Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:27 (GMT +7)
Nhiều dư địa cho hàng Việt Nam sang thị trường Âu-Mỹ
Thứ 5, 09/02/2023 | 15:10:31 [GMT +7] A A
Ông Tạ Hoàng Linh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ có nhiều thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ.
Cụ thể, gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam - Chi lê, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKFTA) tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, song hành với đó doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc thị trường xuất khẩu chủ lực ở các nước khu vực châu Âu tuy có thể tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương trừ Nga
Hơn nữa, việc các nước phương tây (Âu- Mỹ) duy trì hoặc tăng thêm lệnh trừng phạt với Nga; tiếp tục chiến lược kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc dẫn đến việc các nước này sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn hàng thay thế, địa bàn đầu tư thay thế trong khi Việt Nam có thể là một lựa chọn.
Điều này đặc biệt đúng khi các nước đều đang chú trọng vấn đề an ninh lương thực, sự ổn định của chuỗi cung ứng trong khi Việt Nam gặt hái nhiều thành công trong sản xuất xuất khẩu nông lâm thủy sản và nổi bật về sự ổn định kinh tế.
Ngoài ra, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khi hậu của Liên hợp quốc (COP26), nhất là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việc hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai khi nhu cầu các sản phẩm này ở các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ ngày một tăng và các chính sách bảo vệ môi trường tại các nước ngày một chú trọng.
Việt Nam sẽ nhận càng ngày càng nhiều hỗ trợ của các nước phát triển trong việc chuyển đổi năng lượng, thay đổi nền sản xuất hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu dùng.
Bên cạnh những thuận lợi, xuất nhập khẩu Việt Nam lại phải đối mặt với khó khăn trong năm 2023 như nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới; trong đó, có khu vực châu Âu - châu Mỹ; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.
Mặt khác, việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu.
Vì vậy, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực châu Âu-châu Mỹ theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, ông Tạ Hoàng Linh cho rằng, Bộ Công Thương cần theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, giải pháp phát triển thị trường truyền thống.
Cùng đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời.
Mặt khác, tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.
Đặc biệt, tiếp tục chú trọng công tác triển khai thực hiện các FTA nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA, UKVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định. Từ đó, tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những hiệp định này.
Ông Tạ Hoàng Linh cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống.
Hiện nay, các thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan... chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Thế nhưng, những thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh đang có tốc độ tăng trường cao tuy nhỏ, nhưng còn nhiều dư địa khai thác đồng thời cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đáng ghi nhận trong những năm trở lại đây.
Điển hình như Ba Lan (11%), Cộng hòa Séc (14,6%), Đan Mạch (40%), Rumani (tăng 52,6%), Slovenia (14,1%), Latvia (20,2%), Bungary (31%)…
Vì vậy, nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. Đồng thời, cần gia tăng, đa dạng hóa những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đẩy mạnh trao đổi các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác của Ủy ban liên Chính phủ/hỗn hợp; hỗ trợ quản lý và chỉ đạo hệ thống Thương vụ hoạt động hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư…
Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, Bộ Công Thương cần có giải pháp phối hợp cùng với hệ thống thương vụ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường và bảo về quyền lợi hợp pháp. Hơn nữa, hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Việc này nhằm mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển, nhất là các nước đã có cam kết tại COP 26.
Cùng đó, khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như: thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu…
Đặc biệt, tăng cường mối liên hệ qua các nền tảng trực tuyến giữa doanh nghiệp và hệ thống Thương vụ để phát huy vai trò của Thương vụ tại địa bàn. Đồng thời, bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam.
Không những thế, tận dụng các hãng phân phối là đối tác trong “Đề án xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối ở ngoài nước”, tận dụng nguồn lực các chuyên gia nước ngoài và các doanh nghiệp Việt kiều (thông qua hoạt động với cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài).
Ông Tạ Hoàng Linh cũng đề xuất hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như có chính sách điều hành tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu để tiếp sức cho doanh nghiệp.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()