Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:22 (GMT +7)
Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số: Nhiều giải pháp đồng bộ
Thứ 3, 05/10/2021 | 07:45:37 [GMT +7] A A
Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, quan điểm chung của tỉnh Quảng Ninh là tiếp tục ưu tiên quan tâm cho khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, người dân vùng sâu, vùng xa.
Tất cả cùng chung tay
Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã trao tặng 32.600 ly sữa tươi với tổng giá trị 170 triệu đồng để phục vụ bữa ăn hằng ngày cho học sinh Trường Mầm non Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ). Qua đó, các em học sinh sẽ được uống sữa miễn phí trong 3 tháng liên tục, góp phần tăng cường chế độ dinh dưỡng... Đây là hoạt động thiết thực của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và thể chất cho học sinh, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Không riêng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với đồng bào DTTS. Như: Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thăm, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn); Viện KSND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng giếng khoan cho 10 hộ dân xã Đồn Đạc (Ba Chẽ); BĐBP tỉnh duy trì hiệu quả chương trình trình “Nâng bước em đến trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”...
Nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin liên lạc của người dân, tăng cường phổ biến chính sách, phát triển KT-XH địa phương, thời gian qua, hạ tầng viễn thông đã không ngừng được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tích cực phối hợp với doanh nghiệp viễn thông triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng "lõm" sóng di động. Trong đó, rà soát kỹ lưỡng, lập danh sách cụ thể các điểm "lõm" sóng, phân công đơn vị phủ "lõm" theo lộ trình; tạo điều kiện tối đa, rút ngắn các thủ tục không cần thiết, đẩy nhanh GPMB, sớm xây dựng các trạm thu phát sóng (BTS) tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo; hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trạm BTS... Qua đó, đến nay toàn tỉnh đã có 2.402 trạm BTS, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt 98%, cáp quang đã phủ đến 100% xã trên đất liền.
Tuy nhiên, do các yếu tố đặc thù về địa hình, nhất là các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn 70 điểm "lõm" sóng di động và 117 điểm chưa có Internet cáp quang băng rộng. Thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội hỗ trợ đầu tư xây dựng phủ sóng 54 điểm "lõm" sóng và 45 điểm chưa có Internet cáp quang băng rộng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam hỗ trợ đầu tư xây dựng phủ sóng 16 điểm "lõm" sóng và 71 điểm chưa có Internet cáp quang băng rộng bằng kinh phí của đơn vị.
Những cú huých mạnh mẽ
Tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn với đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong 15 chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, qua đó, góp phần thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách vùng miền.
Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo Nghị quyết, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Để thực hiện các chương trình theo Nghị quyết, tỉnh sẽ dành 4.000 tỷ đồng (khoảng 3% tổng chi ngân sách địa phương chưa bao gồm nguồn cải cách tiền lương, dự phòng ngân sách, nguồn trả nợ, lương và các khoản có tính chất như lương). Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực hợp pháp khác.
Các sở, ngành, địa phương liên quan đã chủ động triển khai hoạt động cụ thể đưa Nghị quyết 06 vào cuộc sống. Đơn cử như Bình Liêu, huyện đã rà soát, nhanh chóng xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn địa phương. Đến hết năm 2022, huyện phấn đấu không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới. Đến năm 2023, 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 20% xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người gấp 2 lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình trên 4%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn...
Đáng chú ý, vừa qua, tại Kỳ họp thứ 4 - kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2021. Trong đó, phân bổ 200 tỷ đồng cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, qua đó, nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()