Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:30 (GMT +7)
Nhiều giải pháp đảm bảo cân bằng, hài hòa
Thứ 6, 16/09/2022 | 10:00:12 [GMT +7] A A
Công tác dân số trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang công tác dân số và phát triển. Qua đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân, phát huy được cơ cấu dân số vàng, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu trong chiến lược dân số đến năm 2030.
Những năm qua, công tác dân số luôn được các cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn tỉnh xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở đánh giá sát tình hình thực tế địa phương, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành các văn bản triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp đặc thù về công tác dân số. Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số và phát triển đã làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và người dân; khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng có 2 con” đã trở thành chuẩn mực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Nhiều chỉ tiêu công tác dân số của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh; tuổi thọ bình quân người dân năm 2019 là 73,5 (tương đương toàn quốc). Năm 2021 tỷ số giới tính khi sinh đạt 109,26 bé trai/100 bé gái, giảm so với năm 2020. Quảng Ninh thuộc vùng đạt mức sinh thay thế.
Các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe được mở rộng, với nhiều hình thức, chất lượng ngày càng được nâng cao. Trên 99.000 người trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại; hơn 19.000 phụ nữ thực hiện sàng lọc trước sinh; trên 12.700 trẻ được sàng lọc sau sinh; 96,3% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), Nghị quyết 21-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với trọng tâm là chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, công tác dân số không chỉ chú trọng vào mục tiêu KHHGĐ mà gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Trong đó, bao gồm trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, việc làm, thu nhập, tình trạng sức khỏe... Các bài toán phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đều phải tính đến các yếu tố dân số nếu muốn phát triển nhanh và bền vững.
Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, ngành dân số tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cần tập trung truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Đồng thời, duy trì, nhân rộng và xây dựng các mô hình truyền thông có hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số.
Công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh cũng được gắn với các mục tiêu của chiến lược dân số đến năm 2030. Ngành dân số tỉnh tiếp tục mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, ngành dân số tỉnh tiếp tục hoàn thành xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số, đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số...
Vân Anh
- Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Góp phần nâng cao chất lượng dân số
- 99,5% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 - là mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh
- Vân Đồn: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số
- Quảng Ninh: Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số
- Bình đẳng giới nâng cao chất lượng dân số
- Đầm Hà: Nền tảng để nâng cao chất lượng dân số
Liên kết website
Ý kiến ()