổi ngụ tại Bình Phước, đã sử dụng bột từ hộp quẹt diêm, cho vào vòi ruột xe và đập gây nổ. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật để xử lý vết thương dập nát mô cái, nhiều vết thương nham nhở ở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, hàng năm, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhi bị tai nạn do pháo nổ, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video hướng dẫn cách làm pháo tự chế, trong khi việc mua các vật liệu và thuốc nổ để chế tạo pháo lại khá dễ dàng. Điều này khiến nhiều trẻ em tò mò làm theo, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Tai nạn do pháo nổ thường để lại hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tổn thương vùng tiếp xúc trực tiếp, mất da, dập nát phần mềm, mù mắt hoặc thậm chí tử vong.
Bác sĩ Trần Phước Bình khuyến cáo, trẻ em tuyệt đối không nên vì tò mò mà sử dụng hay tự chế pháo nổ. Gia đình và nhà trường cần tăng cường quan tâm, giám sát trẻ để ngăn ngừa những rủi ro đáng tiếc. Trong trường hợp tai nạn xảy ra, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, đánh giá tình trạng vết thương toàn thân và vùng bị bỏng, sau đó tiến hành sơ cứu bằng cách băng bó vết thương và đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán, hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt nghiêm khắc với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Cụ thể, Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện hoặc tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất và sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Hành vi mua bán các nguyên liệu dễ gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hoặc hướng dẫn chế tạo pháo nổ sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng, theo quy định tại điểm i, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Ngoài ra, tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép các loại pháo nổ, theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự. Đây là những biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây nguy hiểm đến an toàn xã hội và tính mạng của người dân.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()