Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học lần thứ 11, năm học 2022-2023 có sự tham dự của 70 đơn vị, bao gồm 59 sở GD&ĐT, 11 trường phổ thông trực thuộc Bộ GD&ĐT, thuộc các trường đại học và thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Các đơn vị mang đến cuộc thi 143 dự án thuộc 17 lĩnh vực, được lựa chọn từ những vấn đề gần gũi trong cuộc sống. Trong đó, có nhiều dự án được đánh giá bước đầu là có tính ứng dụng cao, có thể đưa vào thực tế và đem lại hiệu quả cao.
Các em học sinh tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học lần thứ 11, năm học 2022-2023 tự tin giới thiệu về địa phương, đơn vị mình tại lễ khai mạc
Trung tâm Truyền thông tỉnh trân trọng giới thiệu một số dự án có tính ứng dụng cao, có ý nghĩa thực tế được các bạn học sinh trung học mang tới Cuộc thi:
Các gian trưng bày, giới thiệu các dự án thu hút đông đảo đại biểu tham quan.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tham quan, tìm hiểu và đặt câu hỏi thực tế về Dự án "Rescue eye - hệ thống phát hiện và cảnh báo nạn nhân có nguy cơ tai nạn đuối nước" của học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ có hiệu quả thiết thực trong thực tế, góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn đuối nước.
Dự án “Đèn giao thông thông minh” của học sinh Trường THPT số 1 Bảo Yên, đại diện cho tỉnh Lào Cai tham dự Cuộc thi. Dự án nếu được ứng dụng vào thực tế sẽ góp phần tích cực trong việc điều tiết thời gian đèn giao thông theo lưu lượng phương tiện thực tế, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các nút giao lớn, có nhiều làn đường.
Dự án “Mắt thần cổng trường" là một trong những dự án được đánh giá có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tế cuộc sống, giúp đảm bảo môi trường giáo dục an toàn được các bạn học sinh trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An mang đến Cuộc thi.
Dự án “Sử dụng QR code hỗ trợ chăm sóc một số loại cây và hoa trên smartphone” được các bạn học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) mang đến cuộc thi được đánh giá là dự án có tính ứng dụng cao, có thể ứng dụng vào ngành nông nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số.
Dự án "Nghiên cứu và chế tạo máy đóng gói mắm tép" của nhóm tác giả là học Trường THPT Cẩm Phả là 1 trong 4 dự án đại diện cho tỉnh Quảng Ninh dự thi quốc gia. Đây là một dự án có ý tưởng xuất phát từ những vấn đề hết sức gần gũi, thân thuộc với các em học sinh trong cuộc sống thực tế đời thường, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các bạn học sinh đối với sự phát triển KT-XH của quê hương.
Trước thực tế các bệnh liên quan đến tuyến giáp ngày càng phổ biến, các bạn học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) đã mang đến Cuộc thi Dự án “I-KROBS - Robot phân phối viên nang I-131 cho người bệnh ung thư tuyến giáp” với kỳ vọng sẽ được ứng dụng rộng rãi vào thực tế, hỗ trợ các bệnh viện, các y bác sĩ trong công tác điều trị ung thư tuyến giáp cho bệnh nhân.
Nhiều đại biểu, chuyên gia tham quan và quan tâm, tìm hiểu về các dự án tiềm năng, có khả năng ứng dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả thực tế của các học sinh trung học tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học lần thứ 11, năm học 2022-2023.
Minh Hà
Ý kiến ()