Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:30 (GMT +7)
Xóa nghèo bền vững ở huyện Đầm Hà
Thứ 5, 25/07/2024 | 14:52:40 [GMT +7] A A
Hết năm 2023, huyện Đầm Hà không còn hộ nghèo theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, toàn huyện còn 14 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,12%, 165 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,47%.
Năm 2024, huyện Đầm Hà phấn đấu toàn huyện không còn hộ nghèo và giảm 55% số hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tô Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng tôi đã phát huy tất cả các nguồn lực bằng mọi cách giúp người dân thoát nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi không coi việc giúp các hộ thoát nghèo, cận nghèo là xong mà phải giúp họ có cuộc sống ổn định bền vững, tuyệt đối không để tái nghèo, tái cận nghèo, phát sinh nghèo mới. Do đó, huyện đã tăng cường công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật gắn giải quyết việc làm, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, giới thiệu học nghề, việc làm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người/hộ nghèo, người/hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số và người lao động có nhu cầu tìm việc làm…”.
Các xã trên địa bàn huyện đều có cách làm sáng tạo, phát huy tốt nguồn lực ở địa phương tạo việc làm để người dân có thu nhập ổn định. Chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại thôn Yên Sơn, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Cách đây khoảng chục năm ở Yên Sơn luôn có hơn 50% hộ nghèo, thì nay Yên Sơn đã không còn hộ nghèo mà còn có tới 80% hộ khá. Các ngôi nhà đất đã được dỡ bỏ và thay thế bằng nhà kiên cố với kiểu dáng hiện đại không thua kém các ngôi nhà ở phố. Người dân đã biết phát huy thế mạnh của việc trồng rừng, nhưng để bà con hăng hái và yên tâm với công việc này, trong các thôn đã có những người mạnh dạn đứng ra bao tiêu sản phẩm gỗ keo cho bà con.
Anh Tằng Dẩu Lềnh, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Yên Sơn, là một trong những người như thế. Năm 2012 anh đã đứng ra thành lập HTX Yên Sơn làm các công việc chở vật liệu xây dựng công trình nhà, mở đường xây dựng nông thôn mới, bao tiêu sản phẩm keo cho người dân trong thôn. HTX không chỉ tiêu thụ gỗ keo cho người dân, xây nhà, mở đường thay đổi bộ mặt của thôn mà còn tạo việc làm theo thời vụ cho rất nhiều lao động tại chỗ, có thời điểm đến vài trăm lao động.
Xã Quảng An có 9 dân tộc anh em, người dân tộc thiểu số chiếm 74% một thời rất đông hộ nghèo, nay xã đã không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí trung ương. Quảng An đã phát huy tốt lợi thế cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn để thu hút khách du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương. Từ tháng 2/2024, xã Quảng An lại mở Chợ phiên vùng cao Ba Nhất hàng tháng ở thôn Làng Ngang và phát huy tiềm năng du lịch của điểm du lịch thác Bạch Vân ở thôn Tầm Làng, đây là các thôn có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giúp cho bà con có nhiều việc làm phục vụ du khách và tiêu thụ tốt các sản phẩm địa phương như gà đồi, khoai sọ, quần áo thổ cẩm...
Các xã có biển như Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà thì tạo việc làm cho người dân từ các cơ sở chế biến hàu, thu hút hàng nghìn lao động với thu nhập từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, HTX Thương mại và chế biến hàu Đầm Hà có trụ sở tại xã Đầm Hà. Hiện HTX này có khoảng 300 lao động làm việc thường xuyên, trong đó có 40 lao động là người cao tuổi, không có hưu trí nhưng còn sức khỏe nên không muốn dựa dẫm vào con cái và 10 lao động là người khuyết tật. Theo lãnh đạo HTX, các lao động này bố trí công việc một cách hợp lý, để người cao tuổi và người khuyết tật vẫn có thể làm việc và có khoản thu nhập nhất định để ổn định cuộc sống.
Từ sự vào cuộc tích cực của huyện Đầm Hà và sự năng động của các xã, người dân đã được tạo nhiều việc làm ngay tại địa phương và có thu nhập ổn định để nâng cao cuộc sống ngày càng đi lên.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()